Đại diện ngành điện cho biết trong thời gian giãn cách , công ty cam kết không ngừng cung cấp điện với khách hàng gặp khó khăn, chưa kịp đóng tiền điện
Tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM chiều 21/7, ông Luân Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết thời gian qua, ngành điện đảm bảo nguồn điện cho 12 chốt kiểm soát dịch quanh cửa ngõ thành phố; các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19; khu cách ly…
Báo chí đặt câu hỏi về lý do cấp điện chậm tại một số bệnh viện dã chiến, ông Hưng cho biết về bệnh viện dã chiến tại khu tái định cư ở phường An Khánh, TP Thủ Đức, thời gian đầu khu R1, R2, R3 mất tương đối nhiều thời gian kiểm tra, thử nghiệm để đảm bảo an toàn. Do đó, những ngày đầu hơi chậm trong cung cấp điện.
Tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, ngành điện đảm bảo 2 nguồn điện trung thế và một máy phát nên đảm bảo nguồn điện cho khu vực này.
TP.HCM hiện có hơn 3.000 điểm phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Phương Lâm.
Đại diện ngành điện cho biết trong thời gian giãn cách, công ty cam kết không ngừng cung cấp điện với khách hàng gặp khó khăn, chưa kịp đóng tiền điện. Ngành điện cũng tăng cường thu tiền điện qua ví điện tử.
Về vấn đề giảm giá điện trong thời gian tới, ông Hưng cho biết ngành điện đã 2 lần giảm giá với tổng số tiền là 13.800 tỷ đồng trên cả nước và riêng TP.HCM là 1.500 tỷ đồng.
Bộ Công Thương cũng vừa có hướng dẫn và đối tượng giảm giá điện lần 3 có thay đổi. Đó là hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch , miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân Covid-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Về lý do tiền điện tăng cao thời gian qua, ông Hưng lý giải do người dân ở nhà nhiều nên điện sinh hoạt tăng như sử dụng máy lạnh, xem tivi, nấu ăn…
Ông Luân Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Chỉ thị 16 được áp dụng toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.
Sau 10 ngày áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM vẫn liên tục tăng. Ngày 18/7, TP.HCM ghi nhận kỷ lục mới với 4.692 ca nhiễm trong ngày. Từ 27/4 đến trưa 21/7, TP.HCM ghi nhận 39.526 ca mắc Covid-19, là tâm dịch lớn nhất trên cả nước.
Theo Zing