Gần đây, làng giải trí xuất hiện những người mang danh nghệ sĩ dùng âm nhạc để đả phá nhau gay gắt. Với một nhạc sĩ, ca sĩ chân chính, thì âm nhạc là niềm đam mê và có vị trí thiêng liêng; cho nên khi chứng kiến những “nghệ sĩ” lấy âm nhạc làm “trò hề”, nhiều khán giả không khỏi bất bình.
Sau Chi Pu, Phí Phương Anh được xem là “thảm họa âm nhạc mới”, với những sản phẩm hát như tập đọc, hòa âm phối khí chẳng tới đâu, nhưng đầy những hình ảnh phản cảm, khó coi. Vốn là quán quân một chương trình truyền hình thực tế về người mẫu, Phí Phương Anh không được ai biết đến và tìm đến âm nhạc để “nổi”. Cô “chịu đấm ăn xôi”, xem những bình luận chê bai hoặc số lượng ấn “không thích” (dislike) các sản phẩm âm nhạc của cô như một cách để được người đời biết đến, dù danh tiếng chẳng mấy tốt đẹp.
Chuyện chưa dừng lại ở đó khi nhạc sĩ ViruSs lên tiếng chỉ trích cô hát dở, làm âm nhạc chưa có tâm… thì trong sản phẩm mới nhất, cô lồng ghép và đá đểu ViruSs. Còn bản thân ViruSs cũng có nhiều tai tiếng về việc lấy âm nhạc để gây hấn. Đơn cử là chuyện ViruSs chê sản phẩm rap của Sơn Tùng M-TP và bị ca sĩ nhạc rap Bình Gold phản ứng. Hai anh chàng sau khi đấu khẩu thì thách đố sẽ viết rap để phân định thắng thua. Nói là làm, ViruSs cùng một ca sĩ rap khác viết bài công kích thẳng Bình Gold. Những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc này như Karik, Rhymastic… đều phản đối gay gắt hành động trên.
Bức xúc những người mượn danh âm nhạc để đả phá nhau, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, đã mang danh nhạc sĩ có nghĩa là “người làm ra những tác phẩm đẹp về âm nhạc” chứ đừng gán ghép những câu nói đời thường thô tục vào một giai điệu khiên cưỡng. Quả vậy, ngày càng có nhiều người trẻ ngộ nhận về nghệ thuật. Không phải cứ đứng trên sân khấu, cầm micro nghêu ngao vài câu là đã thành ca sĩ. Nghệ thuật không dễ dãi và tầm thường như vậy. Chính bởi sự “tầm thường hóa” nghệ thuật đó mà nhiều “nghệ sĩ” lấy chính âm nhạc, sân khấu… để làm phương tiện chỉ trích nhau. Nói về quan niệm truyền thống đạo đức nghệ sĩ, họ là những người đang “đạp đổ chén cơm” của chính mình, là sự phỉ báng nghề nghiệp và dĩ nhiên, chẳng coi khán giả ra gì.
Đã chọn đi con đường nghệ thuật, những người sống bằng nghệ thuật nên sắm cho mình phông văn hóa cần thiết. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: “Âm nhạc là phương tiện để truyền tải và lan tỏa cảm xúc yêu thương tích cực cho nhau, cho khán giả và cộng đồng, đừng biến nó thành “vũ khí” để thóa mạ lăng nhục nhau… Âm nhạc là phải đẹp!”.
Theo Báo Cần Thơ