Giá bán thì đắt đỏ, thiết kế không quá có gì đột phá, nhưng tại sao người người vẫn đổ xô mỗi khi Apple trình làng một mẫu iPhone mới ?
Kể từ khi Steve Jobs công bố chiếc iPhone đầu tiên sự kiện có tên MacWorld vào năm 2007, Apple đã cho ra mắt hơn 20 mẫu iPhone cả thảy. Vào tháng 1/2019, theo CEO Tim Cook , có hơn 900 triệu chiếc iPhone đang hoạt động trên thế giới . Tuy nhiên, khi Apple ra mắt chiếc iPhone 12 vào ngày 13/10 năm nay, ước tính đã có khoảng 2 triệu người đặt mua trước thiết bị chỉ trong 24 giờ đầu tiên.
iPhone chẳng còn xa lạ gì, thậm chí nhan nhản khắp nơi mà người hâm mộ nó vẫn muốn sở hữu phiên bản mới? Trang CNBC đã có hẳn một nghiên cứu tâm lý về vấn đề này và dưới đây là những lý do:
Bị thu hút bởi “điều gì tiếp theo”
Mỗi phiên bản mới của iPhone đều có những tính năng mới. Ví dụ iPhone 4 có camera “selfie” mặt trước đầu tiên, trong khi iPhone 5S năm 2013 giới thiệu tính năng quét vân tay Touch ID. iPhone 12 có màn hình lớn hơn, kết nối mạng 5G nhanh hơn và camera tiên tiến hơn.
Ngay cả khi chiếc iPhone hiện tại vẫn đang hoạt động tốt, người dùng vẫn có xu hướng “bị thu hút bởi những cải tiến về chất lượng” của phiên bản mới”, phân tích của bà Kelly Goldsmith , phó giáo sư bộ môn tiếp thị tại Đại học Vanderbilt.
Mỗi năm, thế hệ iPhone mới đều trang bị những tính năng mới
Chuyên gia Marketing, Katie Martell thì cho biết, mỗi chiếc điện thoại mới và cả thương hiệu Apple đều đại diện cho sự đổi mới và “ngày mai” và người dùng thích điều đó.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những gì mới và những gì tiếp theo được coi là có giá trị nhất”, Katie Martell nhấn mạnh .
Là một phần của danh tính
Dưới góc độ tâm lý, phó giáo sư Goldsmith nói rằng, chiếc điện thoại mới nhất và tốt nhất là một “biểu tượng trạng thái”.
“Chiếc điện thoại là thứ bạn luôn theo bên mình vì thế nó truyền tải thông tin về bạn tới những người khác”, bà nói.
Điện thoại cũng là vật dụng có tính chất “tự phát tín hiệu”, một khái niệm trong kinh tế học trong đó nói về hành động có ảnh hưởng đến niềm tin của cá nhân. Trong trường hợp này, sở hữu một chiếc iPhone mới nhất có thể nâng cao lòng tự hào và nhắc nhở rằng bạn không lạc hậu.
Sở hữu một chiếc iPhone mới nhất có thể nâng cao lòng tự hào và nhắc nhở rằng bạn không lạc hậu?
“Mỗi khi bạn nhìn vào chiếc điện thoại của mình, nó sẽ cho biết điều gì đó về con người bạn. Nó cũng củng cố một số khía cạnh về bản sắc của chính bạn”, bà Goldsmith nói.
Apple đặc biệt có xu hướng trao quyền cho người dùng bằng cách nhắn tin về những gì họ có thể làm với thiết bị mới của mình. Ví dụ Apple khuyến khích mọi người chia sẻ hình ảnh họ chụp bằng iPhone với hashtag “ShotoniPhone”. Những hình ảnh này sau đó được đưa vào các chiến dịch quảng cáo của Apple.
Luôn có một sự khan hiếm nào đó
Khi có một chiếc iPhone mới, theo thói quen, người ta thường thấy dòng người xếp hàng trước các Apple Store vào giờ trước khi mở cửa. Người hâm mộ luôn muốn trở thành người đầu tiên sở hữu chiếc điện thoại mới, đồng thời tránh phải chờ đợi vì giao hàng chậm trễ. Ngay cả năm nay, trong bối cảnh đại dịch, mọi người vẫn chờ đợi mua iPhone 12 bên ngoài các cửa hàng ở nhiều quốc gia.
Xếp hàng mua iPhone 12 bất chấp đại dịch COVID-19
Với người dùng, một dòng người bên ngoài cho thấy những thứ bên trong đều có giá. Bà Goldsmith nói rằng có hai khái niệm kinh tế học hành vi: bằng chứng xã hội (thuyết phục mọi người rằng người khác muốn sản phẩm) và sự khan hiếm (sợ rằng có thể không có đủ).
Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi bạn nghĩ một mặt hàng khan hiếm, nó sẽ làm tăng sự kích thích mua hàng và khiến bạn ra quyết định nhanh chóng.
“Điều đó chỉ khiến bạn muốn nhấp vào lệnh “mua”, khiến bạn muốn đặt hàng và không muốn bỏ lỡ cơ hội. Người tiêu dùng phản ứng gần như quá mạnh mẽ đối với những chiến thuật tiếp thị khan hiếm này”, bà Goldsmith nói thêm.
Mua iPhone là một trải nghiệm xã hội
“Đội ngũ marketing của Apple đã thực hiện một công việc tuyệt vời là tận dụng trải nghiệm xã hội xung quanh việc chờ đợi iPhone, dự đoán iPhone và thảo luận về iPhone. Thông tin tràn đầy các mặt báo, dòng người xếp hàng và dấu hiệu cho thấy sự khan hiếm… đó là một trải nghiệm khác với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào khác của họ”, bà Martell nói.
CNBC cho biết, Apple từ chối bình luận về câu chuyện phân tích tâm lý này.
Theo VTV