Từ Bố Già tới Nhà Bà Nữ, Trấn Thành liên tục khai thác câu chuyện với nhân vật chính là người lao động nghèo và đây là lý do.
Nhà Bà Nữ từ khi công chiếu đã liên tục đứng trước những làn sóng khen chê trái chiều. Người cho rằng phim hài hước, nhân văn, người lại mệt mỏi với những drama quá nặng nề trong phim. Cũng có một số ý kiến lại cho rằng, Nhà Bà Nữ là một phiên bản khác của Bố Già, vẫn là câu chuyện về những mâu thuẫn, cãi vã trong gia đình nhiều thế hệ của những người lao động bình dân với cuộc sống không quá khá giả.
(Ảnh: FBNV)
Liên tiếp từ Bố Già đến Nhà Bà Nữ rồi cả web drama Hẻm Cụt, Trấn Thành ít nhiều phải đối diện với những bình luận cho rằng anh đang lạm dụng câu chuyện của người nghèo để câu kéo khán giả, lấy nước mắt người xem. Trước những ý kiến này, Trấn Thành đã có những phản hồi tại một buổi quảng bá phim:
“Có nhiều người nói rằng Trấn Thành bám vào câu chuyện của những người nghèo để thu hút số đông. Không phải đâu. Bản thân Trấn Thành xuất thân từ người nghèo, không hề sinh ra đã giàu có. Ngày xưa nhà tôi từng là một cái cống, rồi ba mẹ làm ăn lên nhưng cũng không khá giả lắm, tôi sống trong rất nhiều sự thiếu thốn để rồi tôi lớn lên, phấn đấu và có ngày hôm nay.
Trong suốt quá trình đó tôi phải cám ơn cuộc đời vì cho tôi sinh ra là một người không giàu sẵn nên tôi chứng kiến được nhiều thứ trong cuộc đời hơn. Tôi muốn nói một tiếng lòng nào đó cho nhóm người đó (ý chỉ người lao động nghèo), khi họ không thực sự chia sẻ được với ai.”
Trấn Thành tại một buổi quảng bá Nhà Bà Nữ (Ảnh: FBNV)
Có thể thấy với Trấn Thành, chính quá khứ khó khăn đã trở thành nguồn cảm hứng giúp anh sáng tạo và làm nghệ thuật. Cách đây không lâu, anh cũng đăng tải bức hình ngày ấy – bây giờ của mình và em gái Uyển Ân cùng dòng trạng thái “Tuổi thơ khó khăn, với tôi, là 1 di sản!”.
Ảnh chụp màn hình
Hiện tại, sau 11 ngày công chiếu, Nhà Bà Nữ đã thu về 300 tỷ doanh thu phòng vé, phá kỷ lục của Bố Già. Với cái đà này, con số 400 tỷ có lẽ chỉ là một sớm một chiều.
Ảnh: FBNV
Theo Thể Thao Văn Hóa