Godzilla xù xì, thô ráp, lúc đóng vai kẻ xấu, khi lại là cứu tinh của nhân loại. Nhưng dù thế nào, “vua của các loài quái vật” vẫn lôi cuốn nhiều thế hệ khán giả.
Godzilla đã xuất hiện trong văn hóa đại chúng cách đây gần 70 năm. Lần đầu tiên ra mắt trong tác phẩm cùng tên của đạo diễn Ishiro Honda vào năm 1954, con quái vật đã quét sạch thành phố Tokyo.
Nhật Bản tại thời điểm đó mới thoát khỏi thảm họa hạt nhân được một thập kỷ, vẫn đau đáu nỗi đau phóng xạ và hiểu rằng leo thang quân sự chỉ đem lại tang thương. Godzilla ra đời giống như minh chứng cho cơn ác mộng thường trực của người dân xứ sở hoa anh đào trong hình hài một quái vật khổng lồ.
Godzilla tốt hay xấu?
Khi theo dõi lại bộ phim năm 1954, thật khó để gọi Godzilla là một nhân vật phản diện. Sinh vật không mưu mô, không lừa lọc, không trả thù ai. Sức mạnh của Godzilla thuần túy là sự hủy diệt. Cơn thịnh nộ của tự nhiên không lựa chọn nạn nhân, mà nhấn chìm và phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó.
Sau khi ra đời, Godzilla trở thành “con cưng” của Toho – studio đứng sau các bộ phim về quái vật này. Thành công của các tác phẩm điện ảnh không dừng lại ở phạm vi Nhật Bản, mà còn khiến người Mỹ cũng bị lôi cuốn.
Hình ảnh quái vật Godzilla trong bộ phim đầu tiên ra đời năm 1954. Ảnh: Toho.
Sau khi để Godzilla quần thảo khắp các thành phố tại Nhật Bản, Toho quyết định cho nó đối đầu với các loài quái vật khác. Lần lượt Godzilla Raids Again , King Kong vs. Godzilla hay Mothra vs. Godzilla cứ thế ra đời.
Mọi chuyện vẫn như vậy. Godzilla không hề có mưu mô hay thủ đoạn gì. Nhưng sự tàn phá mà nó gieo rắc cần phải bị ngưng trệ bởi một thế lực tương xứng. Đó chính là tiền đề cho hàng loạt Titan ra đời với nhiệm vụ chặn đứng chuỗi phá hoại do Godzilla gây ra.
Song, sau Mothra vs. Godzilla vào năm 1964, hãng Toho quyết định biến Godzilla thành người hùng trong các câu chuyện. Không còn những màn phá nhà phá cửa vô cớ, quái vật được lựa chọn để ngăn chặn những “kẻ xấu” thực sự như King Ghidorah hay Ebirah . Sau hơn một thập kỷ khiến Nhật Bản đổ nát, Godzilla nay trở thành anh hùng trong những bộ phim xoay quanh mình.
Làm sao một nhân vật ăn khách lại có thể “quay xe ” một cách quyết đoán như thế? Đó là bởi không giống các nhân vật quen thuộc khác trong văn hóa đại chúng, Godzilla là một chuỗi hành động có tính cách, có thể tùy biến linh hoạt dựa trên nhu cầu cốt truyện.
Công chúng đều biết rõ James Bond sẽ hành xử thế nào trong các tình huống nhất định, bởi ngay từ đầu chàng điệp viên đã được lựa chọn là anh hùng chính nghĩa, sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu nguy cho Anh quốc và thế giới .
Công cụ kể chuyện hoàn hảo
Với một số người, Godzilla không khác gì một phương tiện kể chuyện. Quái vật này xuất hiện, đập tung mọi thứ, đấm vài “đồng nghiệp” khác, rồi rời đi. Nhiều khán giả chịu bỏ tiền ra rạp theo dõi các phim kaiju cốt chỉ cần điều đó, còn sự xuất hiện của con người chỉ tổ “phá đám cuộc vui”.
Một bộ phận khán giả khác lại cho rằng Godzilla về cơ bản bá đạo đến mức bất tử (trừ vài lần ngoại lệ như bộ phim đầu tiên), nên chính các nhân vật con người mới có thể đẩy tiết tấu câu chuyện lên cao trào. Nhân loại, dù có nhỏ bé thế nào, vẫn phải có mặt để chỉ ra phe nào xấu, phe nào tốt, trong bối cảnh Godzilla không phải là sinh vật có mong muốn hay nhu cầu gì rõ ràng.
Có những khán giả ra rạp chỉ bởi những trường đoạn như thế này, chứ không quan tâm đến nhân vật con người trong phim. Ảnh: Warner Bros.
Bởi Godzilla là công cụ kể chuyện, cách nó được nhìn nhận bên ngoài chất lượng bộ phim phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm cá nhân người xem. Nếu đến theo dõi bộ phim với tâm thế thưởng thức đám quái vật choảng nhau, bạn nhiều khả năng cảm thấy mãn nguyện.
Song, nếu bạn xem xong một phim Godzilla và phàn nàn rằng thà để đám Titan đánh nhau còn hơn nghe con người nói chuyện, thì hãy nhớ rằng đã có những bộ phim quái vật từng làm đúng như vậy và thất bại thê thảm.
Nếu chỉ “kể” về một công cụ, đó là một kịch bản không có gì to tát. Những câu chuyện về một thảm họa tự nhiên mà thiếu vắng sự liên quan của con người rất dễ đi vào ngõ cụt.
Gần một thập kỷ qua, Hollywood đã biến Godzilla trở thành hiện tượng màn ảnh thông qua MonsterVerse. Godzilla (2014), Godzilla: King of the Monsters (2019) và Godzilla vs. Kong (2021) sắp tới tạo nên bộ ba tác phẩm đình đám xoay quanh Titan khủng khiếp này.
Godzilla giành được nhiều thiện cảm hơn thông qua MonsterVerse. Ảnh: Warner Bros.
Điểm chung của ba tác phẩm là cái nhìn thiện cảm hơn dành cho Godzilla. Trên phim, bên cạnh thái độ coi sinh vật như một lực lượng của tự nhiên mà con người nửa khiếp sợ, nửa thèm muốn, Godzilla hiện lên như kẻ bảo vệ Trái Đất khỏi các giống loài khác hung bạo hơn. So với phiên bản năm 1954, Godzilla giờ đã khác xưa nhiều lắm.
Công chúng không cần thiết phải dán nhãn “tốt” hay “xấu” cho Godzilla. Sau cùng, đây vẫn chỉ là một quái vật to lớn, thở ra phóng xạ, đập phá mọi thứ, không quan tâm đến hậu quả. Còn Godzilla thích làm gì, muốn đấu với ai, thì đó là công việc của các nhà biên kịch. Và có lẽ chính điều đó đã tạo ra sức hấp dẫn cho quái vật này sau gần bảy thập kỷ tồn tại.
Theo Zing