Hai kịch bản kế hoạch kinh doanh được ban lãnh đạo Vicostone đưa ra, trong trường hợp lạc quan giữ nguyên mức tăng trưởng 20%, trong khi trường hợp bị ảnh hưởng nặng, mục tiêu kết quả đạt được tương đương năm ngoái.
“Doanh thu quí II năm nay của Vicostone sẽ thấp hơn cùng kì năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch COVID-19”, ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT CTCP Vicostone (Mã: VCS) cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên 2020.
Ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu ảnh hưởng ra sao đến hoạt động kinh doanh của công ty là vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm. Ông Năng cho rằng, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang chịu tác động phía cung lẫn phía cầu.
Theo Chủ tịch Vicostone, điều duy nhất được xem là cơ hội của công ty là kinh nghiệm, việc biết cách giảm chi phí và nỗ lực của ban điều hành, người lao động để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Kế hoạch kinh doanh ban đầu của Vicostone đặt ra doanh thu hợp nhất 6.654 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.980 tỉ đồng, đều tăng trưởng 20% so với 2019. Nhưng theo ban lãnh đạo công ty, điều này chỉ có thể đạt được với kịch bản lạc quan.
Trong kịch bản thận trọng, hoạt động kinh doanh của Vicostone chịu ảnh hưởng mạnh từ đại dịch thì doanh thu và lợi nhuận dự kiến chỉ tăng nhẹ 1,25% và 0,98%.
Ngoài ảnh hưởng từ COVID-19, cạnh tranh từ các doanh nghiệp là vấn đề được Vicostone đề cập trong nhiều năm nay. Tuy vậy, ông Năng cho rằng Trung Quốc làm được các sản phẩm rẻ, trong khi sản phẩm của Vicostone thuộc phân khúc trung, cao cấp nên không đáng quan ngại. Chủ trương của ban lãnh đạo công ty là liên tục theo dõi thị trường để có sách lược cạnh tranh phù hợp.
Một nội dung quan trọng đã được cổ đông Vicostone thông qua trong năm nay là việc ủy quyền cho HĐQT phê duyệt các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ; các giao dịch, hợp đồng kí giữa Vicostone và các bên có liên quan, đảm bảo quyền lợi của cổ đông, bao gồm nhưng không giới hạn:
– Phê duyệt các khoản vay, bảo lãnh.
– Phê duyệt các giao dịch, hợp đồng.
– Phê duyệt các chủ trương đầu tư của công ty (gồm các dự án mua, bán cổ phần, sáp nhập…) có giá trị lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản trong BCTC kiểm toán gần nhất.
Theo ông Hồ Xuân Năng, Tập đoàn Phenikaa đã đầu tư Nhà máy Polyester không no từ năm 2017, dự kiến sau khi đi vào vận hành sẽ chuyển nhượng cho Vicostone giá gốc. Vì nếu Vicostone trực tiếp đầu tư thì sẽ mất nhiều thời gian và thủ tục phức tạp, hơn có thể có nhiều bất lợi khác. Do vậy, việc Tập đoàn đứng ra làm chủ đầu tư là hợp lí.
Vai trò của nhà máy này sẽ giúp cho Vicostone và các nhà máy trong Tập đoàn Phenikaa chủ động nguyên vật liệu sản xuất, tiết kiệm chi phí.
Năm ngoái, phía Tập đoàn Phenikaa cũng đã chuyển giao dự án Phượng Hoàng Xanh Huế cho Vicostone, dự án này đạt lợi nhuận sau thuế 30 tỉ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư vào dự án 600 tỉ đồng, Phenikaa bán giá gốc, không lãi một đồng, ông Năng nói.