‘Người đến sau sẽ cho người tất cả’ là một bước lùi của Hoài Lâm về âm nhạc dù chỉ gần 3 tháng trước anh có bước tiến đầy kỳ vọng với ‘Cô đơn trong nhà mình’.
Sau thời gian tạm ngừng hoạt động nghệ thuật, năm 2020, Hoài Lâm trở lại đường đua âm nhạc và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả.
Hoài Lâm gần như vắng bóng trong những sự kiện showbiz hơn một năm qua. Anh không còn sống ở TP.HCM, ít tương tác với giới truyền thông và không mấy khi cập nhật mạng xã hội. Nhưng về âm nhạc, từ hồi tháng 5, nam ca sĩ đã không “ẩn dật”.
So với giới ca sĩ trên thị trường, hoạt động âm nhạc của Hoài Lâm trong năm 2020 có thể được coi là sôi động. Anh liên tiếp góp giọng trong những dự án âm nhạc mới dù cũng trải qua không ít thăng trầm trong đánh giá của khán giả.
Hoài Lâm thành công với Hoa nở không màu.
Những dấu ấn đáng khen ngợi
Sản phẩm đáng chú ý nhất của Hoài Lâm trong năm qua phải là Hoa nở không màu, một sáng tác của Nguyễn Minh Cường. Đó là một bản ballad không hề mới nếu không muốn nói là hơi cũ. Ca khúc tiêu biểu cho lối viết nhạc của Nguyễn Minh Cường, vốn lấy sự da diết, thoáng buồn làm chất liệu chính.
Nhưng cũng như Cả một trời thương nhớ hay Ngày mưa em có buồn không, giai điệu và đặc biệt điệp khúc do Nguyễn Minh Cường viết ra luôn tạo điều kiện để ca sĩ “khoe” lối hát tự sự, tình cảm.
Hoài Lâm làm rất tốt điều ấy. Nam ca sĩ vẫn luôn dư sức chứng tỏ bản thân là một giọng hát đẹp với những âm sắc có khả năng hút hồn người nghe.
Dù vậy, ở Hoa nở không màu có thể dễ dàng nhận ra màu giọng của Hoài Lâm trong xử lý ca khúc có những đổi khác so với trước. Màu giọng của anh tối và đục hơn, không sáng và chắc như những năm về trước.
Lý giải về điều này, bản thân nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cũng từng tiết lộ với Zing rằng thời điểm thu single Hoa nở không màu, sức khỏe Hoài Lâm không thực sự tốt. Ngoài ra, do phải thu trực tiếp tại nhà riêng của Hoài Lâm ở Vĩnh Long nên thiết bị phòng thu không đảm bảo được đúng yêu cầu.
Những hạn chế này sau đó đã được khắc phục ở phiên bản acoustic của Hoa nở không màu, đặc biệt là bản thu live trên ôtô của Buồn làm chi em ơi.
Buồn làm chi em ơi có màu sắc khác hẳn với các sáng tác của Nguyễn Minh Cường trước đây. Thay vì được viết theo pop ballad, thể loại mà nam nhạc sĩ vốn theo đuổi, ca khúc là sự kết hợp của electropop và bolero. Buồn làm chi em ơi tỏ ra khá phù hợp với giọng hát Hoài Lâm.
Hoài Lâm thể hiện thuyết phục sự chậm rãi của tiết tấu bolero đan cài với âm thanh của nhạc điện tử. Ca khúc có lượt xem/nghe lớn, đồng thời cũng được nhiều nghệ sĩ hát lại, trở thành một trong những bản hit hồi giữa năm.
Chỉ trong thời gian ngắn Hoài Lâm đã có hai bản hit. Thành quả này là điều mà không nhiều ca sĩ, ngay cả những gương mặt thuộc nhóm đình đám nhất, có thể đạt được.
Đến tháng 9, Hoài Lâm lại tiếp tục có ca khúc gây chú ý là Cô đơn trong nhà mình. Ca khúc cũng bị nhận xét là một bản ballad quá truyền thống. Sáng tác không nằm ngoài phong cách của Nguyễn Văn Chung. Một bài hát da diết và tình cảm, nói về nỗi cô đơn của người trưởng thành, cô đơn trong chính căn nhà của mình, trong cảm xúc của mình.
