Chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng tự hỏi mình: “Tôi là ai? Là ai? Là ai?”. Hai bộ phim mới nhất của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, chủ yếu là Em Và Trịnh, cố gắng trả lời câu hỏi này. Tiếc rằng, bức chân dung mà phim đưa ra lại quá mờ nhạt và đáng quên.
Đâu rồi, tài hoa?
Trước hết, chúng ta sẽ không nói hình tượng nhạc sĩ họ Trịnh trên phim thật hay không thật theo nghĩa sát với thực tế. Trong điện ảnh, “thật” nghĩa là mang đến cảm giác chân thực cho người xem, theo góc nhìn của phim. Góc nhìn của phim lại đến từ các phân tích, mổ xẻ, đánh giá và kết luận của biên kịch. Biên kịch giỏi thì nhân vật càng sâu sắc, đáng tin, càng con người và có sức sống lâu bền trong lòng khán giả. Có một thuật ngữ là “độ dày” để miêu tả sự chân thực này.
Một lý thuyết kịch bản cơ bản khi khai thác nhân vật là tập trung vào kỹ năng của họ. Đặc biệt quan trọng khi đó là nghệ sĩ, vận động viên hay có nghề nghiệp đặc biệt. Bởi lẽ, kỹ năng nghề nghiệp là cách tốt nhất để nhân vật thể hiện bản thân và tương tác với thế giới xung quanh. Với Trịnh Công Sơn nói riêng, thính giả các thế hệ ít nhiều đã có một hình dung về ông, thông qua những ca khúc ông viết.
Tiếc rằng, Trịnh Công Sơn trong Em và Trịnh khai thác yếu ớt yếu tố tài hoa của vị nhạc sĩ, từ đó lạc lối trong việc xây dựng nhân vật. Kịch bản phim hiểu về tài hoa đơn sơ là được gợi cảm hứng và lập tức ra nhạc, như cảnh Trịnh viết Diễm Xưa chỉ sau một lần gặp gỡ nàng thơ. Nhưng tại sao Diễm Xưa lại phảng phất nỗi u buồn và khao khát yêu thương khác biệt như vậy? Nếu chỉ nhớ nhung nam nữ thanh xuân, vì sao lại có câu Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau đầy khắc khoải?
Đó là lúc cần đến các chi tiết cuộc sống cho thấy góc nhìn nhân sinh của Trịnh. Ông đến với âm nhạc như thế nào và âm nhạc có ý nghĩa gì với ông. Các suy nghĩ hiện sinh phảng phất trong nhạc ông đến từ đâu. Ông gặp các trắc trở gì khi viết nên những tác phẩm ấy… Đó là những điều khán giả muốn biết và muốn hiểu. Thế nhưng, Trịnh trong phim hiện lên khi đã là Trịnh, không có lớn lên, không có trưởng thành. Các nhạc phẩm cứ thế tuôn ra như có sẵn, với tần suất dày đặc và vì thế không quý. Quá nhiều trở thành quá ít là vì vậy.
Chỉ có một cảnh duy nhất liên quan đến nghề nghiệp, khá đáng quan tâm, là khi ông nói ” Anh e âm nhạc đã bỏ anh rồi…“. Nhưng sau đó chi tiết này hoàn toàn bị lãng quên. Vậy âm nhạc có thật đã bỏ ông hay không, và nguyên do là vì đâu? Chúng ta không bao giờ biết.
Những chuyện tình hời hợt
Em và Trịnh kể lại các chuyện tình nổi tiếng, trải dài từ những năm 50 đến 90 thế kỉ trước của Trịnh Công Sơn. Khán giả được chứng kiến các nàng thơ đi qua đời ông, mỗi người đều quen thuộc với khán giả theo những cách riêng. Cô gái xinh đẹp Bích Diễm đã thành bất tử qua bài hát Diễm Xưa. Dao Ánh, em gái của Diễm, là mối tình sâu đậm được ghi lại trong hơn 300 bức thư của Trịnh, từng xuất bản với tựa Thư tình gửi một người. Dĩ nhiên, không thể thiếu nữ ca sĩ đã gắn liền tên tuổi với Trịnh Công Sơn không thể tách rời: Khánh Ly. Ngoài ra còn có hai nàng thơ khác ở hai đầu thời gian là Thanh Thúy và Michiko, nhưng mờ nhạt hơn.
