Một trong những điều ám ảnh đối với khách du lịch trong và ngoài nước chính là hình ảnh nhà vệ sinh bẩn thỉu, giấy vệ sinh vứt bừa bãi, bốc mùi hôi khá phổ biến ở những địa điểm du lịch tại Việt Nam.
Không thể phủ nhận một điều rằng, muốn phát triển toàn diện thì nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các điểm đến là vô cùng quan trọng.
Một trong những điều ám ảnh đối với khách du lịch trong và ngoài nước là hình ảnh nhà vệ sinh bẩn thỉu. Ảnh: Internet
Có thể nói thực trạng hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch ở nước ta đang thiếu trầm trọng và kém chất lượng là có thật. Nếu chúng ta không khẩn trương xây dựng hệ thống nhà vệ sinh du lịch đạt chuẩn, vô hình chung chúng ta đã biến du khách thành người xả thải gây ô nhiễm môi trường địa phương, mặc dù đó không phải lỗi của họ. Và chắc chắn điều này sẽ tạo ấn tượng không tốt đối với du khách.
Vụ việc chi gần 1 tỷ đồng để xây nhà vệ sinh rồi lại bỏ hoang ở Thanh Hóa gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây là một ví dụ điển hình. Cụ thể, theo nhiều du khách đến tham quan, tắm mát ở điểm du lịch thác Ma Hao, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa phản ánh về việc các khu nhà vệ sinh công cộng ở đây được xây dựng kiên cố song lại không thể sử dụng: Với ba nhà vệ sinh lợp mái tôn phân bố dọc con đường dẫn vào điểm tham quan chính rộng khoảng 30m2 và được chia thành phòng vệ sinh nam, nữ riêng biệt. Tuy nhiên, bên trong các buồng vệ sinh lại hết sức bẩn thỉu, rác thải, lá cây chất đầy bồn cầu, giấy vệ sinh vứt bừa bãi, bốc mùi hôi. Một số vị trí đã xuống cấp, nứt vỡ, nguồn nước không còn sử dụng được. Khách phải đi bừa ra các bụi cây, vạt rừng rất mất mỹ quan và ô nhiễm.
Được biết, các công trình vệ sinh ở Ma Hao được xây dựng năm 2017 từ nguồn vốn của tỉnh hỗ trợ cho chương trình phát triển du lịch. Ba nhà vệ sinh có tổng vốn đầu tư 960 triệu đồng, được xây dựng theo thiết kế mẫu của Tổng cục Du lịch ban hành chung trên toàn quốc.
Ảnh minh họa
Nhiều hướng dẫn viên có thể thao thao bất tuyệt về các danh lam, thắng cảnh khắp 63 tỉnh thành, sự đặc sắc đa dạng của văn hóa nhiều dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ cần một câu chuyện hài hước có thật của một khách du lịch về sự cố liên quan đến vấn đề vệ sinh thì mọi quảng bá du lịch mất đi ít nhiều tác dụng của nó.
Chia sẻ với phóng viên, Chị N, một người thường xuyên đi du lịch xuyên Việt cho biết: “Tôi vừa có chuyến đi lên khu vực Mù Cang Chải vào tết vừa rồi. Mọi thứ đều ổn trừ nhà vệ sinh bẩn đến mức khách thà nhịn đi chứ nhất định không chịu vào. Cá biệt có những trường hợp không chịu nổi bước vào, phải nôn thốc nôn tháo đi ra vì không chịu nổi mùi amoniac. Bản thân tôi dù có nhu cầu cần đi vệ sinh, cũng phải cố chịu đựng đến nhà hàng mới dám giải quyết”.
Quảng bá du lịch từ những điều sạch sẽ nhất
Ảnh minh họa
Vừa qua, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đề ra phương châm “Ở đâu có du lịch, ở đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn”, đồng thời đề nghị các cơ quan ban ngành tích cực phối hợp với nhiều địa phương, đặc biệt tại các trung tâm du lịch lớn, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Trước đó, Bộ VH-TT&DL cũng đã có công văn số 3002/CV-BVHTTDL gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phát động chiến dịch “làm mới và chuẩn hóa nhà vệ sinh” theo quan điểm “ở đâu có nhiều khách qua lại, ở đó có nhà vệ sinh sạch đẹp”. Tổng cục du lịch cũng đã xây dựng và ban hành Quy định tạm thời về tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch để tạo cơ sở cho các đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý điểm du lịch nâng cấp hoặc xây dựng mới nhà vệ sinh theo đúng quy chuẩn.
Phố cổ Hội An, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam đã thực hiện mô hình nhà vệ sinh khá hay đó là khu nhà vệ sinh đẳng cấp 5 sao nằm ngay vị trí trung tâm Hội An, hướng ra sông Hoài. Nhà vệ sinh nhìn từ bên ngoài vào khá nổi bật và được trang trí đơn giản với bức tường sơn màu vàng đặc trưng của phố cổ Hội An. Khi vào bên trong, khu vực được thiết kế khá nhiều đồ dùng tiện nghi, sạch sẽ và đặc biệt lại còn có cả điều hòa chống nóng.
Được biết, giá thu tiền dịch vụ vệ sinh ở đây là 10k/lượt đối với người ngoại tỉnh và 5k/lượt đối với người Hội An. Việc thu tiền nhà vệ sinh gây tranh cãi, nhiều người cho rằng phí thu là quá mắc. Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng nhà vệ sinh sạch sẽ, văn mình thì việc thu tiền là hợp lí.
Nhà vệ sinh 5 sao tại Hội An. Ảnh: Internet
Một trong những điều ám ảnh nhất với khách du lịch trong và ngoài nước là vấn đề nhà vệ sinh. Cũng bởi tình trạng nhà vệ sinh tềnh toàng, kém vệ sinh hoặc thậm chí không có nhà vệ sinh là hiện tượng thường xuyên và phổ biến ở nhiều điểm du lịch tại Việt Nam.
Nước ta đang trong quá trình phục hồi du lịch sau đại dịch và cần quảng bá hình ảnh du lịch mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế, những khía cạnh nhỏ như cải thiện nhà vệ sinh cũng cần được quan tâm.
Bất cứ điểm du lịch nào, Nhà nước hay tư nhân, có thu phí hay không thu phí, muốn đón khách phải có đầy đủ nhà vệ sinh. Không cần phải quá khắt khe trong việc đặt ra tiêu chuẩn xây dựng nhà vệ sinh. Có thể học tập theo tiêu chuẩn nhà vệ sinh của sân bay. Vệ sinh không phải là chuyện nhỏ, nếu muốn Việt Nam trở thành điểm đến cho mọi khách du lịch trên thế giới. Chúng ta có thể quảng bá về sự xinh đẹp của biển, của rừng, của sông nước, núi non đất Việt nhưng để giữ chân du khách chúng ta cần phải làm nhiều nữa. Đầu tiên phải xuất phát từ việc nhỏ nhất : “Nhà vệ sinh phải thực sự vệ sinh”.
Theo Báo Pháp Luật