Không chỉ Việt Nam, trên thế giới cũng từng ghi nhận nhiều ca Covid-19 gặp tình huống đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Các chuyên gia lý giải rằng mối liên hệ giữa nhồi máu cơ tim và Covid-19 có thể xảy ra theo 2 hướng.
Trao đổi với Báo Người Lao Động sáng 1-8, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, đã giải thích mối liên hệ giữa Covid-19 và các bệnh nền.
Trước nhất là nhóm bệnh tim mạch. Việt Nam vừa ghi nhận 1 ca bệnh nhân Covid-19 tử vong do “nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý nặng”. Trên thế giới, Covid-19 và nhồi máu cơ tim, đột quỵ thường xuất hiện song hành trên các báo cáo y khoa. Theo BS Trương Hữu Khanh, các vấn đề này có mối liên hệ 2 chiều.
Khu cách ly – điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM – ảnh: ANH THƯ
Thứ nhất là tình huống nhiều người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh nhưng lại xuất hiện huyết khối, tức “cục máu đông” trong động mạch, dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn, gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Huyết khối này có thể coi như một biến chứng của bệnh Covid-19. Trong các tình huống này, bệnh nhân có thể được cứu nhờ sử dụng thuốc chống đông sớm.
Thứ 2 là tình huống bệnh Covid-19 xảy ra ở người đã bị bệnh mạch vành – nguyên nhân phổ biến dẫn đến nhồi máu cơ tim. Những người bệnh này thì mạch máu đã bị xơ vữa sẵn, có huyết khối rồi. Khi đó, người bệnh sẽ tăng nguy cơ tử vong vì cơn nhồi máu cơ tim do chính bệnh mạch vành gây ra, và virus corona chỉ đóng vai trò như một nguyên nhân khiến sức khỏe tổng thể bệnh nhân yếu đi, làm căn bệnh sẵn có trầm trọng hơn. Những trường hợp này, nhất là nếu gặp ở người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền thường việc cứu chữa rất khó khăn, vì chính những bệnh nền khác cản trở những thủ thuật can thiệp tim mạch. Bệnh nhân ở Việt Nam rơi vào tình huống này.
“Ngoài ra, người bị suy thận mãn tính, bệnh phổi mãn tính, tiểu đường… cũng có nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cao hơn. Người bị suy thận mãn nếu bị Covid-19 thì có nguy cơ gặp cơn suy thận cấp cao hơn, và cơn suy thận cấp này sẽ đe dọa tính mạng họ. Bệnh phổi thì đương nhiên tăng nguy cơ khi mắc thêm một loại siêu vi gây viêm hô hấp, nhất là viêm phổi. Tiểu đường thì làm suy yếu hệ miễn dịch của bệnh nhân” – BS Khanh phân tích.
Riêng tình huống “cơn bão cytokine” – sự nổi loạn của hệ miễn dịch (từng gặp ở phi công người Anh) và là nguyên nhân tử vong được báo cáo nhiều ở châu Âu – thì là do yếu tố di truyền, tức tùy cơ địa mỗi người, chứ không liên quan đến bệnh nền.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh cần tăng cường bảo vệ người lớn tuổi, mang nhiều bệnh nền trong mùa dịch, bởi đây là đối tượng dễ gặp biến chứng nặng khi mắc bệnh. Không chỉ là việc người lớn tuổi nên hạn chế ra ngoài, bảo vệ kỹ càng nếu phải ra đường, mà người trẻ trong gia đình cũng cần có ý thức bảo vệ ông, bà, cha, mẹ… Người trẻ tuy ít bị bệnh nặng nhưng có thể là trung gian truyền bệnh cho người lớn tuổi, có bệnh nền trong gia đình vì người trẻ thường di chuyển, tiếp xúc nhiều. Vì thế, người trẻ rất cần phòng bệnh kỹ càng khi ra ngoài; về nhà phải rửa tay, tắm gội, giặt quần áo… trước khi tiếp xúc với các thành viên lớn tuổi trong gia đình.
Theo NLĐ