Chất lượng của ‘Cậu Vàng’, ‘Kiều @’ chứng minh rằng phim mượn danh văn học cần bàn tay đạo diễn có nghề.
Chuyển thể kịch bản từ văn học là một phần của đời sống điện ảnh. Lịch sử phim Việt đã có nhiều tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết và được đánh giá là thành công như Vợ chồng A Phủ, Làng Vũ Đại ngày ấy, Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê, Chuyện của Pao…
Bước sang thập niên 2010, thị trường tiếp tục chứng kiến những phim chuyển thể từ văn học như Cánh đồng bất tận, Thiên mệnh anh hùng, Hương Ga, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Mắt biếc. Ngoài ra, còn có một số phim lấy cảm hứng hoặc phóng tác từ văn học dân gian như Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Trạng Quỳnh.
Trong những cái tên kể tên, Mắt biếc của Victor Vũ trở thành phim chuyển thể văn học có doanh thu phòng vé cao nhất với 180 tỷ đồng. Phim này hiện đứng thứ 3 về doanh thu nội địa của phim Việt, sau Bố già và Cua lại vợ bầu.
Thành công của Mắt biếc vào cuối năm 2019 từng được dự đoán có thể khiến giới làm phim quan tâm hơn đến kịch bản chuyển thể từ văn học.
Từ năm 2020 đến nay có thêm ba phim chuyển thể, lấy cảm hứng từ văn học: Truyền thuyết về Quân Tiên, Cậu Vàng và Kiều @. Song, chất lượng đều không nổi bật, trường hợp mới nhất là Kiều @ bị xếp vào nhóm phim thảm họa.
Mắt biếc và nguyên lý thành công của phim chuyển thể
Trong Concepts in Film Theory, nhà lý luận điện ảnh Dudley Andrew kết luận chuyển thể là một trong những hoạt động điển hình của giao lưu văn học và điện ảnh. Trong chuyển thể có 3 khuynh hướng chính: Vay mượn, giao thoa hoặc biến đổi.
Thông thường, các tác phẩm văn học nổi tiếng luôn là ưu tiên hàng đầu để giới làm phim chọn lựa chuyển thể thành điện ảnh. Bởi lẽ, bản thân những tác phẩm này đã có đối tượng công chúng riêng, thậm chí rất đông đảo, là cơ sở thuận lợi để bộ phim được nhiều người biết đến. Bên cạnh đó, văn học vốn cũng đã ngồn ngộn chất liệu và ý tưởng – điều điện ảnh rất cần.
“Điều gì là khó nhất ở kịch bản điện ảnh. Đó chính là ý tưởng, mà tác phẩm văn học hay lại có sẵn ý tưởng trong đó. Nhà văn như đã nghĩ cho giới làm phim và văn học thực sự là một kho tàng cho điện ảnh”, Victor Vũ nói với Zing.
Dù vậy, đạo diễn Victor Vũ cũng nhấn mạnh rằng tác phẩm văn học được chọn thường phải có sẵn chất điện ảnh mới chuyển thể được. Có những truyện ngắn, tiểu thuyết rất hay nhưng lại khó tìm hướng đi trong điện ảnh.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh khi được đài truyền hình Nhật Bản tài trợ làm một bộ phim màu “Việt Nam nhất có thể”, ông đã chọn truyện ngắn Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp bởi vì nhận thấy ngôn ngữ điện ảnh ngay từ những trang sách.
Đặng Nhật Minh đã hiểu thấu chữ nghĩa Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn, là một trong những lý do tác phẩm điện ảnh của ông đã rất thành công.
Victor Vũ cũng làm được điều này trong khâu chuyển thể với Mắt biếc. Bộ phim được chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đón nhận và nhiều ý kiến nhận định phim tình và thơ như đúng thế giới trong truyện dài Mắt biếc.
Trong chuyển thể, trung thành với nguyên tác luôn là một trong những cơ sở được đặt ra. Để định đoạt mức độ trung thành, giới phê bình thường chỉ ra các yếu tố như bối cảnh, chủ điểm, ý tưởng của phim so tác phẩm gốc. Ngoài ra đặc trưng của nhân vật, mô hình giao tiếp trong phim cũng là khía cạnh được nhắc đến.
Một bộ phim chuyển thể hay thường không đi lệch mạch ý nghĩa của văn học. Tuy nhiên, sáng tạo tình tiết cũng được cho là điều rất cần thiết.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh khi chuyển thể Thương nhớ đồng quê đã đặt Nhâm – Ngữ – Quyên vào mối quan hệ thấp thoáng “tay ba” điều mà truyện ngắn không đề cập. Song, nhờ vậy, phim trở nên kịch tính, đúng ngôn ngữ điện ảnh hơn.
