Khi những thể loại âm nhạc mới như Rap, EDM… đang có xu hướng lên ngôi, thì không gian âm nhạc trữ tình xưa cũ vẫn bền bỉ “sống” và chiếm vị trí quan trọng trong lòng một bộ phận khán giả.
Ca sĩ Đan Trường là khách mời trong số mở màn của chương trình “Bài hát đầu tiên”
Thời gian gần đây, nhiều chương trình âm nhạc hoài niệm đã ra đời với mục đích lan tỏa những giá trị nhạc Việt từ giai đoạn khởi đầu rực rỡ đến với công chúng đương đại, nhất là lớp khán giả trẻ.
“Sống” lại những ký ức đẹp
Các show truyền hình quay lại với những bản nhạc đình đám, một thuở vàng son “làm mưa làm gió” trên mọi phương tiện thông tin đại chúng đã và đang được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Bài hát đầu tiên là chương trình lấy ca sĩ và âm nhạc làm tâm điểm, qua đó tôn vinh sự nghiệp cũng như tri ân những cống hiến của họ đối với nền âm nhạc Việt Nam. Chương trình đã quy tụ nhiều ngôi sao nổi tiếng của showbiz Việt, từ những cái tên của thế hệ trước như Ngọc Sơn, Đan Trường… cho tới thế hệ sau là Phạm Quỳnh Anh, Bảo Thy, Trịnh Thăng Bình… Ở đó, khán giả sẽ được lắng nghe những trải lòng của nghệ sĩ về những thăng trầm trên con đường ca hát, cùng với đó là màn tái hiện những bản “hit” từng làm say đắm biết bao con tim yêu nhạc như Kiếp ve sầu (Đan Trường), Tình như lá bay xa (Jimmii Nguyễn)…
Hay ở chương trình Quán thanh xuân với sự dẫn dắt của 2 biên tập, MC kỳ cựu là Anh Tuấn và Diễm Quỳnh, khán giả được kết nối với nhau bằng ký ức, bằng thanh xuân tươi đẹp của người nghệ sĩ, bằng những ca khúc đã đi cùng năm tháng, để rồi khi ngoái nhìn lại, mỗi người cảm thấy bồi hồi, lưu luyến với những hoài niệm của riêng mình. Tiếp nối thành công của những chương trình này, hàng loạt chương trình ký ức đã ra đời và được khán giả đánh giá cao như: Ký ức vui vẻ, Âm nhạc Việt Nam – Những chặng đường…
Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ cũng đã thực hiện những dự án mang hơi hướng hoài niệm. Đan Trường ra mắt album Bo Bolero ; Lam Trường thực hiện dự án “Phòng trà online” hát những bản “hit” của thời kỳ “Làn sóng xanh”; Giang Hồng Ngọc cũng đang hoàn thành album Một cuốn tự tình , dự án âm nhạc dài hơi tìm về những ca khúc cũ như Bây giờ tháng mấy, Mưa trên biển vắng…
Khán giả giao lưu cùng nghệ sĩ trong không gian âm nhạc ấm cúng của Quán thanh xuân
Không dễ để làm mới cái đã cũ
Tuy nhiên, để có thể giữ chân khán giả, để các sản phẩm này thật sự có chỗ đứng và cạnh tranh được trong thị trường âm nhạc sôi động hiện nay lại là điều không hề dễ dàng. Chính vì thế, hình thức chuyển tải của các chương trình cũng được biến tấu bằng nhiều phương thức thú vị. Nếu như ở Bài hát đầu tiên, Quán thanh xuân… kết nối âm nhạc cùng những câu chuyện của nghệ sĩ, thì ở Âm nhạc Việt Nam – Những chặng đường lại thông qua những bản tình ca bất hủ để khán giả hiểu thêm về hoàn cảnh ra đời và cả những tâm tư cùng phong cách sáng tác của nhạc sĩ gửi gắm vào tác phẩm. Ê kíp chương trình đã tập hợp nguồn tài liệu quý giá từ Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và Lưu trữ điện ảnh Việt Nam, cùng rất nhiều tư liệu, hình ảnh, đĩa nhạc từ người dân, các nhà sưu tầm đóng góp để làm nên những thước phim tài liệu có giá trị.
Rõ ràng âm nhạc hoài niệm không phải là cuộc dạo chơi hay mang tính trào lưu nhất thời. Bên cạnh việc tìm lại những ký ức đẹp cho thế hệ trước, thì đây còn là cơ hội định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho giới trẻ Việt Nam, trước những “nồi lẩu thập cẩm” ngoại lai. Để dòng chảy âm nhạc hoài niệm có chỗ đứng riêng vững vàng, bên cạnh cách làm mới lạ của các ê kíp sáng tạo, thì các nghệ sĩ cũng phải tìm cách khoác lên diện mạo mới cho bản nhạc thật sự chất lượng, thông qua nhiều yếu tố, từ hòa âm phối khí, cách hát phù hợp với “gu” thẩm mỹ đương đại… Nếu như trước đây Đêm nằm mơ phố, Nghi Văn và Thu Phương hát da diết, day dứt kiểu rất đời, rất thấm; Thùy Chi lại hát êm đềm, trong veo như câu chuyện của cô gái trẻ chưa trải đời; thì giọng hát Hà Anh Tuấn vừa buồn và mượt mà, trau chuốt, thể hiện nỗi nhớ thương nhưng không quá day dứt… điều này đã khiến khán giả vô cùng thích thú, cũng như tiếp cận được nhiều lứa tuổi khán giả hơn.
Tuy nhiên, không phải ai hát nhạc xưa cũng thành công, khi khá nhiều sản phẩm đã như “rơi tõm vào hư vô”, không để lại một chút dấu ấn. Khán giả đã quen với các ca khúc cũ, nên khi làm lại phải luôn có tinh thần mới, nhưng phải thật tinh tế bởi đây cũng là “con dao hai lưỡi” nếu phối “gia vị” bừa bãi. “Đối với ca sĩ mới thể hiện những ca khúc nổi tiếng từng gắn với giọng ca của nghệ sĩ xưa, phải hát kiểu riêng chứ không được bắt chước. Bản thân tôi chỉ nghe lại bản các ca sĩ đi trước hát để cảm nhận giai điệu cho chính xác chứ cách hát phải khác nhau, phải có sự sáng tạo theo cách của mình”, nữ ca sĩ Giang Hồng Ngọc chia sẻ.
Có thể thấy, những chương trình, sản phẩm âm nhạc hoài niệm không chỉ làm sống lại ký ức đẹp một thời của công chúng mà còn dệt nên giấc mơ quay trở lại nhạc Việt thời hoàng kim. Điều này đòi hỏi ê kíp sáng tạo và nghệ sĩ phải có chuyên môn âm nhạc vững vàng, “gu” thẩm mỹ tinh tế, sắc sảo để cho ra những sản phẩm có chất lượng từ âm nhạc hoài niệm. Bởi lẽ, làm hay cái đã cũ luôn khó gấp vạn lần làm một cái hoàn toàn mới.
Theo Báo Văn Hóa