Việc xuất hiện ồ ạt các nhóm antifan đã đặt người nổi tiếng vào tình cảnh mới. Hoạt động trong Showbiz không dễ dàng, khán giả đã khó tính hơn và dùng quyền lực của mình để theo dõi nghệ sĩ.
2020 là năm sôi động nhưng cũng đầy biến động của showbiz Việt. Làng giải trí sôi động bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng nhạc rap. Biến động ở đây là sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhóm anti fan trên mạng xã hội. Văn hóa anti vốn xuất hiện từ lâu, song, có thể nói 2020 là năm đỉnh điểm các group anti mọc lên “như nấm sau mưa”. Từ sao hạng A đến các ca sĩ, diễn viên mới nổi, ai cũng có group anti.
“Nghệ sĩ bị bắt nạt hay cộng đồng mạng “rảnh rỗi” đến mức không có gì làm để liên tục ghét người khác?”, câu hỏi của một tài khoản trên mạng xã hội làm nhiều người phải suy nghĩ.
Đã đến lúc nghệ sĩ nên nhìn nhận lại mình. Họ không có nhiều quyền lực như đã nghĩ. Hay nói như một người dùng mạng: “Nghệ sĩ đang nghĩ mình hơn người, thực tế khán giả mới là người quyết định họ nghe gì, xem gì”.
Anti fan là bộ phận rảnh rỗi?
Từ lâu, game show vốn là con dao hai lưỡi. Xét ở góc độ tích cực, không nơi đâu giúp nghệ sĩ giữ sức hút như ở truyền hình thực tế. Ở giai đoạn mạng xã hội, công nghệ lên ngôi, sân khấu sống bấp bênh, có mặt ở game show là cách để ca sĩ, diễn viên hâm nóng tên tuổi. Đó là thực tế không thể phủ nhận.
Song, việc quen mặt trên sóng truyền hình vô tình đẩy nghệ sĩ vào con đường bị ghét. Trong lúc ghi hình, ngôi sao dù thận trọng đến mấy cũng có lúc để lộ cá tính thật, khoảnh khắc hớ hênh. Nói cách khác, càng tham gia game show, nghệ sĩ càng dễ bị anti, và đang đặt mình vào tình huống “nguy hiểm”.
“Nghệ sĩ muốn giữ hình ảnh đừng nên đi game show. Chơi Nhanh như chớp nhưng kiến thức cơ bản không có, tham gia tư vấn chương trình cho phụ nữ có chồng dù tuổi đời còn trẻ và chưa từng kết hôn là điều quá khó hiểu”, một khán giả bình luận trên Facebook.
Làn sóng anti mạnh mẽ nhất là trường hợp của Hương Giang. Ít ai ngờ Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế từng được người hâm mộ tung hô, nay lại rơi vào tình trạng bị lập nhóm anti với 125.000 thành viên. Đáng nói, có những fan từng tích cực bênh vực, ủng hộ cô cuối cùng cũng chọn cách quay lưng.
Hay như trường hợp của Thủy Tiên. Vụ từ thiện quyên góp giúp đỡ lũ lụt cho đồng bào miền Trung giúp nữ ca sĩ được biết đến nhiều hơn, liên tục thu về các hợp đồng quảng cáo. Song, sự việc cũng kéo về cho giọng ca Giấc mơ tuyết trắng nhiều anti fan.
Lâm Vỹ Dạ vì một lần “lỡ quạu” trên sóng truyền hình mà bị lập nhóm anti. Vợ chồng Trấn Thành vì xuất hiện quá nhiều trên game show mà cũng không tránh được việc bị ghét. Hay như trường hợp mới nhất, Ninh Dương Lan Ngọc cùng Linh Chi và Ngọc Trinh bị lập nhiều nhóm anti với nội dung “ba cô gái đáng ghét”…
Ninh Dương Lan Ngọc – nữ diễn viên từ lâu được mệnh danh Ngọc nữ màn ảnh, nhiều người yêu thích cũng trở thành “nạn nhân” của antifan. Con đường từ ngôi sao được yêu thích đến “cô gái đáng ghét” chỉ sau một đêm của Lan Ngọc chưa bao giờ nhanh đến thế.
Sau hàng loạt vụ việc, bộ phận yêu thích nghệ sĩ cho rằng “antifan là những người rảnh rỗi”. Nói cách khác, ngôi sao Việt Nam luôn ở trạng thái sẵn sàng bị anti bất cứ lúc nào. Điều này có thể khiến nghệ sĩ gặp áp lực. Song, nếu nhìn nhận ở góc độ khác, anti fan chưa chắc đã sai.
Khán giả là người quyết định sự nghiệp nghệ sĩ
“Không phải ngẫu nhiên nghệ sĩ bị anti. Chúng tôi không rảnh rỗi nhưng phát ngôn và hành động của họ khiến chúng tôi phải lên tiếng”, trích bình luận từ nhóm anti Hương Giang. Câu hỏi đặt ra là liệu Hương Giang bị anti có đáng?
