Sự chậm chạp xử lý thông tin giả bắt nguồn từ sự mâu thuẫn trong các quy định quảng cáo, định nghĩa về “tin tức” và “ý kiến cá nhân” trong chính sách cộng đồng của Facebook.
Theo Gizmodo, kỹ sư máy tính Facebook David Gillis xác nhận mạng xã hội lớn nhất hành tinh vừa cập nhật tính năng mới để hạn chế tình trạng lan truyền tin giả về đại dịch Covid-19. Cụ thể, Facebook sẽ hiển thị thông báo về nguồn tin ban đầu ở tất cả bài đăng có nội dung liên quan tới Covid-19.
Ngoài ra, những bài đăng về Covid-19 sẽ được gợi ý tới những trang thông tin chính thống đã được xác minh bởi Facebook. Đây là “thay đổi để đảm bảo mọi người có quyền truy cập vào nguồn tin tức uy tín từ các cơ quan y tế”.
Tuy nhiên, nỗ lực của mạng xã hội với hơn 2,7 tỷ người dùng hàng tháng được đánh giá là “quá chậm chạp”, khi đại dịch Covid-19 đã bắt đầu từ Trung Quốc từ cuối năm 2019 và Mỹ có trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên từ ngày 20/1.
Trong khi đó, mạng xã hội Twitter đã thẳng tay xóa tin tức giả về cách chữa Covid-19 từ tháng 3, đồng thời gắn nhãn “tin giả” ở tất cả những bài đăng từ nguồn không chính thống từ tháng 5.
Facebook cập nhật tính năng hiển thị “nguồn tin tức đầu tiên” của bài đăng có nội dung liên quan tới Covid-19.
Theo The Guardian, một trong những điểm khác biệt nhất của đại dịch Covid-19 với những tình huống khẩn cấp toàn cầu khác, là sự thiếu thông tin xác thực trong thời đại bùng nổ của Internet và mạng xã hội.
“Khủng hoảng tin giả” là khái niệm là tình huống lan truyền những tin tức không chính xác khi có tình huống khủng hoảng, đặc biệt là qua mạng xã hội. Hiện tượng này tạo ra sự lo lắng, và càng lo lắng thì người dùng càng tìm kiếm những thông tin để giải quyết vấn đề, vô tình làm những tin giả được nhiều tương tác và lan truyền nhanh hơn.
Tháng 6, Facebook cập nhật tính năng hiển thị thời gian tồn tại của nguồn tin tức được chia sẻ về Covid-19. Điều này nhằm hạn chế sự lan truyền những thông tin cũ, đã không còn chính xác về đại dịch.
Tuy nhiên, cập nhật này được đánh giá là “không có quá nhiều tác dụng”, vì một số người dùng tỏ ra bối rối về ngày “bài báo được đăng” với “ngày đầu tiên được chia sẻ trên mạng xã hội”.
Mạng xã hội Facebook còn gặp vấn đề về định nghĩa “chia sẻ tin tức”, “chia sẻ ý kiến cá nhân” và các quy định về quảng cáo xung quanh. Trong đó, nếu một người dùng hoặc một fanpage trả tiền để quảng cáo cho một nội dung (có thể là tin giả), Facebook sẽ để cho tin tức đó tồn tại và hiển thị bình thường.
Gần đây, Facebook bị chỉ trích vì cố tình “làm lơ” với những nội dung không xác thực và kích động bạo lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump. CEO Facebook Mark Zuckerberg cho biết không xóa bài đăng của ông Trump vì đây là “một nội dung chia sẻ ý kiến cá nhân” và Facebook không có quyền được đánh giá quan điểm của bất kỳ người dùng nào.
Theo Zing