Trái với kỳ vọng về một sản phẩm điện ảnh tái hiện tác phẩm ‘Truyện Kiều’ của Nguyễn Du, phim ‘Kiều’ hoàn toàn gây thất vọng với những điểm trừ dễ thấy.
Nếu bộ phim không lấy tên là “Kiều” thì có lẽ, người xem sẽ không biết đó là bộ phim lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều”. Gượng gạo, không cảm xúc… dù một số nhân vật trong phim đã ra sức khóc thảm thiết, khóc vật vã.
Xa rời nguyên tác
Tuy chỉ lấy cảm hứng chứ không chuyển thể từ “Truyện Kiều” để có thể tránh được những tình tiết khó xử trong xây dựng bộ phim. Tuy nhiên, cảm hứng ấy lại trở thành điểm yếu “chết người” của phim “Kiều”.
Chỉ mới ra mắt, nhưng phim “Kiều” (đạo diễn Mai Thu Huyền, biên kịch Phi Tiến Sơn) đã nhận “mưa lời chê” và trở thành thảm họa không kém “Kiều @”, dù ê-kíp làm phim từng bày tỏ tâm huyết tri âm Đại thi hào Nguyễn Du.
Bộ phim “Kiều” tập trung vào mối tình tay ba giữa Thúy Kiều – Hoạn Thư và Thúc Sinh. Bắt đầu từ cảnh Thúy Kiều (Trình Mỹ Duyên) bị bán vào thanh lâu với giá 400 lượng vàng. Chứng kiến tay sai của Tú Bà (ca sĩ Phương Thanh đóng) khinh bạc nàng, Thúc Sinh (Lê Anh Huy) cứu Kiều ra khỏi lầu xanh.
Khác với Thúc Sinh trong “Truyện Kiều” nhút nhát và sợ sệt, Thúc Sinh trong bộ phim “Kiều” có võ công và sức lực như trong phim cổ trang Trung Quốc. Cả hai trốn đến vùng thâm sơn cùng cốc, nhưng thật ra lại rất phong thủy hữu tình để sống.
Thấy chồng si mê người đẹp, Hoạn Thư (Cao Thái Hà) lên kế hoạch hãm hại nàng. Thúy Kiều từ đó trở thành người hầu ở Hoạn gia. Sự giàu sang và gia thế dòng dõi quyền quý của Hoạn Bà (NSND Lê Khanh) không cho phép một kẻ ở rể, ăn bám như Thúc Sinh được quyền phản bội Hoạn Thư – con gái bà.
Hoạn Thư được mẹ tiếp sức, đã hành hạ tinh thần Kiều, mượn Kiều để khiến Thúc Sinh phải đau đớn. Bộ phim trở thành chủ đề tình cảm ngôn tình sướt mướt, thù hận, phô da khoe thịt hơn là một lời tri âm với Nguyễn Du.
Vì là một phim phóng tác nhưng nhân vật hồn ma của Đạm Tiên (Mai Thu Huyền). lại đảm nhận vai trò quá lớn, lèo lái mọi tình tiết trong cuộc đời Kiều.
Nếu như trong nguyên tác, mối giao cảm Đạm Tiên báo mộng cho Kiều về số mệnh của nàng. Đạm Tiên như người bạn đồng hành, mang tính tâm linh tiền kiếp, khuyên nhủ và động viên Kiều, tiên báo nàng sẽ bước qua dâu bể.Còn Đạm Tiên trong phim không chỉ là một thế lực siêu nhiên, mà còn trở thành một ác ma.
Đạm Tiên có thể dùng phép thuật tấn công con người. Một Đạm Tiên đầy hận thù đàn ông, ngăn cấm Kiều yêu Thúc Sinh. Một Đạm Tiên đặt dao vào tay Kiều kích động trả thù, khác quá xa với nguyên tác Đạm Tiên mà Nguyễn Du đã dày công xây dựng.
Đành rằng đó là phóng tác, nhưng phóng tác như thế nào để hợp tình hợp lý khi muốn tri âm Nguyễn Du. Qua diễn xuất, khán giả không thấy bóng dáng “Truyện Kiều” đâu, thay vào đó là sự giao cảm ơ hờ giữa một Kiều đầy non nớt với một “ác ma” Đạm Tiên xúi bẩy, giật dây.
