Đại diện nhà sản xuất (NSX) phim ‘Bác sĩ hạnh phúc’ bức xúc khi bộ phim bị chiếu trên các trang website lậu.
NSX “Bác sĩ hạnh phúc” bức xúc khi phim bị chiếu lậu
Chia sẻ với Báo Giao thông, đại diện nhà sản xuất (NSX) phim “Doctor Lof” (Bác sĩ hạnh phúc) không giấu được bức xúc khi bộ phim bị chiếu trên các trang website lậu.
Dàn diễn viên phim phim “Bác sĩ hạnh phúc”
Được biết, phim được chiếu một lần hết 20 tập trên nền tảng Netflix. Tuy nhiên, ở hai nền tảng trực tuyến không trả phí là Danet và kênh YouTube, phim chỉ phát 2 tập một tuần (vào 19h ngày thứ 6 và thứ 7).
Nhưng với việc các trang phim lậu tùy tiện lấy phim và chiếu đã tạo nên một môi trường thiếu lành mạnh gây tổn hại cả vật chất lẫn tinh thần cho những người liên quan đến bộ phim.
“Đây là bộ phim đã nổi tiếng tại nhiều nơi trên thế giới, vì vậy việc để mua lại bản quyền của dự án phim lên đến con số không hề nhỏ, phải mất cả hàng tỷ đồng phía chúng tôi mới đàm phán mua được.
Chưa dừng lại ở đó, chi phí sản xuất bộ phim còn cao hơn nhiều so với các phim khác do đây là phim về ngành Y nên phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị và sản xuất. Bên cạnh đó, việc này cũng gây hệ lụy, làm ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín của các nền tảng trực tuyến uy tín hiện nay…
Cũng thông qua đây, phía BHD cùng các nhà làm phim, diễn viên cũng đã lên tiếng kêu gọi lên án việc phát tán phim lậu. Chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp điều tra, xử lý các trang web phát tán phim”, đại diện NXS phim “Bác sĩ hạnh phúc” cho hay.
“Good Doctor” là một bộ phim ăn khách bậc nhất và được nhiều đài truyền hình trên thế giới mua bản quyền sản xuất lại như: Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Trong đó tại Mỹ, series đã thực hiện đến tận mùa thứ 6 nhờ sự ủng hộ và đón nhận nhiệt liệt của khán giả.
Phim được BHD mua bản quyền, và được công chiếu trên nền tảng Netflix, Danet và kênh Film Box vào ngày 18/5.
Phim là câu chuyện về hành trình vượt qua những nghi ngờ, định kiến từ xã hội để có thể trở thành bác sĩ của một chàng trai trẻ mắc bệnh tự kỷ Phạm Hoàng Nam.
Phim quy tụ nhiều gương mặt quen thuộc với khán giả như nam diễn viên gạo cội Tùng Yuki, hai gương mặt trẻ Trần Phong và Khả Ngân, các diễn viên Trương Mỹ Nhân, Lâm Thanh Nhã, nghệ sĩ Hương Giang, Khôi Trần, Ngọc Tưởng, Huy Cường, Khương Lê, Bảo Kun, La Thành, Mlee, Chí Tâm, Việt Phương Thoa hay Viên Vibi…
Nan giải vấn nạn phim chiếu lậu
Đây không phải lần đầu tiên NSX, nhà phát hành tại Việt Nam bức xúc về tình trạng website lậu “lộng hành”.
Trong quá khứ, các phim như: “Bố già”, “Gái ngàn đô”, “Sugar Daddy & Sugar Baby”, “Chị mẹ học yêu”, “Bông hồng lửa”… cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Phim “Bố già” và nhiều phim Việt bị sao chép, chiếu lậu tràn lan
Năm 2021, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) – Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” liên quan đến website: www.phimmoi.net, xảy ra tại TP.HCM.
Quá trình điều tra, PC03 xác định, từ năm 2014, Nguyễn Tuấn Tú (ngụ tỉnh Lâm Đồng), có kế hoạch xây dựng phát triển website chiếu phim trực tuyến miễn phí trên mạng internet.
Thời điểm đó, Cục Điện ảnh thống kê, có hơn 400 website phim tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục nghìn bộ phim trên internet trong khi các tác phẩm chưa được chủ các website này mua bản quyền.
Từ cuối tháng 6/2020, đã có hàng chục website chuyên chiếu phim lậu đã bị chặn tên miền tại Việt Nam như: phimmoi, dongphim, HDonline, Phimbathu…
Động thái này cho thấy, các cơ quan quản lý và nhà mạng đã bắt đầu xử lý đến nhưng cái tên dù là nhỏ nhất trên thị trường, với quyết tâm xóa các trang web phim lậu, vi phạm bản quyền nội dung chương trình truyền hình. Tuy nhiên, việc xử lý triệt để các web xem phim lậu không hề đơn giản.
Thực tế, cứ mỗi một trang web phim lậu “chết” đi, sẽ ngay lập tức xuất hiện một website khác thay thế với một lớp vỏ (tên miền) khác. Chẳng hạn, sau khi bị chặn một ngày, website phim lậu Vkool đã hoạt động trở lại dưới tên miền mới, bằng cách thay đuôi “.net” thành “.tv”.
Theo giới chuyên môn, nếu thực hiện ngăn chặn bằng biện pháp kỹ thuật ở các server trong nước, đối tượng vi phạm bản quyền có thể chuyển server ra nước ngoài. Ngoài ra, họ có thể thuê các dịch vụ lưu trữ đám mây không giới hạn của Facebook, Google, Fshare, Openload… với giá rất rẻ để lưu trữ phim. Đơn cử, phimmoi từng đổi sang dùng server của Facebook khi Google có những biện pháp ngăn chặn phim không bản quyền trên nền tảng của mình.
Để dứt điểm tình trạng phim lậu tràn lan, bên cạnh sự sát sao của cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ mạng và giới truyền thông, điều quan trọng nhất vẫn ở thói quen của người dùng. Khi nào vẫn còn nhiều người muốn xem phim lậu thì chừng đó website phim lậu vẫn còn tồn tại bằng nhiều “thủ đoạn” khác nhau.
Theo Báo Giao Thông