Mắt biếc được đánh giá là phim chuyển thể thành công từ văn học.
Victor Vũ khi chuyển thể Mắt biếc từ truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Anh đã rất tôn trọng nguyên tác văn học. Nhưng phim cũng có nhiều sáng tạo để phù hợp hơn với nghệ thuật thứ bảy.
Ở nguyên tác văn học, Hà Lan quyết định đi lấy chồng, đồng thời thể hiện thái độ ủng hộ mối quan hệ giữa Trà Long và Ngạn. Tuy nhiên, ở phim của Victor Vũ, câu chuyện đã khác. Victor Vũ đã tạo nên một kịch bản khác cho các nhân vật chính. Phim kết thúc mở khi Hà Lan chạy đi tìm Ngạn. Cô khóc, nhìn theo đoàn tàu đã lăn bánh, vẫn với “đôi mắt biếc như thời chưa biết buồn đau”.
Sáng tạo hợp lý để phù hợp hơn với điện ảnh trên nền sự tôn trọng và thấu hiểu nguyên tác văn học được cho là lý do chính khiến Mắt biếc, Thương nhớ đồng quê, Tướng về hưu, Vợ chồng A Phủ… trở thành những bộ phim được đánh giá là chuyển thể thành công.
Khi Cậu Vàng và Kiều @ mượn danh văn học
Điện ảnh Việt có nhiều phim ghi dấu sự ấn tượng của khâu chuyển thể, tuy nhiên, cũng không ít tác phẩm thất bại. Từ năm 2021 đến nay, thị trường cũng đã chứng kiến hai phim không thành công trong chuyển thể hoặc phóng tác, lấy cảm hứng từ văn học.
Đầu tiên là Cậu Vàng của Trần Vũ Thủy, phóng tác từ loạt tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao. Thực tế, phim bản chất có ý tưởng kịch bản tốt khi đưa chú chó của nhà lão Hạc, vốn đã thân thuộc với bao thế hệ người Việt, thành nhân vật trung tâm của một bộ phim điện ảnh. Và mọi nhân vật khác, ngay cả lão Hạc không nằm ngoài mục đích tôn lên những nghĩa cử cao thượng, đẹp đẽ, nghĩa tình, trước sau như một của cậu Vàng.
Nhưng từ ý tưởng tốt đến một bộ phim hoàn chỉnh và ra rạp lại là hai chuyện khác nhau. Đạo diễn Trần Vũ Thủy với bộ phim của mình đã không vỡ được hết đáy chữ của Nam Cao, một nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực trước năm 1945.
Phim xa lạ với cái đói, cái nghèo, cái xác xơ đến khốn cùng của làng quê Bắc Bộ. Tạo hình diễn viên không phù hợp, sự lòe loẹt của cảnh sắc và màu sắc phim cũng không hợp với bối cảnh văn học sử.
Trong khi nhiều sáng tạo khác về tâm lý nhân vật lại trở nên khập khiễng. Tác phẩm do vậy cho thấy sự non tay của đạo diễn với nhiều lổ hổng dù đúng ra trên chất liệu văn học và ý tưởng kịch bản thú vị ban đầu, phim phải được làm tốt hơn và được đón nhận hơn thế.
Phim Kiều @ là thảm họa mượn danh văn học.
Sau những tiếc nuối về Cậu Vàng, điện ảnh Việt chứng kiến một thảm họa mượn danh văn học là Kiều @ của Đỗ Thành An. Phim này lúc đầu được quảng bá là lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, cụ thể là lấy cảm hứng từ nhân vật như Thúy Kiều, Thúy Vân, Từ Hải, Mã Giám Sinh…
Nhưng kết quả Kiều @ là một tác phẩm thảm họa, gây ngao ngán từ nội dung kịch bản đến diễn xuất. Kỹ thuật vụng về, cảnh nóng thô thiển. Việc phim khai thác chuyện gái gọi cao cấp nhưng đặt tên có chữ “Kiều” hoàn toàn là sự mạo danh. Chất lượng phim bị xếp vào hàng “rác phẩm”.
Sau thất bại của Kiều @, điện ảnh Việt tiếp tục có phim cũng đặt tên có chữ “Kiều” là Kiều của Mai Thu Huyền, cũng lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Ngoài ra, trong tháng 4, thị trường điện ảnh Việt còn có Trạng Tí do Ngô Thanh Vân đầu tư và Phan Gia Nhật Linh làm đạo diễn, cũng là tác phẩm chuyển thể từ văn học.
Tuy nhiên, cả hai dự án kể trên đều từng có những ồn ào khác nhau và chưa có gì đảm bảo về chất lượng chuyển thể hoặc phóng tác.
Theo Zing