Ca khúc chỉ có 12 câu, trong một cấu trúc bài rất đơn giản. Nhưng sáng tác trở nên thuyết phục hơn nhờ giọng hát của Hoài Lâm. Nam ca sĩ hát thủ thỉ và tâm tình trong từng câu chữ, càng về cuối càng nhập tâm, hấp dẫn. Mọi luyến láy được đặt để đúng chỗ, khiến ca khúc thêm sâu nặng.
Từ Hoa nở không màu đến Cô đơn trong nhà mình có thể thấy cách xử lý âm thanh rất tình như dồn nén bao lâu bỗng có cơ hội thoát ra của Hoài Lâm đã giúp những bản ballad vốn rất truyền thống có một đời sống tốt trên thị trường âm nhạc sôi động.
Hơn thế, là giá trị của một giọng hát hay vẫn luôn được ghi nhận ngay cả khi ballad được cho là đã thoái trào.
Hoài Lâm được khen với Cô đơn trong nhà mình.
Những lựa chọn khó hiểu
Dù có những dấu ấn rõ nét về âm nhạc trong năm 2020, những tháng cuối năm, Hoài Lâm lại tạo ra không ít sự khó hiểu. Đầu tiên là quyết định trở thành một rapper và đổi luôn nghệ danh.
Theo đó, Hoài Lâm gia nhập nhóm Deep Trôi cùng với LAD (sinh năm 2000) và Duy Tân (sinh năm 1995). Hoài Lâm lấy tên nghệ danh là Young Luuli khi theo đuổi rap. LAD, đại diện của nhóm, giải thích nghệ danh mới của Hoài Lâm: Các rapper Mỹ trẻ hiện nay thường dùng chữ Young trong nghệ danh, còn Luuli là tên mà một người anh thân thiết của Hoài Lâm đặt.
Đại diện nhóm cũng khẳng định khi hát dòng nhạc dân ca, trữ tình, Young Luuli vẫn lấy nghệ danh như cũ là Hoài Lâm. Chia sẻ này gây tranh cãi trong cộng đồng nghe nhạc. Nhiều người đặt thắc mắc không lẽ, một nghệ sĩ cứ hát dòng nhạc mới lại phải nghệ danh mới? Do vậy, Hoài Lâm không nhất thiết phải đổi nghệ danh khi làm rapper. Ngoài ra, nhiều rapper cũng có tên thuần Việt như Dế Choắt, Đen Vâu…
Về chất giọng của Hoài Lâm, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường từng nói với Zing, là phù hợp nhất với chất dân ca, trữ tình. Song, thực tế khi Hoài Lâm rap, anh cũng có màu sắc riêng.
Tuy vậy, rap vẫn chưa thể mang lại cho Hoài Lâm những thành quả ấn tượng như khi nam ca sĩ hát ballad. Nhiều khán giả vẫn chờ đợi nam ca sĩ sẽ trở lại với dòng nhạc là thế mạnh của mình.
Bản ballad mới nhất của Hoài Lâm mờ nhạt trên thị trường, anh dường như không còn cảm xúc với ballad.
Mới đây, Hoài Lâm trở lại với ballad như nhiều fan của anh mong chờ. Nhưng nam ca sĩ cho biết đó là bản ballad cuối cùng: Người đến sau sẽ cho người tất cả.
Tác giả Aitai cho biết đây là ca khúc anh sáng tác riêng cho Hoài Lâm. Bài hát được thu âm trong giai đoạn Hoài Lâm nghỉ ngơi tại quê nhà, do đó Aitai cùng ê-kíp về Vĩnh Long để thực hiện. Quá trình thu kéo dài khoảng 3 tiếng.
Song, ca khúc gặp rất nhiều hạn chế về giai điệu, ca từ. Một bản ballad có rất ít sáng tạo, hình ảnh MV cũng lộn xộn, không để lại ấn tượng. Ca khúc vốn đã kém về chất lượng, trong khi Hoài Lâm thể hiện có phần hời hợt, thiếu cảm xúc hơn thường thấy.
Do vậy, bản ballad cuối cùng như Hoài Lâm chia sẻ đã trở thành một bước lùi đáng tiếc của anh trong năm qua.
Theo Zing