Âm nhạc và tình yêu là hai khía cạnh làm nên con người Trịnh Công Sơn. Thất bại trong việc miêu tả tài hoa của Trịnh, Em và Trịnh tiếp tục vấp ngã ở yếu tố lãng mạn. Phim gần như diễn nôm bằng hình ảnh từ các tư liệu mà thiếu vắng những sáng tạo đáng giá, các bước chuẩn bị cần thiết. Ví dụ như cảnh phim Trịnh bước theo Diễm dưới làn mưa Huế, lẽ ra rất lãng mạn nếu biên kịch dành thời gian trước đó để xây dựng bối cảnh và mối quan hệ. Thế nhưng, với biểu cảm quá đà của Avin Lu và cách xử lý không tốt của đạo diễn, cảnh phim này có phần thô thiển. Nhất là khi Dao Ánh xuất hiện và Trịnh liền đưa mắt ngắm nghía, chàng nhạc sĩ trẻ bỗng tạo cảm giác của một kẻ bám đuôi lăng nhăng.
Vấn đề lớn nhất của kịch bản là không đưa ra được một lý do, động lực cho các chuyện tình này. Trịnh chỉ đơn giản là “nhìn và yêu” gần như ngay lập tức. Tất nhiên chuyện tình sét đánh ở vào thời điểm thanh xuân của Trịnh là không hiếm và lạ, nhất là với giới nhạc sĩ thường đa tình. Nhưng để Trịnh có cảm tình với hai người một lúc là không khéo léo. Khi bị Diễm từ chối, Trịnh cũng gần như không buồn bã một giây nào trước khi chuyển qua Dao Ánh. Sự hời hợt trong tình yêu trên phim lại không khớp với những suy tư sâu sắc trong nhạc ông, dẫn đến độ chênh về hình tượng.
Càng về sau, Trịnh càng thụ động trong các mối quan hệ. Ông gần như không có các quyết định và hành động, mà cứ để mặc những người tình đến và đi trong đời. Trên phim, Trịnh không có các đụng chạm trần tục, nhưng cũng thiếu luôn các sẻ chia về tâm hồn. Những lời tự sự trong thư là không đủ làm “nhiên liệu” cho tình yêu. Các mối quan hệ, từ sâu đậm như Dao Ánh đến gần gũi như Khánh Ly, dần trôi tuột đi chẳng lời giải thích. Ở mối tình với Michiko, Trịnh lại hiện lên như một kẻ bội bạc với người đã ở bên an ủi khi ông cần nhất. Chúng ta khó mà cảm thông và yêu mến một con người như thế.
Chiếc hộp vô hình
Từ sự thụ động trong tình yêu, tương tự là mối liên hệ với Trịnh và gia đình. Lẽ ra phải góp phần quan trọng trong việc hình thành con người cá nhân và con người nghệ thuật của nhạc sĩ, gia đình chỉ xuất hiện thoáng qua. Một lần nữa, phim thiếu vắng các cảnh sinh hoạt, tương tác giữa anh chị em, mẹ và con, ở mức độ sâu sắc cần thiết. Vai người mẹ chỉ dùng để lấy nước mắt nhưng không hiệu quả. Khán giả không hề thấy bà “hút thuốc, đánh bài” lần nào trong phim, làm sao họ có thể cảm động?
Suốt bộ phim, có cảm giác như Trịnh Công Sơn luôn ở trong một chiếc hộp vô hình. Ông không chạm vào ai và chẳng ai chạm được vào ông. Những hỉ, nộ, ái, ố thường tình như không hiện diện trong ông. Có lẽ các nhà làm phim muốn miêu tả một chân dung Trịnh cũng phiêu diêu, “ở trọ trần gian” như chính âm nhạc. Dù vậy, đó không phải là chất liệu của điện ảnh. Cách tiếp cận vụng về của Em và Trịnh lại càng khiến chân dung ông càng lúc càng mờ nhạt, cho đến khi gần như trống rỗng trong những chiếc khung bối cảnh và màu sắc lung linh.
Avin Lu là thất bại lớn về mặt diễn xuất và cả khâu chọn vai của phim. Ngay từ trailer anh đã không cho thấy bất kỳ hứa hẹn nào, và thực tế còn tệ hơn. Có những diễn viên chỉ cần xuất hiện trên khung hình và ta phải ồ lên: Nhân vật đây rồi! Avin đã không làm được điều đó. Avin còn không có nổi một cảnh cao trào nào mặc dù xuất hiện nhiều.
Từ một bộ phim có lẽ mang ý tôn vinh, Em và Trịnh lại gây tác dụng ngược về hình ảnh Trịnh Công Sơn. Những người yêu Trịnh không tìm thấy hình ảnh, dù là phảng phất, của vị nhạc sĩ đã gắn bó bao lâu. Còn những ai muốn trả lời câu hỏi Trịnh “là ai, là ai, là ai” một cách sâu sắc và chân thực, có lẽ phải chờ một thời gian nữa. Một bộ phim khác. Giai đoạn khác. Trình độ khác của điện ảnh Việt Nam.
Trịnh Công Sơn và cuộc đời đã tha thứ cho nhau, nhưng có lẽ khán giả yêu nhạc Trịnh sẽ khó tha thứ cho bộ phim này.
Theo Tri Thức Trẻ