Bộ Y tế hôm nay 6.4 có thông tin mới nhất về “công dụng” của hộ chiếu vắc xin Covid-19, sau khi nhiều người dân nêu câu hỏi “hộ chiếu vắc xin dùng để làm gì?”.
Chứng minh lịch sử tiêm chủng
Theo Bộ Y tế, từ 15.4, Việt Nam cấp “hộ chiếu vắc xin” Covid-19 trên cả nước.
Đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết hộ chiếu vắc xin được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19.
Hộ chiếu vắc xin cần thiết với người xuất cảnh, khi nước sở tại có yêu cầu người nhập cảnh phải có chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh BỘ Y TẾ
Hộ chiếu vắc xin được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng (số mũi vắc xin phòng Covid-19 đã tiêm, thời điểm tiêm…) hoặc khỏi bệnh Covid-19 của cá nhân.
Hộ chiếu vắc xin không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực… khi ra nước ngoài.
Với người Việt Nam không ra nước ngoài, người dân không cần phải sử dụng hộ chiếu vắc xin, không phải sử dụng hộ chiếu vắc xin khi đi lại vì đã có chứng nhận tiêm chủng trên nền tảng quản lý tiêm chủng như PC-Covid, Sổ Sức khỏe điện tử.
Việt Nam chấp nhận hộ chiếu vắc xin và giấy chứng nhận tiêm chủng với người nhập cảnh
Với người từ nước ngoài đến Việt Nam, hộ chiếu vắc xin nước ngoài được coi là hợp lệ và được sử dụng trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam nếu được công nhận chính thức hoặc tạm thời bởi Chính phủ Việt Nam.
Đến ngày 22.3, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vắc xin lẫn nhau với 17 quốc gia. Việt Nam cũng đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vắc xin của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.
“Người mang hộ chiếu vắc xin của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vắc xin ở sở tại”, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.
“Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận” đại diện Bộ Y tế cho biết.
69 quốc gia hiện không áp dụng chứng nhận tiêm chủng
Về triển khai cấp hộ chiếu vắc xin, tạo điều kiện thuận lợi khi người Việt Nam nhập cảnh quốc gia khác, trước đó, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 6891/VPCP-KGVX ngày 25.9.2021 và 7937/VPCP-QHQT ngày 29.10.2021 về việc công nhận hộ chiếu vắc xin, do Bộ Ngoại giao đầu mối.
Hiện tại, có 127/196 quốc gia, vùng lãnh thổ đang áp dụng xác nhận tiêm vắc xin Covid-19/hộ chiếu vắc xin Covid-19; 69 quốc gia không áp dụng hoặc đã bãi bỏ điều kiện này đối với đối tượng nhập cảnh.
Tại Việt Nam, người nhập cảnh không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (xét nghiệm, khai báo y tế và kiểm dịch y tế tại cửa khẩu; theo dõi sức khoẻ và áp dụng các biện pháp phòng Covid-19).
Theo Thanh Niên