Bạn có thường xuyên tương tác với những con troll trên internet không? Dưới đây là những dấu hiệu “gần mực thì đen” cho thấy bạn cũng đang trở thành một con troll !
Bạn có thường xuyên tương tác với những “ con troll ” ( kẻ phá rối ) trên internet không? Dưới đây là những dấu hiệu “gần mực thì đen” cho thấy bạn cũng đang trở thành một con người như vậy!
Rất dễ để nhận ra một trong những sản phẩm khó chịu nhất của internet – những “ con troll ”. Chúng là những kẻ hào hứng với việc gây ra những màn đấu đá trực tuyến. Chúng thích bày tỏ ý kiến ở những nơi mà “im lặng là vàng” bởi chúng tin rằng mình luôn luôn đúng. Và chúng thích nhảy vào những cuộc tranh cãi vô nghĩa không có hồi kết.
Nhưng nếu bạn tiếp xúc quá nhiều với những “con troll” này, không sớm thì muộn bạn sẽ nhận ra bản thân bắt đầu hình thành những thói quen chẳng khác gì chúng. Vậy nếu bạn đang tự hỏi tại sao mọi người dường như không mấy chào đón bạn chỉ bởi “niềm đam mê trao đổi những ý tưởng” bạn có khi lướt web, có lẽ đã đến lúc tự kiểm lại mình để xem có phải chính bạn cũng đang dần trở thành một con troll hay không.
1. Bạn cảm thấy dũng cảm hơn khi “núp” sau bàn phím ( anh hùng bàn phím )
Nếu bạn đang tranh luận với ai đó trên mạng, bạn nên tự hỏi chính mình một vài câu hỏi.
Bạn có hình dung được điều gì sẽ diễn ra khi cuộc tranh luận đó diễn ra ngoài đời thực, mặt đối mặt? Liệu bạn có dám nói thẳng vào mặt người kia những điều như đã nói trên mạng một cách đàng hoàng và không sợ hãi?
Khi người ta trực tuyến, mọi chuyện rất khác biệt. Nếu bạn thấy mình đang nói những điều gay gắt hơn bình thường bởi chẳng ai biết bạn là ai, và chiếc bàn phím chính là lá chắn của bạn, thì đó là một hành vi “troll” điển hình.
Ẩn mình sau bàn phím có thể giúp bạn vờ như mình dũng cảm, vĩ đại, và thần thánh. Nó khiến bạn ảo tưởng rằng mình đứng trên tất cả mọi người khác, kể cả khi ngoài đời thực bạn chẳng phải vậy.
Nếu bạn thấy mình có nhiều quyền lực hơn khi đứng sau bàn phím, đủ để xâm phạm không gian internet của người khác, và tìm cách thay đổi cách nghĩ của họ bởi bạn tin rằng họ sai còn bạn thì đúng, hãy hình dung xem điều đó sẽ ra sao ngoài đời thực?
Hãy tưởng tượng bạn tự chen vào những cuộc nói chuyện của vài người lạ ngẫu nhiên nào đó ngoài đời thực. Bạn ngồi cạnh họ trên ghế đá trong khi họ đang xem tin tức, buộc họ phải suy diễn thứ họ đang xem theo cách bạn muốn họ suy diễn. Kỳ lạ nhỉ?
Nếu bạn cảm thấy chiếc bàn phím đang mang lại cho bạn quyền lực để xâm phạm không gian của người khác và áp đặt ý kiến của bạn lên họ, có lẽ đã đến lúc lùi lại một bước rồi đấy.
2. Bạn thường xuyên bị “đá” khỏi các diễn đàn và các cộng đồng trực tuyến
Nếu bạn thấy mình liên tục bị đẩy đuổi khỏi các group trên Facebook , các diễn đàn trực tuyến , các các nhóm chat (hoặc tệ hơn là bị cấm tham gia vĩnh viễn), đã đến lúc suy nghĩ về những hành động của bạn.
Dù việc thỉnh thoảng chọc ai đó nổi điên lên là điều bình thường, việc có quá nhiều người tìm cách cấm hoặc “đá” bạn khỏi các diễn đàn và các cộng đồng trực tuyến lại không hề bình thường chút nào.
Bạn cần xem xét lại hành vi của mình để xem bạn đã và đang làm những gì khiến họ không bao giờ muốn tương tác với bạn nữa.
3. Bạn đăng tải và bình luận quá nhiều
Theo một nghiên cứu bởi các chuyên gia tại trường đại học Stanford và Cornell, những con troll có xu hướng đăng tải nhiều hơn người dùng bình thường. Ví dụ, trên CNN, một tài khoản người dùng bình thường đăng khoảng 22 lần trong quãng thời gian 18 tháng. Nhưng những người dùng mà sau đó đã bị cấm (cả những người dùng bình thường bị cấm lẫn các tài khoản troll) thì đăng tải đến 224 lần trong cùng quãng thời gian đó.
Vậy nên, nếu bạn thấy mình đang đăng tải các nội dung nhiều hơn mọi người khác trên một trang web cụ thể nào đó, thì đó là một dấu hiệu cho thấy bạn đang trở thành một con troll.
Tất nhiên, bạn có thể chỉ là một đọc giả nhiệt thành. Nhưng nếu các bình luận của bạn đang hướng mọi người về chiều tiêu cực của vụ việc, có lẽ bạn nên thoát ra ngoài và tìm thứ gì đó làm niềm vui thôi.
