Internet kể từ khi xuất hiện, đã thay đổi cuộc sống con người theo hướng tích cực hơn; nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những mặt tối mà nó mang đến, đặc biệt là với trẻ em.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Tại Hội thảo “Trẻ em trong thế giới số – Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội” được tổ chức mới đây, đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05 – Bộ Công an) cho hay 116 trong số 135 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng do công an xử lý trong quý I/2023 liên quan tới lạm dụng tình dục như dụ dỗ quan hệ, trình diễn khiêu dâm.
Ngoài số bị lạm dụng tình dục, có 13 vụ đăng tải thông tin trẻ bị bạo lực học đường, làm nhục trên mạng; 4 vụ phát tán văn hóa phẩm độc hại cho trẻ em; 2 vụ thông qua mạng xã hội dụ dỗ trẻ bỏ nhà đi, tham gia tệ nạn. Khoảng 10.000 trang mạng có nội dung độc hại đã bị cơ quan công an ngăn chặn.
Theo đại diện A05, các vụ được phát hiện chỉ là phần nhỏ mà đã phản ánh tình trạng trẻ em đang đối mặt nhiều nguy cơ trên mạng internet như bị thu thập thông tin cá nhân vào mục đích phạm tội, nạn nhân của buôn người hay của các loại tội phạm công nghệ cao, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen” qua mạng.
Tiếp cận môi trường mạng sớm khiến trẻ đối mặt nguy cơ thường trực bị xâm hại, xâm phạm. Số liệu khảo sát năm 2022 của Google cho rằng trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại từ 9 tuổi và đang có xu hướng giảm xuống 7 tuổi, sớm hơn thế giới 4 – 6 năm. Trong khi đó, phải từ 13 tuổi, trẻ em Việt Nam mới được tiếp cận kỹ năng an toàn trên không gian mạng.
Ngoài bị xâm hại, lạm dụng trên môi trường số, trẻ em cũng đối mặt nguy cơ bị bắt nạt trên mạng ngày càng gia tăng. Báo cáo của UNICEF tại Việt Nam cho rằng cứ 5 thanh, thiếu niên Việt Nam, thì có 1 em bị bắt nạt trên mạng, và phần lớn không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu. “Tình trạng bắt nạt lẫn sử dụng quá mức mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe lẫn tinh thần, tạo nên những rủi ro, thậm chí tự tử ở trẻ em”, đại diện UNICEF tại Việt Nam nói và cảnh báo người lớn cần sớm nhận biết những rủi ro này để tạo cơ chế bảo vệ trẻ em, đặc biệt cần có ứng phó ở cấp quốc gia.
Ở tầm vĩ mô, cần rà soát quy định, nhất là pháp luật hình sự bởi thực tế phát sinh nhiều hành vi bạo lực, xâm hại chưa được ghi nhận trong luật. Hệ thống ứng phó cũng cần sự vào cuộc của DN công nghệ tư nhân để lọc, chặn, xóa hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ em bị rò rỉ liên quan đến xâm hại, bóc lột; phát triển các sản phẩm trực tuyến mang tính giáo dục trẻ em. Nhưng quan trọng không kém là sự quan tâm, cứng rắn của chính gia đình và phụ huynh. Đừng để trẻ lạm dụng internet, không chỉ có nguy cơ gặp tội phạm mạng, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, sự phát triển trong tương lai của chính mỗi đứa trẻ.
Theo Pháp Luật VN