Ra khỏi cổng trường, các em điều khiển xe máy thường không đội mũ bảo hiểm , tụ tập đi hàng hai, hàng ba, lạng lách đánh võng trên đường, tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây TNGT.
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, hiện nay trên cả nước, tình trạng học sinh phổ thông, nhất là cấp THPT, THCS vi phạm quy định về trật tự, ATGT rất phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông (TNGT); tập trung vào một số hành vi vi phạm như điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe , không đội mũ bảo hiểm , chở quá số người quy định…
Tình trạng học sinh đi xe máy trên 50 phân khối, vi phạm Luật Giao thông đường bộ còn khá phổ biến.
Muôn lý do vi phạm
Bước vào năm học mới, chị Nguyễn Thị Thanh (ở phường Đông Hương, TP Thanh Hóa), thêm phần lo lắng về việc đi lại của hai con – cô con gái vừa đỗ vào lớp 10 Trường THPT Hàm Rồng và cậu con trai học lớp 7 Trường THCS Quang Trung. Chồng làm ở xa không thể đưa đón con, hai con học ở hai nơi, không có điều kiện đưa đón nhau nên chị Dung nghe theo “tư vấn” của các phụ huynh khác, mua xe máy cho con gái dù biết cháu chưa đủ tuổi đi xe máy , chưa thể có giấy phép lái xe .
Giống như chị Dung, nhiều phụ huynh cũng đành chọn “hạ sách” đó để giải quyết việc đi lại cho con em mình. Chị Vũ Thị Thu (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) cho biết, nhà có 4 người mà chỉ có 1 chiếc xe máy nên khi con đậu vào Trường THPT chuyên Lam Sơn, ông ngoại đã “viện trợ” cho chiếc xe Cup 82 để cháu tự đi học. Dù biết là sai nhưng theo chị Thu “cũng chẳng còn cách nào” và mỗi lần con bị cảnh sát giao thông “tuýt còi” hay nhà trường nhắc nhở chị lại “muối mặt” đi nộp phạt.
Vì nhiều lý do, tình trạng học sinh đi xe máy đến trường khá phổ biến. Dạo qua một số cổng trường THPT ở trung tâm thành phố hoặc các huyện, thị xã vào giờ đến lớp hay tan trường, có thể dễ dàng thấy không ít thanh, thiếu niên mặc đồng phục học sinh tự điều khiển xe máy đi học, dù hầu hết đều chưa có giấy phép lái xe , chưa đủ tuổi sử dụng và chưa có ý thức khi sử dụng phương tiện tham gia giao thông.
Ra khỏi cổng trường, các em điều khiển xe máy thường không đội mũ bảo hiểm , tụ tập đi hàng hai, hàng ba, lạng lách đánh võng trên đường, tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây TNGT. Thực trạng này rất đáng lo ngại, diễn ra phổ biến tại nhiều trường học, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho TNGT trong học sinh tăng cao.
Cần xử lý đồng bộ từ nhiều phía
Có thể thấy, nhiều gia đình mặc nhiên chấp nhận, thậm chí cho con em mình tự điều khiển xe máy, xe máy điện đi lại, dù biết con em chưa đủ tuổi và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm về TNGT. Thêm vào đó, một số em học sinh, nhất là học sinh nam khi tham gia giao thông thích “thể hiện”, ra khỏi cổng trường là nằm ngoài sự quản lý, nên có tâm lý coi thường, không sợ bị “đánh” vào hạnh kiểm, không đội mũ bảo hiểm , chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều…
Nhiều trường học đã tuyên truyền, quán triệt cho học sinh, giáo viên và phổ biến đến phụ huynh các quy định về ATGT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy từ tuyên truyền đến tổ chức thực hiện đang còn một khoảng cách rất lớn, hiệu quả đạt thấp. Qua các vụ TNGT ở đối tượng học sinh, nguyên nhân trực tiếp do học sinh vi phạm các quy định pháp luật về trật tự ATGT. Bên cạnh đó, do các gia đình thiếu trách nhiệm trong việc quản lý con em mình khi đi học, giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện điều khiển.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt cảnh cáo. Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cc. Tuy nhiên thực tế nhiều học sinh hiện đang điều khiển các loại xe mô tô có dung tích trên 50cc. Nhiều trường hợp còn thường xuyên không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng gây mất ATGT.
Thời gian qua, Đội Cảnh sát giao thông – trật tự (Công an TP Thanh Hóa) đã phối hợp với các trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền về ATGT cho học sinh các cấp học. Học sinh khối tiểu học và THCS làm quen với các tình huống giao thông gần gũi, sinh động. Với học sinh THPT, đơn vị lồng ghép bài học về luật pháp thông qua các bức ảnh tuyên truyền để các em nhận thức rõ hơn về hậu quả của việc điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – trật tự (Công an TP Thanh Hóa), cho biết: 3 tháng đầu năm 2021, đội đã xử lý 6.211 trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định hiện hành, trong đó có 290 trường hợp vi phạm là học sinh. Đa số trường hợp học sinh đi xe máy bị dừng xe có lỗi ban đầu là không đội mũ bảo hiểm. Khi kiểm tra, các cháu đều không có giấy tờ hợp lệ…
Những trường hợp vi phạm đều bị tạm giữ phương tiện và cơ quan chức năng lập hồ sơ, thông báo về nhà trường. Hiện đơn vị đang tiếp tục triển khai các chuyên đề liên quan đến việc xử lý học sinh vi phạm khi điều khiển xe máy đến trường và tham gia giao thông.
Mới đây, Ủy ban ATGT quốc gia đã có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Ðào tạo yêu cầu các trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, không chở quá số người quy định; không điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe .
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm, các nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan chức năng trong tiếp nhận thông tin, xử lý đối với học sinh vi phạm các quy định về điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi. Ban giám hiệu các trường cần định kỳ kiểm tra việc thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục và bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh.
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm, các nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan chức năng trong tiếp nhận thông tin, xử lý đối với học sinh vi phạm các quy định về điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi. Ban giám hiệu các trường cần định kỳ kiểm tra việc thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục và bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh.
Theo baothanhoa