Dù nhận thức được rủi ro và cái sai trong việc đi ngược quy trình, nhiều nhà làm phim Việt độc lập vẫn chọn liều lĩnh gửi phim đi thi khi chưa thông qua thẩm định cấp phép phổ biến của Cục Điện ảnh.
Các phim Việt độc lập như Ròm hay Vợ ba đều là những trường hợp gặt hái giải thưởng ở các Liên hoan phim (LHP) quốc tế nhưng bị phạt tại quê nhà vì làm sai luật. Vợ Ba trải qua quá trình chinh chiến tại nhiều liên hoan như LHP quốc tế Chicago (Mỹ), LHP quốc tế Cairo (Ai Cập), LHP KIFF… sau đó mới phát hành toàn quốc vào tháng 5.2019, nhưng bị ngưng chiếu không lâu sau đó do bản phim chiếu rạp khác với bản phim đã được thẩm định. Còn Ròm thì sau khi thắng giải New Currents tại LHP Busan 2019 rồi về chịu phạt, sau đó tốn thêm nhiều thời gian chỉnh sửa mới được công chiếu rộng rãi.
Tiền lệ này đang một lần nữa lặp lại với một bộ phim thắng giải tại LHP quốc tế Berlin 2021 , làm dấy lên nhiều tranh cãi. Tại tọa đàm Ai góp ý giơ tay lên số thứ 2, các nhà làm phim có tiếng tại Việt Nam đã lý giải cặn kẽ về nguyên nhân dẫn đến những tình huống như trên. Trong đó, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đạo diễn Phan Đăng Di cùng nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc là những người đã có kinh nghiệm nhiều lần gửi phim tham dự liên hoan phim quốc tế. Họ đã bộc bạch về cái khó và nỗi lòng của những nhà làm phim trẻ trong việc đánh liều thi trước, xin phép sau.
Đạo diễn Trần Thanh Huy đại diện cho ê-kíp phim Ròm nhận giải “ New Current ” tại LHP Busan 2019
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Thông thường khi gửi các dự án phim ra nước ngoài dự thi, ban tổ chức chỉ yêu cầu một bản thô chưa hoàn chỉnh. Chỉ khi nhận được một lời xác nhận rằng phim của bạn có cơ hội vào danh sách thì khi đó nhà làm phim mới xác định được phim của họ có tương lai cạnh tranh giải. Nhưng muốn nộp cho hội đồng phân loại và thẩm định để có giấy phép thì đó phải là một bản phim hoàn chỉnh, đã được đóng gói”.
“Nếu chưa làm được điều này mà đã trót có tin vui từ liên hoan phim thì dễ trở thành người đã vi phạm luật. Vì vậy có chút mâu thuẫn với nhau, một mặt phải gửi dự án đi cho kịp tiến độ liên hoan, một mặt thì phải kịp có giấy phép tại nước nhà. Nếu đúng theo quy định của luật là 15 ngày sau mới nhận được công văn trả lời, yêu cầu sửa chữa thì rất dễ bị chậm”, đạo diễn Đập cánh giữa không trung nói thêm.
Đạo diễn Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp đều sở hữu phim được đề cử tại các LHP quốc tế lớn
Bên cạnh đó, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cũng có những góp ý riêng dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của chị. “Đối với những bộ phim độc lập nhỏ và ngân sách thấp thì thường ê-kíp đi theo quy trình làm cuốn chiếu, cái gì cũng làm dần dần. Nhiều ê-kíp khi nhận được tin vui từ liên hoan phim rồi thì mới dám đi tiếp, tìm kiếm thêm nguồn tài chính và làm bản phim DCP hoàn chỉnh, rất tốn kém. Nó đẩy các nhà làm phim vào tình cảnh khó. Trong một thời gian ngắn và gấp như vậy thì sẽ khó lòng đáp ứng được đúng quy trình cho cả hai bên. Trong khi chờ đợi một quỹ điện ảnh, nếu chúng ta có được một cơ chế, luồng xanh duyệt bản phim chưa tinh chỉnh như các LHP thì cũng giúp được rất nhiều cho các nhà làm phim trẻ gỡ khó trong thời gian sắp tới”, nhà sản xuất giãi bày.
Trước đây, Trần Thanh Huy, đạo diễn phim Ròm cho biết anh cũng từng vướng vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc gửi phim dự thi tại LHP Busan. Theo đạo diễn trẻ, phim muốn có mặt trong vòng tranh giải chính thức ở các LHP quốc tế cần mất từ 6 đến 8 tháng chờ đợi. Chỉ khi phim có tên trong danh sách tranh giải, nhà sản xuất mới có thêm kinh phí đầu tư để hoàn thiện. Trong khi đó, hội đồng duyệt phim yêu cầu bản phim hoàn chỉnh để thẩm định. Vì vậy. các nhà làm phim độc lập thường liều dự thi trước, chấp nhận chịu phạt. Và một khi đã gửi phim đi, việc rút phim được hay không hoàn toàn nằm trong tay nhà tổ chức quốc tế nên khi bị “tuýt còi” cũng không thể rút phim về.
Các nhà làm phim, chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh đều thống nhất Việt Nam rất cần gửi phim tham dự các LHP quốc tế
Trước những vấn đề nêu trên, các nhà làm phim Việt đi đến đề xuất cần phải có một hội đồng thẩm định cùng bộ tiêu chí riêng dành cho các phim đi thi ở liên hoan phim quốc tế. Và như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã trình bày: “Điều kiện quan trọng là phải hiểu được tình hình thực tế để quyết định việc duyệt có cần quá máy móc theo thủ tục hay không, hay là tạo điều kiện để phim có thể đến được cái đích xa nhất mà nó có thể”.
Đại diện cho các nhà làm phim, đạo diễn Phan Đăng Di đưa ra kiến nghị phía cơ quan quản lý điện ảnh có thể sẵn sàng “cấp visa” cho những phim tham gia LHP quốc tế ngay cả khi phim chưa ra được bản hoàn chỉnh. Miễn rằng phim đáp ứng được những tiêu chí riêng dành cho phim dự thi quốc tế đã được hội đồng thông qua. Bên cạnh đó visa không có giá trị như giấy phép phổ biến nhưng cho phép phim mang quốc tịch Việt Nam được trình chiếu tại các liên hoan ở ngoài Việt Nam. Còn nếu phim có dự định, kế hoạch trình chiếu tại Việt Nam thì vẫn phải tuân theo các quy định như các phim thông thường.
Buổi tọa đàm “Ai góp ý giơ tay lên” số thứ 2 có nội dung chính xoay quanh vấn đề Liên hoan phim, quỹ điện ảnh và hợp tác quốc tế
Với những đề xuất này, các nhà làm phim kỳ vọng luật Điện ảnh sửa đổi sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, khuyến khích sáng tác và tạo cơ hội để phim Việt được “thuận buồm xuôi gió” tranh giải ở các liên hoan phim quốc tế.
Ai góp ý giơ tay lên số thứ 2 là sự kiện trực tuyến nhằm tiếp tục góp ý cho các sửa đổi sắp tới trong bộ luật Điện ảnh. Buổi trao đổi có sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn của làng điện ảnh trong nước như: đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn/thành viên hội đồng kiểm duyệt Nguyễn Hoàng Điệp, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm… Bên cạnh đó là các chuyên gia nước ngoài bao gồm: Carlo Chatrian – Giám đốc Nghệ thuật LHP Berlin, Vincenzo Bugno – Giám đốc Quỹ Điện ảnh thế giới và Park Sungho – Giám tuyển LHP Busan.
Theo Thanh Niên