Trong quá khứ, Hương Giang từng mắc lỗi vô lễ với nghệ sĩ Trung Dân, thời gian dài bị chỉ trích đến mức suýt rút khỏi showbiz. Sau khi đăng quang Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế, nữ ca sĩ dần lấy lại sự yêu thích.
Song, Hương Giang liên tục mắc lỗi từ khi về nước, bắt nguồn từ việc tham gia game show. Từ chuyện hổng kiến thức gọi người đồng tính là “giới tính thứ ba”, sau đó là xuất hiện “nói đạo lý” – theo lời anti fan – chỉ phụ nữ chuyện giữ chồng…
Chưa dừng lại, Hương Giang mắc vào lỗi lớn nhất của nghệ sĩ sau khi bị anti – thách thức dư luận. Không những bị chỉ trích, một bộ phận anti fan tự nhận mình là luật sư, công an và chỉ ra những điểm thiếu sót của Hương Giang. Một số người lại huy động lực lượng vào fanpage của những nhãn hàng cô đang đại diện để kêu gọi tẩy chay.
Hay như vụ Thủy Tiên, lùm xùm với “bác trưởng thôn”, vụ sao kê hay thậm chí là cách đối đáp với dân mạng, việc nữ ca sĩ bị lập nhóm anti, theo nhiều người là điều dễ hiểu.
Anti fan hiện tại đã “văn minh và tân tiến hơn”. Phần lớn các nhóm anti từ Hương Giang Idol cho đến Lâm Vỹ Dạ hay Ninh Dương Lan Ngọc, quy tắc đầu tiên là “không body shaming, không công kích cá nhân và không dùng từ ngữ thô tục”.
Cứ như thế, anti fan được nhìn nhận ở góc độ khác. Sự văn minh của các hội nhóm anti, nếu nhìn ở góc độ tích cực, điều đó đồng nghĩa với việc khán giả đã khắt khe hơn với nghệ sĩ.
Họ đang thể hiện quyền lực vốn có: Nếu thích, tôi theo dõi và ủng hộ. Khi người nổi tiếng không làm tôi hài lòng, tôi có quyền tẩy chay và tắt tivi, miễn không làm gì vi phạm pháp luật.
Mang danh là người của công chúng, nghệ sĩ không chỉ làm hài lòng người thích mình mà phải chấp nhận chịu sự khen, chê, góp ý và cả những lần quay lưng của khán giả. Nói cách khác, đây là cái giá của sự nổi tiếng.
Nghệ sĩ Việt Nam trước đây chưa bao giờ gặp tình trạng anti nhiều như bây giờ. Vì vậy, nhiều người cảm thấy sốc và xem văn hóa anti khá lạ lẫm. Suy cho cùng, anti fan chỉ là cách gọi, nói đúng hơn họ là những khán giả khó tính, có lý lẽ riêng để không yêu thích một nghệ sĩ nào đó.
Không phải ngẫu nhiên showbiz Hàn được gọi là làng giải trí khắc nghiệt bậc nhất châu Á. Mỗi hành động, lời nói của idol đều bị khán giả phán xét, chỉ trích. Có người chỉ vì gặp scandal mà vĩnh viễn không thể trở lại showbiz.
Nhiều ngôi sao Hàn Quốc đối mặt chứng trầm cảm, chọn cách tự tử vì không thể đối mặt với dư luận. Nói cách khác, netizen Hàn có quyền quyết định nghệ sĩ có được tồn tại ở showbiz hay không.
Khán giả quyền lực hơn những gì chúng ta tưởng. Vì vậy, nghệ sĩ Hàn thường có thái độ làm nghề nghiêm túc và hiếm khi xảy ra chuyện vạ miệng trên sóng truyền hình hay gặp scandal trong sự nghiệp.
Nhìn lại Việt Nam, công chúng đang có sự chuyển hướng. Cách anti miệt thị, dùng hình ảnh, từ ngữ thô tục không còn nữa. Văn hóa tẩy chay đang lan rộng và trở thành hình thức anti mới của khán giả. Nghệ sĩ – bộ phận vốn được gọi là “người của công chúng” nên thích nghi và chuyển hướng.
“Nghệ sĩ đừng xem mình là người có quyền lực, họ cũng làm việc và sống nhờ vào công chúng. Nếu thích, tôi có quyền dõi theo. Nếu không, tôi hoàn toàn được quyền tắt tivi, chuyển kênh và tẩy chay. Không ai có quyền ép chúng tôi yêu thích hay ghét ai đó, ngoài nghệ sĩ”, trích bình luận được nhiều lượt thích trên Facebook.
Theo Saostar