Nhiều người vẫn chưa gửi chứng minh thư để xác thực ví điện tử vì lo lộ thông tin cá nhân.
Từ cuối tháng 5, các ví điện tử tại Việt Nam, như MoMo, Moca, Zalopay, Airpay…, đề nghị người dùng gửi ảnh chân dung và chứng minh thư để làm thủ tục xác thực. Hạn cuối là 7/7. Tuy nhiên, đã quá hạn cả chục ngày, nhiều người vẫn không gửi chứng minh thư, hộ chiếu hoặc căn cước công dân cho các đơn vị này, chấp nhận bị khoá hoặc hạn chế tính năng của ví. Một trong những nguyên nhân là sợ lộ dữ liệu cá nhân.
Điều khoản sử dụng của một ví điện tử có riêng mục nói về việc Tiết lộ thông tin cá nhân.
Nguyễn Hưng (quận 7, TP HCM) dùng ví điện tử đã hơn 3 năm. Trước đây, thao tác đăng ký và sử dụng ví điện tử được anh Hưng đánh giá là đơn giản, ít ràng buộc. Người dùng chỉ cần số điện thoại và email là xong. Anh Hưng sử dụng 5 ví nhưng chưa bao giờ tìm hiểu các đơn vị đứng sau những ứng dụng này là ai. Vì vậy, anh cho rằng việc phải chia sẻ căn cước công dân cho các ứng dụng như vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Nếu ví bắt gửi thông tin cá nhân, tôi cần phải tìm hiểu kỹ hơn về các điều khoản bảo mật của họ. Tôi đang cân nhắc chuyển sang ứng dụng của ngân hàng để thanh toán”, anh Hưng nói.
Tương tự, Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng băn khoăn khi các ứng dụng ví điện tử yêu cầu nộp ảnh cá nhân và chứng minh nhân dân. Vân Anh đang dùng ví điện tử để thanh toán cho khoảng 30% giao dịch hàng tháng. Trong smartphone của cô có 4 ví sử dụng thường xuyên, cái dùng để mua hàng trên các trang thương mại điện tử, cái để đặt xe và đồ ăn, một ví chuyên thanh toán tiền điện nước. “Cả 4 ví đều quan trọng, nhưng nếu bị yêu cầu phải xác thực danh tính, tôi sẽ chỉ xác thực cho một ví quan trọng và tin tưởng nhất. Gửi thông tin cho càng nhiều bên, nguy cơ lộ dữ liệu cá nhân sẽ càng cao”, cô nói.
Trong bài viết của VnExpress về ví điện tử đồng loạt giục người dùng gửi ảnh chân dung, vấn đề dữ liệu cá nhân được nhiều độc giả quan tâm bình luận.
“Yêu cầu chứng minh thư để đăng ký ví điện tử khiến tôi cảm thấy mất tính riêng tư và luôn lo ngại bị đánh cắp thông tin”, độc giả Hoàng Hà nêu ý kiến. Khi mọi giao tiếp của người dùng và ví điện tử đều qua các thao tác trên smartphone, người này lo rằng: “đến khi họ vỡ nợ, phá sản, thông tin của người dùng đi đâu”.
Ngoài ra, ví điện tử thường phải liên kết với tài khoản ngân hàng và số điện thoại. Người dùng vốn đã phải khai thông tin cá nhân khi đăng ký các dịch vụ của ngân hàng, vì vậy, việc gửi thêm thông tin bị đánh giá là không cần thiết.
Đại diện MoMo, một ví điện tử có thị phần lớn tại Việt Nam, cũng thừa nhận một số người ngại gửi ảnh chụp chứng minh thư, thẻ căn cước, hộ chiếu để xác thực ví điện tử. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng người dùng không thể bị lộ thông tin cá nhân. “Chúng tôi là một công ty công nghệ, đã quy chuẩn và tự động hóa việc lưu trữ thông tin, hạn chế tối đa cá nhân tiếp xúc trực tiếp thông tin khách hàng. Quá trình xác thực và lưu trữ thông tin người dùng của chúng tôi đều được sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước”, người đại diện nói.
Ngoài MoMo, một số ví lớn như Moca, ZaloPay hay VinID cũng đều đạt chứng nhận bảo mật quốc tế PCI DSS – tiêu chuẩn được xác lập bởi Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật gồm các thành viên, như Visa, MasterCard, American Express, Discover Financial Services, JCB International. Các ví còn ứng dụng công nghệ bảo mật mới, như xác thực hai lớp, xác thực bằng vân tay hay nhận diện khuôn mặt; tự động khóa ứng dụng khi quá thời hạn sử dụng; bảo vệ đường truyền chuẩn SSL/TLS hay tính năng mã hóa số thẻ quốc tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia bảo mật, người dùng nên quan tâm đến điều khoản sử dụng của các ví ngay từ khi đăng ký.
Ví điện tử tại Việt Nam yêu cầu người dùng xác thực thông tin trước ngày 7/7.
Hầu hết các ví điện tử đều cho biết họ sử dụng họ tên, số điện thoại, số chứng minh thư mà người dùng cung cấp để đối chứng với thông tin của tài khoản ngân hàng liên kết. Việc này giúp đảm bảo tài khoản ngân hàng liên kết trùng khớp với tài khoản ví để tránh tình trạng lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Tuy nhiên, một số ví “gài” thêm nhiều điều khoản về việc sử dụng và chia sẻ thông tin cá nhân của người dùng. Chẳng hạn, trong điều khoản sử dụng Zalo Pay có đoạn: “Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi có thể tiết lộ và cung cấp các thông tin cá nhân của bạn tới các chuyên gia tư vấn, cơ quan có thẩm quyền, bên bảo hiểm, hoặc các định chế pháp lý”. Đơn vị này cũng “không đảm bảo rằng các công nghệ hoặc thủ tục có thể loại bỏ tất cả các rủi ro về trộm cắp, mất mát hoặc sử dụng sai”. Người dùng buộc phải bấm “Đồng ý” với các điều khoản này nếu muốn sử dụng ứng dụng.
Trần Văn Minh, một người dùng ví điện tử lâu năm, cho rằng các đơn vị sở hữu ví điện tử luôn khẳng định bảo vệ dữ liệu người dùng, nhưng nếu họ cam kết, đồng thời chịu trách nhiệm nếu xảy ra trường hợp rò rỉ dữ liệu, anh sẽ cảm thấy yên tâm hơn và sẵn sàng cung cấp các thông tin cần thiết.
Thông tư 23 thay thế Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước quy định tất cả ví điện tử phải xác thực hồ sơ người dùng trước ngày 7/7. Các thông tin phải cung cấp gồm: họ tên, ngày/tháng/năm sinh, quốc tịch, địa chỉ email, ảnh chụp mặt trước và sau của căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu còn thời hạn. Ngoài ra, một điểm bắt buộc khác là ví điện tử của người dùng cần phải được liên kết với tài khoản ngân hàng.
Theo VnExpress