Lãi suất thả nổi tại các ngân hàng tăng cao khiến khoản nợ mua xe trả góp của tài xế dịch vụ, công nghệ thêm nặng gánh. Nhiều tài xế phải cắt giảm chi tiêu để có tiền trang trải.
Cuộc đua thu hút tiền gửi tiếp tục nóng lên khi một số ngân hàng bắt đầu nâng lãi suất huy động vượt mốc 10%/năm và tạo mặt bằng mới với kỳ hạn đa dạng. So với hồi đầu năm, lãi suất huy động đã được nới thêm 2-3 điểm %.
Không khó để nhận thấy hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã đẩy lãi suất huy động tiền gửi lên trên 9%/năm trong khi khối quốc doanh cũng dao động trên dưới 8%/năm. Dẫu vậy, xu hướng đi lên của lãi tiền gửi cũng kéo mặt bằng lãi suất cho vay tăng cao.
Với những tài xế mua xe trả góp để chạy dịch vụ như Quốc Tùng (36 tuổi, trú tại Bình Dương), việc khoản nợ ngân hàng ngày một phình to đang khiến cuộc sống gia đình anh xuất hiện nhiều xáo trộn.
Chắt bóp chi tiêu mới có tiền trả nợ
Năm 2016, anh Tùng quyết định đăng ký gói vay 298 triệu đồng tại một ngân hàng với thời hạn 7 năm, thanh toán theo lãi suất trên dư nợ giảm dần. Dù đã bước sang năm thứ 6, tức còn một năm cuối là xong nợ, khoản cần thanh toán cho ngân hàng mỗi tháng vẫn làm anh đau đầu.
“Năm đầu tiên họ ưu đãi, mỗi tháng tôi chỉ trả hơn 5 triệu đồng. Hết năm đầu tính theo lãi suất thả nổi cao ngất, mỗi tháng tăng lên hơn 6 triệu. Nay là năm cuối mà hàng tháng vẫn phải thanh toán cả lãi và gốc khoảng 4,3 triệu đồng. Nói chung rất mệt mỏi”, anh trần tình.
Thu nhập của hai vợ chồng không lại được chi phí sinh hoạt, học hành lo cho 3 đứa con, nay còn gánh thêm khoản nợ ngân hàng gần 5 triệu đồng. Hai năm trở lại đây, anh Tùng cùng gia đình bắt buộc thắt chặt chi tiêu, không dám sắm sửa, nhất là lúc dịch bệnh còn hoành hành.
Nhiều tài xế gặp khó khi thu nhập không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt kèm khoản nợ ngân hàng. Ảnh: Quỳnh Danh.
“Lúc bệnh dịch ngân hàng không giảm lãi suất, sau dịch thời điểm làm ăn trở lại thì lãi suất thậm chí tăng mạnh hơn. Lãi thì vẫn trả đều, có những tháng chúng tôi phải vay mượn chỗ này chỗ nọ để thanh toán cho ngân hàng, thành ra sau dịch lại có thêm một khoản nợ”, anh chia sẻ.
Sát Tết, để có thêm ngân sách mua sắm cuối năm, anh vừa tranh thủ tăng chuyến, vừa tăng giờ làm và cố gắng tìm hợp đồng mới. Dù giá xăng tăng cao, anh vẫn giữ nguyên cước dịch vụ vì sợ mất mối quen.
Đồng cảnh ngộ, Thành Nam (32 tuổi, trú tại Bắc Giang) cũng chật vật đối phó với khoản nợ mua trả góp chiếc xe 7 chỗ hồi giữa năm. Anh là một trong những người may mắn được ngân hàng giải ngân khoản vay trong bối cảnh room tín dụng kín chỗ.
Với gói vay 400 triệu đồng, lãi suất cố định 13,5% và thanh toán trong 5 năm, mỗi tháng tài xế này phải trả ngân hàng hơn 9 triệu đồng.
Mức lãi suất 13,5% nếu so với những ngân hàng khác tôi thấy tương đối bình thường hay thậm chí có phần may mắn, có ngân hàng trước đó đề nghị gói vay với lãi suất tới 14,7%
Thành Nam, tài xế dịch vụ tại Bắc Giang
“Nói chung để vay ngân hàng mua xe thời điểm hiện tại rất khó, nên được họ giải ngân cho là tốt lắm rồi. Với mức lãi suất 13,5% nếu so với những ngân hàng khác tôi thấy tương đối bình thường hay thậm chí có phần may mắn, có ngân hàng trước đó đề nghị gói vay với lãi suất tới 14,7%”, anh Nam cho biết.