Phim “Kiều” chỉ mới ra mắt nhưng đã nhận “mưa lời chê”.
Phiên bản “Kiều” kém nhất
Có người cho rằng, không biết “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thì xem phim “Kiều” còn tàm tạm. Ai đã biết “Truyện Kiều”, thuộc “Truyện Kiều”, hiểu các nhân vật trong nguyên tác thì khó chấp nhận khi xem phim “Kiều”, vì một cảm giác rất khó chịu.
Có thể nói, trong dàn nhân vật của phim “Kiều”, Hoạn Thư được mô tả diễn biến nội tâm chi tiết nhất. Từ người vợ mòn mỏi chờ chồng, không được chồng tôn trọng, Hoạn Thư phát hiện và chứng kiến cảnh chồng say đắm ân ái với một người đàn bà khác.
Nhân vật vừa ghen tuông, căm hận, vừa khao khát tình yêu và những cái vuốt ve. Thế nhưng, lối thể hiện trong phim gượng gạo, vụng về và thậm chí là rất thô. Có những đoạn, cảnh ân ái sống sượng, “nhún nhảy” từa tựa phim 18+ Kim Bình Mai.
Giới phê bình điện ảnh cho rằng, còn rất sớm để đi đến kết luận sự thành – bại của một bộ phim, nhưng đây có thể là một trong những phiên bản Kiều kém nhất trên cả sân khấu lẫn phim ảnh Việt.
Kiều tuy là nhân vật chính, nhưng không còn hồn cốt. Trình Mỹ Duyên trong vai Kiều tuy xinh đẹp nhưng chưa đủ từng trải, không làm bật được thần thái của Kiều “tài sắc vẹn toàn”.
Phim Kiều có kinh phí lớn, khoảng 30 tỉ đồng, quy tụ ê-kíp hùng hậu như: Tác giả kịch bản kiêm đạo diễn hình ảnh NSƯT Phi Tiến Sơn, điều hành sản xuất Trần Bửu Lộc, họa sĩ thiết kế Vi Ngọc Mai, quay phim Quyết Trần, nhà thiết kế phục trang Thủy Nguyễn, Giám đốc âm nhạc Huy Tuấn…
Ê-kíp sản xuất đã có hành trình từ miền Bắc về miền Trung, đến những nơi vách núi cheo leo, rừng sâu núi thẳm, thác nước hoang sơ tại Huế, Cao Bằng, Quảng Trị, Quảng Bình, Phú Thọ…
Dù chỉ mới công chiếu, nhưng nhiều khán giả đã bình luận theo chiều hướng đầy thất vọng. Một số ý kiến cho rằng, phim không bám sát nguyên tác “Truyện Kiều” như mong đợi, chi tiết sai trầm trọng khi không để Thúc Sinh bỏ tiền chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh mà do Kiều thả dây tự trốn.
Thiếu sót nhiều ý quan trọng trong tác phẩm gốc và thêm thắt quá đà cũng khiến cho bộ phim trở nên hoang đường.
Cặp diễn viên chính biểu cảm chưa tốt, nội dung phim lan man thiếu điểm nhấn cao trào. Màu phim quá tươi sáng, chưa ra không khí ẩn ức, tối tăm bởi những bất công trong xã hội vì quá thiên về cảnh đẹp.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, vì “lấy cảm hứng” từ “Truyện Kiều”, NSƯT Phi Tiến Sơn, người chấp bút cho kịch bản chủ động không đưa cả cuộc đời của Kiều lên màn ảnh mà chỉ tập trung vào giai đoạn Kiều bị đẩy vào lầu xanh và cuộc tình tay ba đầy ngang trái.
Đúng như lo ngại của nhiều khán giả khi xem trailer, bộ phim biến “tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột” thành câu chuyện tình tay ba đầy cũ kỹ. Điểm trừ từ khâu kịch bản – đã khiến khán giả thất vọng hoàn toàn với phim “Kiều”.
Theo Giáo Dục Thời Đại