Cơ quan chức năng đã chỉ ra một số đặc điểm nhận dạng tiền giả để người dân nắm, đồng thời khuyến cáo cần kiểm tra đồng tiền khi giao dịch.
Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện một số loại tiền giả mệnh giá 500.000 đồng và 200.000 đồng. Để giúp người dân nhận biết, cơ quan chức năng mới đây đã thông tin một số đặc điểm nhận dạng tiền giả.
Cụ thể, tiền giả polymer mệnh giá 500.000 đồng (seri UF, DQ); 200.000 đồng (seri QH, KD) có hình ảnh, hoa văn không sắc nét; hình định vị không khớp khít; mực đổi màu (OVI) được in giả cùng hình ảnh hoa văn mặt trước, không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật; mảng ký tự siêu nhỏ là dải mực nhòe; cửa sổ lớn, cửa sổ nhỏ có định dạng không rõ ràng, không cân đối.
Các cửa sổ được làm giả bằng cách khoét thủng nền giấy, dán nylon khu vực cửa sổ, phủ lớp nylon mỏng trên toàn bộ hai mặt tờ tiền hoặc chỉ phủ lớp nylon mỏng ở mặt trước tờ tiền. Khi soi dưới đèn cực tím khu vực cửa sổ phát quang, seri dọc và seri ngang không phát quang.
Theo cơ quan công an, loại tiền này chưa làm giả được các yếu tố bảo an, như nét in nổi, hình bóng chìm, dây bảo hiểm, cụm số mệnh giá dập nổi trong cửa sổ lớn, hình ẩn trong cửa sổ nhỏ và mực không màu phát quang. Người dân khi phát hiện tiền giả, đối tượng sử dụng, tiêu thụ, vận chuyển tiền giả cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Đặc điểm bảo an của giấy bạc 500.000 đồng. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước
Dưới đây là một số cách kiểm tra nhanh bằng tay hoặc mắt thường để phân biệt tiền thật, tiền giả:
1. Kiểm tra chất liệu polymer in tiền
Đồng tiền thật được in trên chất liệu polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao. Vì vậy, có thể kiểm tra độ đàn hồi bằng cách nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và khi mở ra, tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; kiểm tra độ bền bằng cách kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền (lưu ý không kéo, xé đồng tiền ở vị trí đã bị rách) sẽ khó rách, khó bai giãn.
Tiền giả chủ yếu được in trên nylon nên không có độ đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật, khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra, sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; khi kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền sẽ dễ bị bai giãn hoặc rách.
2. Soi tờ tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm và hình định vị
Khi soi tờ tiền trước nguồn sáng sẽ giúp nhận biết và kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm và hình định vị.
+ Hình bóng chìm (bên trái mặt trước hoặc bên phải mặt sau tờ tiền): Nhìn thấy rõ từ hai mặt tờ tiền, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo và sáng trắng. Đối với mệnh giá từ 20.000đ đến 500.000đ là hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; mệnh giá 10.000đ là hình ảnh chùa Một Cột.
+ Hình định vị (10.000đ, 20.000đ: phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau tờ tiền; 50.000đ-500.000đ: Phía trên bên phải mặt trước hoặc phía trên bên trái mặt sau tờ tiền): nhìn thấy hình ảnh trên hai mặt khớp khít, tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau.
+ Dây bảo hiểm: Nhìn thấy rõ từ hai mặt, chạy dọc tờ tiền, có cụm số mệnh giá và chữ “NHNNVN” (hoặc “VND” – mệnh giá 10.000đ) sáng trắng. ví dụ, ở tờ tiền mệnh giá 50.000đ, dây bảo hiểm ngắt quãng, có cụm số “50000”.
Ở tiền giả, hình bóng chìm chỉ là hình ảnh mô phỏng, không tinh xảo; các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, không sắc nét; hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.
Đặc điểm bảo an của giấy bạc 200.000 đồng. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước
3. Vuốt nhẹ mặt trước tờ tiền, kiểm tra các yếu tố in nổi
Tại các vị trí có yếu tố in nổi, sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in, như: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc huy, mệnh giá bằng số và bằng chữ, dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”.
Ở tiền giả, chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay do vết dập trên nền giấy mà không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.
4. Chao nghiêng tờ tiền, kiểm tra mực đổi màu (OVI), dải iriodin
+ Mực đổi màu chỉ có ở ba mệnh giá 500.000đ, 200.000đ và 100.000đ (500.000đ, 200.000đ: phía dưới, bên trái; 100.000đ: phía trên bên phải mặt trước tờ tiền). Khi chao nghiêng tờ tiền và quan sát, bạn sẽ thấy mực đổi màu chuyển từ màu vàng sang màu xanh lá cây hoặc ngược lại.
+ Dải iriodin chỉ có ở các mệnh giá 500.000đ, 200.00đ, 100.000đ, 20.000đ và 10.000đ, là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền và đặt tại mặt sau tờ tiền; riêng mệnh giá 100.000đ đặt tại mặt trước tờ tiền. Khi chao nghiêng tờ tiền, bạn sẽ thấy dải iriodin lấp lánh ánh kim, trên dải có số mệnh giá hoặc hoa văn.
Ở tiền giả, có làm giả yếu tố mực đổi màu (OVI) nhưng không đổi màu, hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật, không có dải iriodin hoặc có in giả nhưng không lấp lánh như ở tiền thật.
5. Kiểm tra yếu tố hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ
Cửa sổ nhỏ chỉ có ở bốn mệnh giá 500.000đ, 200.000đ, 100.000đ và 50.000đ, là chi tiết nền nhựa trong suốt và đặt tại phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau tờ tiền. Khi đưa cửa sổ nhỏ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng phù hợp (có thể là ngọn lửa, bóng đèn sợi đốt, đèn đường, đèn flash điện thoại) sẽ nhìn thấy hình ảnh hiện lên xung quanh nguồn sáng.
Đối với những tờ tiền cũ, cửa sổ nhỏ thường có nhiều vết xước nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của hình ảnh. Ở tiền giả, trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn.
Đặc điểm bảo an của giấy bạc 100.000 đồng. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước
6. Dùng kính lúp, đèn cực tím để kiểm tra chữ in siêu nhỏ
Khi sử dụng kính lúp, đèn cực tím để kiểm tra chữ siêu nhỏ và phát quang thì mảng chữ in siêu nhỏ được tạo bởi các dòng chữ “NHNNVN” hoặc “VN” hoặc số có mệnh giá lặp đi lặp lại, nhìn thấy rõ dưới kính lúp.
Mực không màu phát quang: Là cụm số mệnh giá in bằng mực không màu, chỉ nhìn thấy (phát quang) khi soi dưới đèn cực tím.
Số sêri phát quang: Số sêri dọc màu đỏ phát quang màu vàng cam và số sêri ngang màu đen phát quang màu xanh lơ khi soi dưới đèn cực tím.
Ở tiền giả, không có mảng chữ siêu nhỏ hoặc các dòng chữ, số không sắc nét, rất khó đọc. Không có mực không màu phát quang hoặc có làm giả nhưng phát quang yếu. Số sêri không phát quang hoặc phát quang không giống như ở tiền thật.
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2013 của Ngân hàng Nhà nước, tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc, phát hành.
Ngân hàng Nhà nước thông tin tại các phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại cũng đều có hướng dẫn cách phân biệt tiền thật, tiền giả. Để tránh rủi ro do nhận phải tiền giả, người dân cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của đồng tiền và có thói quen kiểm tra đồng tiền khi giao dịch.
Theo Pháp Luật