Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Lê Hướng Nam khiến người xem ngao ngán không chỉ bởi phần nội dung đáng quên, mà còn do cả chất lượng kỹ thuật thuộc hàng yếu kém.
Trailer phim
Bộ phim Tôi là não cá vàng xoay quanh Huyền (Khánh Hiền) – một nữ thiết kế thời trang xinh đẹp, tài năng, nhưng đồng thời mắc chứng đãng trí nặng. Cô thường xuyên quên mất mọi việc trong cuộc sống. Đây cũng là lý do khiến chàng người yêu lâu năm tên Thiên (Tuấn Trần) nói lời chia tay.
Sau đó, Huyền gặp gỡ nhiếp ảnh gia Thoại (La Thành) trong một lần hợp tác làm việc. Dù biết rõ bệnh tình của đối phương, chàng trai vẫn quyết tâm theo đuổi nữ thiết kế. Song, mọi chuyện không hề dễ dàng khi căn bệnh của Huyền ngày một trầm trọng và nhiều lần khiến đôi trẻ gặp rắc rối.
Nội dung nhạt nhẽo, phi lý
Tôi là não cá vàng mang hơi hướm 50 First Dates (2004) của danh hài Adam Sandler khi xoay quanh chuyện tình dở khóc dở cười của một cô gái mắc chứng mau quên. Song, tác phẩm của đạo diễn Lê Hướng Nam sở hữu phần nội dung phi lý.
Bộ phim muốn khai thác tiếng cười từ chứng đãng trí của Huyền. Tuy nhiên, bệnh tình của cô nàng gây ra nhiều sự khó chịu, chứ không có chút đáng yêu nào. Dù biết bản thân bị bệnh, cô vẫn tỏ ra đanh đá, khó chịu khi bị người khác góp ý. Nữ nhân vật thực tế chẳng gặp quá nhiều khó khăn trong cuộc sống và vẫn vô tư ngay cả khi công việc, tình cảm bị ảnh hưởng.
Câu chuyện của Tôi là não cá vàng đầy ắp những chi tiết ngô nghê.
Cho tới lúc bị chẩn đoán bệnh Alzheimer, Huyền vẫn nhớ nhớ quên quên tùy theo ý của đạo diễn. Có lẽ vì vậy, cô thường xuyên quên mất việc bản thân đang đau buồn vì thất tình mà vẫn cười nói, trêu chọc bạn bè một cách vui vẻ. Việc gán cho nàng thiết kế mối thù với nhóm giang hồ cũng tỏ ra vô lý. Trong một phân cảnh, họ cứ thế rượt đuổi nhau ngay giữa con phố đông người mà chẳng buồn kêu cứu.
Trong khi đó, Thoại cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Anh nhất quyết theo đuổi Huyền chỉ sau một, hai lần gặp gỡ. Chàng nhiếp ảnh gia yêu cô như chết đi sống lại dù tiếp xúc với người đẹp chưa được bao lâu.
Cả hai nhanh chóng yêu nhau say đắm, dù Huyền luôn miệng nói rằng mình chưa quên được tình cũ và không có cảm xúc với người mới. Họ cứ thế quay cuồng trong mối tình tay ba nhạt nhẽo.
Các tình huống hài hước trong Tôi là não cá vàng có lối dàn dựng rập khuôn, ngô nghê. Nhiều phân đoạn bị kéo dài một cách lê thê để các nhân vật thi nhau tấu hài trên màn ảnh. Vì thế, thời lượng bộ phim tuy lên đến gần hai tiếng, nhưng thực chất lại chẳng có quá nhiều sự kiện diễn ra.
Sự kết hợp giữa La Thành và Khánh Hiền không đem lại hiệu quả như mong đợi.
Kết hợp cùng lối chuyển cảnh thiếu mượt mà, bộ phim trở nên rời rạc. Nhân vật khi thì ở vùng biển, lúc lại chuyển về thành phố, rồi ngay cảnh quay sau lại biến ra biển một cách khó hiểu.
Ngoài ra, tác phẩm còn khiến người xem lắc đầu ngao ngán bởi kỹ thuật làm phim yếu kém. Khâu lồng tiếng vô cùng cẩu thả khi tình trạng “tiếng một đằng, hình một nẻo” thường xuyên xảy ra. Thậm chí, trong nhiều cảnh quay, nhân vật không nhép miệng, nhưng lời thoại vẫn vang lên.
Phí phạm tài năng của dàn diễn viên
Sau vai diễn ấn tượng trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Khánh Hiền tham gia nhiều dự án điện ảnh lẫn truyền hình, nhưng ít gây được tiếng vang. Tôi là não cá vàng có lẽ là bước lùi trong sự nghiệp của cô. “Chị Vinh” rõ ràng không phù hợp với mẫu nhân vật có phần nhí nhảnh như Huyền.
Xuyên suốt bộ phim, cô chỉ có đúng một kiểu biểu cảm trợn mắt bất ngờ khi nhận ra mình đã quên mất điều gì đó, rồi nhăn nhó đau khổ. Rõ ràng, căn bệnh của nữ thiết kế trẻ tuổi là trung tâm của câu chuyện, đóng vai trò dẫn dắt cảm xúc. Song, diễn xuất của Khánh Hiền chưa đủ thuyết phục để vừa gây tiếng cười, vừa lấy nước mắt từ khán giả.
Tác phẩm phí hoài nhiều tên tuổi diễn viên thực lực.
La Thành là cũng tỏ ra không hợp vai. Anh vốn diễn rất tốt khi hóa thân vào mẫu nhân vật hài hước hoặc có phần biến thái trong Đôi mắt âm dương (2020), nhưng từng gây thất vọng khi sắm vai hiền lành với Vu quy đại náo (2019). Ngoài sự chung tình đến mức phi lý, Thoại của anh không có bất cứ tính cách gì nổi bật. Sự chu đáo của Thoại với người thương chỉ được thể hiện một cách qua loa, hời hợt. Theo đó, màn kết hợp giữa La Thành và Khánh Hiền cũng không ra dáng hai người đang yêu nhau.
Ngoài ra, những tên tuổi còn lại như Thu Trang, Kiều Minh Tuấn hay Ngân Quỳnh cũng chỉ xuất hiện trong một vài phân cảnh rồi biến mất mà chẳng để lại dấu ấn gì rõ rệt. Bộ phim đã phí phạm tài năng của dàn diễn viên khi giao cho họ những vai diễn nhạt nhẽo, không có tính cách, thiếu vai trò cụ thể.
Nhìn chung, Tôi là não cá vàng tiếp tục là một bộ phim đáng quên của điện ảnh Việt trong năm nay. Giữa bối cảnh thị trường ít cạnh tranh vì Hollywood lao đao vì dịch bệnh, các nhà làm phim nước nhà vẫn sẽ tiếp tục phải tìm cách lấy lại niềm tin nơi công chúng.