4. Bạn không đọc toàn bộ bài viết trước khi bình luận
Bạn đọc tiêu đề bài viết và đăng ngay bình luận về việc website đó ngu ngốc ra sao , hay bài viết này vô dụng như thế nào. Bạn cuộn xuống phần bình luận để xem những ý kiến mà bạn có lẽ chẳng thích cho lắm và tham gia vào cuộc tranh cãi kể cả khi bản thân chưa đọc hết toàn bộ bài viết.
Nếu bạn đang như vậy, một lần nữa, đó là hành vi troll điển hình. Con troll luôn phát tán những ý kiến tiêu cực trước cả khi biết tường tận toàn bộ câu chuyện. Ai mà rảnh rỗi đi đọc toàn bộ mọi thứ cơ chứ – có phải bạn nghĩ vậy không?
Sai rồi! Nếu mọi người thường nhắc bạn rằng cần đọc hết mọi thứ trước đã, hoặc nếu họ chép – dán một đoạn trong bài viết để chỉ ra những điều bạn đã bỏ lỡ, thì xin chúc mừng, bạn đang trở thành một con troll rồi!
5. Bạn thích thú khi khiến người khác nổi cáu
Nếu bạn đăng bình luận để khiến người khác nổi cáu chỉ vì bạn nghĩ điều đó thật vui, hay việc chọc tức người khác mang lại cho bạn sự thích thú, thì bạn chắc chắn là một con troll trên internet.
Đó có thể là lý do tại sao bạn đánh mất bạn bè và những người yêu quý trong quá khứ, và những mối quan hệ khác thì không muốn làm bất kỳ điều gì với bạn nữa. Bạn trở nên quá “độc hại’ đến mức họ muốn bạn tránh xa cuộc sống của họ ngay lập tức.
Một lần nữa, có thể tất cả những điều này chỉ giới hạn trong cuộc sống trên mạng mà thôi. Nhưng dù chuyện này có lẽ không phải là vấn đề to tát, chỉ một chút cảm thông đôi khi cũng giúp cải thiện mọi thứ khá nhiều. Khiến người khác đau khổ chỉ vì bạn thấy điều đó buồn cười có thể làm nặng nề thêm một ngày hay một trải nghiệm căng thẳng mà họ đang gặp phải.
6. Bạn luôn dùng đến những từ ngữ mang tính lăng mạ
Những bình luận của bạn không bao giờ thiếu những từ như “thằng đần”, “thằng thiểu năng”, hay “ngu ngốc”. Bạn còn là một “chuyên gia” lấy tên người khác ra làm trò bêu riếu. Bạn có xu hướng réo tên mọi người bởi bạn không thích ý kiến của họ. Bạn lăng mạ họ khi bạn không thể chiến thắng trong một cuộc tranh luận.
Nếu đó là chiến thuật quen thuộc của bạn, bạn đang trở thành một con troll trên internet. Lũ troll không quan tâm đến những cuộc tranh luận đàng hoàng, thay vào đó chúng lăng mạ những người bất đồng với chúng hoặc chì chiết những người chúng không thích.
Nếu bạn muốn khắc phục hành vi này, hãy tập thói quen trao đổi mà không dùng đến những lời chỉ trích cá nhân.
7. Bạn dùng chiêu bài “tung lên mạng” để giành chiến thắng trong tranh luận
Đây là một trong những điều tồi tệ nhất mà một con troll có thể làm, bởi những thông tin riêng tư, nhạy cảm, mà chúng hù doạ sẽ tung lên mạng có thể khiến cuộc sống của người khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chiêu bài “tung lên mạng” là một dạng săn phù thuỷ thời hiện đại. Đây là loại hình tấn công nhằm vào cuộc sống riêng tư của người khác bằng cách tiết lộ những chi tiết riêng tư của họ lên mạng. Mục tiêu thông thường là nhằm công khai làm nhục một người, hay kêu gọi người khác tấn công họ. Một số kẻ độc địa thậm chí còn đặt ra mục tiêu làm sao để gây ra thiệt hại về mặt vật chất cho nạn nhân nữa.
Nếu bạn từng đánh cắp một bức ảnh từ tài khoản cá nhân của ai đó, đăng nó lên mạng, và kêu gọi người khác chọc ghẹo hay tấn công nạn nhân, đã đến lúc suy nghĩ nghiêm túc về hành động của bản thân. Việc giành được chiến thắng trong một cuộc tranh luận liệu có đáng để phá hỏng cuộc sống của người khác? Chứng minh quan điểm của bản thân có nhất thiết phải xâm phạm quyền riêng tư của đối thủ?
Chiêu bài “tung lên mạng” đôi lúc còn bao gồm cả chia sẻ địa chỉ ngoài đời thực, nơi làm việc, và các thông tin cá nhân khác của người khác. Hành động này có thể đặt họ trước những mối nguy hiểm có thật và đe doạ đến sự an nguy của họ.
Thoát ra và ngắt kết nối
Internet là nơi tụ tập của hàng tỷ người khác nhau, đến từ đủ loại môi trường sống khác nhau, với vô vàn những hoàn cảnh và vô số những trải nghiệm mà bạn có lẽ chưa bao giờ biết đến. Do đó, chắc chắn sẽ có lúc cách bạn nhìn nhận một vấn đề không thể giống với cách người khác nhìn nhận vấn đề đó.
Dù bạn không buộc phải tán đồng với mọi thứ ngoài kia, và bạn hiển nhiên có thể đứng lên bảo vệ bản thân và niềm tin của mình, điều quan trọng là phải phân biệt được bạn đang tham gia vào những cuộc thảo luận thiện chí, hay đang bị cuốn vào con đường phá rối và lăng mạ người khác một cách vô nghĩa.