Song, với tình hình kinh tế hiện nay đi kèm thực trạng khách ít, xăng đắt, lãi cao khó trả, gia đình anh phải chắt bóp tương đối nhiều. “Ví dụ ngày ăn 60.000 đồng thì giờ tôi ăn 40.000 đồng. Nước uống 2 chai thì giờ làm 2-3 cốc nước chè chứ lấy đâu tiền để mua sắm, tiêu thêm nữa. Nhưng làm nghề dịch vụ thì chấp nhận theo nghề thôi chứ biết làm như nào”, anh phàn nàn.
Vì hạn chế trong gói vay, chiếc xe của không thể chuyển đổi sang biển vàng. Do vậy, anh phải hoạt động chui và cũng không thể đăng ký xe công nghệ dù rất muốn.
Người muốn vào, người muốn thoát
Khoảng 3-4 năm về trước, sự bùng nổ của hình thức gọi xe công nghệ từng dấy lên phong trào mua xe trả góp để chạy ứng dụng. Tuy nhiên, những khó khăn của dịch bệnh lẫn xu hướng chi tiêu của người dùng sau dịch nhanh chóng đưa phong trào này chìm vào quên lãng.
Đâu đó trên những hội nhóm, diễn đàn của tài xế xe công nghệ thi thoảng vẫn xuất hiện những câu hỏi có nên vay ngân hàng mua xe chạy ứng dụng. Nhưng, đa phần hồi đáp của những người từng đã hoặc đang có kinh nghiệm đều cho rằng đây là suy nghĩ “dại dột”.
Trên thực tế, không ít tài xế gặp thiệt hại nghiêm trọng khi vừa được giải ngân gói vay đã phải đối mặt với dịch bệnh. Một số chọn cách thanh lý xe, chuyển giao khoản vay hoặc chấp nhận cắt lỗ, một số khác quyết định trụ lại và tiếp tục bám nghề.
Từng có giai đoạn trong và hậu đại dịch tài xế dịch vụ, công nghệ ồ ạt rao bán xe do không gánh được nợ ngân hàng. Ảnh: Vĩnh Phúc.
Dẫu vậy, dịch vụ xe công nghệ đã có nhiều thay đổi sau dịch. Các loại chi phí, chiết khấu tăng lên trong khi giá cước điều chỉnh không đáng kể, từ đó tác động vào thu nhập của tài xế.
Dù doanh thu có thể dao động 30-35 triệu/tháng nhưng anh Trí Đoàn (33 tuổi, trú tại Hà Nội) cho rằng sau khi trừ các loại chi phí, đặc biệt là xăng xe, chiết khấu cho ứng dụng, nợ ngân hàng, số tiền tài xế thực nhận về tay chỉ đủ ăn.
Tài xế này từ chối tiết lộ gói vay, chỉ chia sẻ mỗi tháng phải đóng ngân hàng gần 10 triệu đồng.
Bảng tham khảo chi phí chạy xe công nghệ của một tài xế.
“Nhiều người cứ nghĩ ngon ăn, kiếm tằng tằng hơn 1 triệu đồng/ngày nhưng lấy đâu ra. Cuốc càng ngày càng ít, ứng dụng báo khu vực cao điểm nhưng ngồi đợi mãi không thấy nổ cuốc hoặc nổ cuốc cước thấp. Cuối cùng ảnh hưởng cả doanh thu, cả mức thưởng hàng ngày. Xăng với chiết khẩu thì vẫn cao như thế”, anh Đoàn bức xúc.
Trên diễn đàn tài xế xe công nghệ, một tài khoản đã liệt kê danh sách dài chi phí của lái xe nếu chạy ứng dụng. Theo đó, nếu doanh thu đạt 30 triệu đồng, tài xế phải trả cho hãng gần 10 triệu đồng (gồm thuế, phí sử dụng ứng dụng và chiết khấu) và 8,4 triệu đồng cho nhiên liệu.
Như vậy, tài xế thu về tay khoảng 11,7 triệu đồng, tức chỉ bằng 40% doanh thu ròng. Đó là chưa kể những chi phí phát sinh thường xuyên khác như cước điện thoại, gửi xe, bảo dưỡng xe, rửa xe, sửa chữa, khấu hao hay chi phí khác như bảo hiểm thân vỏ, bảo hiểm đường bộ, kiểm định…
Do đó, ngoài nguồn tiền từ các ứng dụng, tài xế đều nỗ lực chạy ngoài, cho thuê xe tự lái hay có lái, cho thuê dán quảng cáo nếu muốn có thêm thu nhập.
Theo Zing