Người dân tại một số quận huyện, công nhân ở trọ và khu công nghiệp được vận động lấy mẫu tầm soát Covid-19 trong cộng đồng sau khi thành phố bùng phát dịch.
Trưa 29/5, hơn 30 người ngồi hàng dài, cách nhau 2 m tại khuôn viên nhà thờ Tử Đình, phường 15, quận Gò Vấp, rộng chừng 100 m2 chờ xét nghiệm . 7 nhân viên y tế Bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố lần lượt lấy mẫu và ghi chép thông tin cá nhân. Mỗi người lấy mẫu mất chừng 3 phút, hết nhóm này này đến nhóm khác. Công an phường được phân công đến từng khu phố vận động người dân tới lấy mẫu xét nghiệm theo khung giờ, không tập trung quá đông tại một thời điểm.
Người dân phường 15, quận Gò Vấp, được lấy mẫu xét nghiệm , rạng sáng 29/5. Ảnh: Đình Văn.
Sau khi được lấy phết mũi, ông Hoàng Vũ Quang, 40 tuổi, cho biết lúc nghe thông tin khu vực gần nhà ghi nhận 2 ca dương tính là thành viên Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, cả gia đình rất lo lắng. Sài Gòn đông đúc, công việc của vợ chồng phải đi lại, tiếp xúc nhiều, dễ lây bệnh. Do đó khi địa phương thông báo xét nghiệm , ông và vợ xin nghỉ việc, đưa hai con 9 tuổi và 5 tuổi đến lấy mẫu.
Bác sĩ Dương Anh Vũ, khoa Tai- Tai thần kinh cho biết, nhân viên Bệnh viện Tai Mũi Họng được Sở Y tế điều đột xuất đi công tác để đảm bảo việc lấy mẫu số lượng lớn. Trong hai giờ, khoảng 300 mẫu được lấy, cho vào thùng bảo quản, chuyển về trung tâm xét nghiệm. “Nhân viên y tế lấy mẫu gộp 5 người, nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính sẽ lấy mẫu đơn để xác định ca mắc”, bác sĩ Vũ nói và lý giải việc làm này nhằm rút ngắn thời gian nhưng vẫn bảo đảm kết quả.
Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp Nguyễn Trung Hoà cho biết, việc dồn lực lấy mẫu xét nghiệm ở phường 15 bởi sau khi nơi đây phát hiện ca nhiễm, lực lượng y tế đã khoanh vùng lấy mẫu truy vết, trong đó có 5 mẫu gộp (gồm 25 người) xét nghiệm dương tính. 8 khu dân cư ở phường với khoảng 50.000 dân sẽ được lấy mẫu, mỗi nơi sẽ lấy 5.000-6.000 người. Tối qua, nhiều khu vực ở phường cũng tổ chức lấy mẫu xuyên đêm cho hàng nghìn người.
Sáng nay, nhiều người nhiều phường ở quận Bình Thạnh xếp hàng trước Trung tâm y tế quận (cơ sở 2), đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 24 chờ lấy mẫu. Người dân được bảo vệ hướng dẫn theo nhóm 5 người vào khu vực lấy mẫu, giãn cách khoảng cách tối thiểu 2 m.
Người dân xếp hàng dài chờ lấy mẫu trước Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, đường Đinh Bộ Lĩnh, ngày 29/5. Ảnh: Hà An.
Cầm trên tay phiếu lấy mẫu điền thông tin mình và 4 người trong gia đình, bà Nguyễn Thị Lành, ngụ hẻm 70 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh cho biết, chiều qua cán bộ y tế phường đến vận động người dân ở khu trọ. Sau khi điền thông tin thành viên, sáng nay cả gia đình bà được gọi tới lấy mẫu.
“Lúc đầu tôi cũng lo lắng, không hiểu lấy mẫu vì liên quan ca nhiễm nào. Tuy nhiên, khi nhân viên y tế trả lời việc lấy mẫu ngẫu nhiên, để tầm soát dịch mình mới yên tâm”, bà Lành nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm y tế quận Bình Thạnh, xét nghiệm ở quận chủ yếu tập trung vào công nhân, người lao động sống ở khu trọ. Việc này thực hiện theo chỉ đạo của Sở Y tế vì chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng có nhiều ca nhiễm nằm trong các khu nhà trọ, người từ nơi khác tới. “Chúng tôi đã lấy khoảng 2.000 mẫu mỗi ngày và còn thực hiện tầm soát trong một hai ngày tới”, ông Tâm nói.
Ở các khu công nghiệp – nơi tập trung đông công nhân, nguy cơ dịch bùng phát cũng được ngành y tế thành phố đẩy mạnh lấy mẫu tầm soát. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM phối hợp các quận có nhiều khu công nghiệp, nhà máy như quận 7, Bình Tân, TP Thủ Đức… lấy mẫu. Việc xét nghiệm tập trung vào các nhà máy đông công nhân, lịch trình đi lại phức tạp. Đến nay, hơn 20.000 công nhân ở các khu công nghiệp thành phố được xét nghiệm.
Công nhân của Công ty TNHH Kim may Organ Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, chờ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát. Ảnh: An Phương.
TP HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia nước ngoài. Các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… cũng có nhiều khu công nghiệp tập trung đông công nhân. Các khu công nghiệp là nơi được xem nguy cơ lây nhiễm cao nhất, chỉ sau bệnh viện. Các đợt dịch trong nước từ trước đến nay đều bùng phát mạnh khi nhà máy ghi nhận ca nhiễm.
Đến trưa 29/5, trong đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 27/4, TP HCM ghi nhận 5 chuỗi lây nhiễm với tổng cộng 98 ca nhiễm và nghi nhiễm. Trong đó, chuỗi liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở Gò Vấp (85 ca), chuỗi liên quan quán ăn O Thanh, quận 3 (5 ca), chuỗi nữ nhân viên ngân hàng ở Tân Phú (5 ca); chuỗi trong công ty kiểm toán ở quận 3 (2 ca), và chuỗi từ “bệnh nhân 2910″ lây ở Hà Nam. Gần 39.000 ca F1 và F2 liên quan các ca nhiễm thuộc cụm dịch hội thánh.
Theo VnExpress