Hấp dẫn, năng động nhưng cũng đầy nguy hiểm cùng vô số góc khuất, câu chuyện hậu trường thú vị là những điều thường hình dung khi nghĩ về nghề báo. Chính vì thế, nghề báo cũng được coi là ‘mảnh đất màu mỡ’ để các nhà làm phim khai thác. Tuy nhiên, thực tế số lượng phim về nghề báo, có nhân vật là nhà báo vẫn vô cùng khiêm tốn
Trong khi đời sống phim truyền hình khá sôi động với một loạt bộ phim gây được sự chú ý của công chúng, phản ánh đa dạng đề tài từ chính luận, hình sự đến tuổi trẻ tình yêu, hôn nhân gia đình… thì thực tế, có một mảng đề tài đang khá trống vắng hiện nay đó là phim về nghề báo. Trong khi, là một công việc đặc thù, nghề báo lâu nay được mặc định là có nhiều khía cạnh có thể khai thác để đưa lên màn ảnh.
Trước đó, đã từng có thời gian, nghề báo được khá nhiều đạo diễn chọn làm đề tài khai thác trong các tác phẩm của mình. Trong số đó, một số bộ phim đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. Nhân vật nhà báo trong những bộ phim này cũng đã được khắc họa khá chân thực, mang đến những hình dung cơ bản cho khán giả về nghề nghiệp đặc biệt này. Nội dung phim không chỉ miêu tả cuộc đấu tranh giữa nhà báo với cái xấu hay các vấn nạn xã hội như tham nhũng, tiêu cực, mà còn là cuộc chiến đấu trong mỗi cá nhân để bảo vệ sự trong sáng của lương tâm, ngòi bút. Ở đó, người xem thấy tinh thần dũng cảm của mỗi nhà báo, dám đương đầu với các thế lực để bảo vệ sự thật, lẽ phải được đề cao.
“Nguyệt thực” là bộ phim gần đây khai thác về nghề báo.
Một trong số các bộ phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam có tuyến nhân vật trung tâm là nhà báo phải nhắc tới “Nghề báo” (đạo diễn Phi Tiến Sơn), phát sóng năm 2006 với sự góp mặt của nhiều diễn viên nổi tiếng như Hồng Ánh, Hoàng Phúc… Bộ phim khai thác công việc của những nhà báo chuyên điều tra những vụ việc nhạy cảm, phức tạp. Phim đồng thời cũng tái hiện cuộc sống và chỉ ra những nguy hiểm mà các nhà báo có thể gặp phải trong quá trình tác nghiệp. Ngay sau đó, phim “Phóng viên thử việc” (đạo diễn Quốc Trọng) ra đời lại tập trung phản ánh những khó khăn, vất vả để khẳng định mình của các phóng viên trẻ mới vào nghề. Đạo diễn Vũ Hồng Sơn cũng góp mặt vào dòng phim này bằng bộ phim mang tên “Tin vào điều không thể”.
Sau này, dòng phim về nghề báo còn ghi dấu những bộ phim như “Đèn vàng” (đạo diễn Mai Hồng Phong), “Đàn trời” (đạo diễn Bùi Huy Thuần), “Mặt nạ da người” (đạo diễn Mai Hồng Phong)… Gần đây nhất “Gái già xì teen”, “Những nhân viên gương mẫu”, “Nguyệt thực” được ghi dấu là những bộ phim khai thác đề tài nghề báo. Trong đó, “Nguyệt thực” thu hút sự quan tâm của khán giả khi có sự góp mặt của dàn diễn viên trẻ đẹp tài năng như Lan Ngọc, Minh Luân, Tường Vy, Đức Thịnh… Trong đó, câu chuyện mà phim đề cập đến là công việc của nhóm phóng viên Báo Hiện đại và giới showbiz cùng những vấn đề xã hội nóng bỏng.
“Nguyệt thực” cũng đã khai thác mâu thuẫn trong nội tại đời sống báo chí hiện nay đó là mâu thuẫn giữa quan điểm làm báo truyền thống, nghiêm ngắn, trung thực với xu hướng làm báo câu khách bằng mọi giá… Có lẽ, phim được chắp bút viết kịch bản bởi nhà báo Chu Thu Hằng, nguyên Tổng biên tập Báo Văn hóa nên các vấn đề được đề cập trong phim thực tế, sát với đời sống báo chí như: khó khăn của nghề báo để thích ứng với nhu cầu bạn đọc hiện đại, bài toán kinh tế để duy trì và phát triển tờ báo… Ngoài ra, cũng phải kể tới một số bộ phim có những nhân vật làm nghề báo được miêu tả đậm nét như “Chiếc mặt nạ da người”, “Chủ tịch tỉnh”, “Cuồng phong”, “Khi đàn chim trở về”…
Sự hấp dẫn của đề tài nghề báo đã thu hút các nhà làm phim trên thế giới và được chứng minh bằng những bộ phim kinh điển. Kịch tính, hấp dẫn và đầy nhân văn là những điều người xem cảm nhận ở những bộ phim này. Trong số đó phải kể tới những bộ phim như “The paper” (Tòa báo), “Spotlight” (Tiêu điểm), “All the Presidents men” (Đoàn tùy tùng của Tổng thống), “Nightcrawler” (Kẻ săn tin đen), The Post, The Paperboy… Những bộ phim này đều nằm trong số những tác phẩm điện ảnh ăn khách trên thế giới. Không chỉ mang đến câu chuyện phim hấp dẫn, gay cấn mà còn thông qua đó xây dựng hình ảnh phóng viên, cơ quan báo chí thực sự chân thực, sinh động.
Một cảnh trong phim “Kẻ săn tin”.
Có thể nói, là một trong 10 nghề nguy hiểm nhất thế giới, nghề báo được coi là “mảnh đất màu mỡ” với lĩnh vực phim ảnh bởi đặc thù nghề nghiệp và chứa đựng không ít những chuyện hậu trường hấp dẫn. Đặc biệt, thời gian gần đây, nghề báo phát triển không ngừng với nhiều xu hướng đa dạng, thích ứng với nhu cầu thông tin trong cuộc sống hiện đại. Nhưng phim về nghề báo lẫn phim có nhân vật là nhà báo chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ trong “vũ trụ” phim truyền hình được sản xuất liên tục thời gian vừa qua. Tình trạng vắng bóng những bộ phim về nghề báo thời gian gần đây đã cho thấy đây là đề tài hấp dẫn nhưng không dễ khai thác. Hầu hết các đạo diễn khi chia sẻ cảm nhận về đề tài nghề báo đều cho rằng làm phim về lĩnh vực này không hề đơn giản.
“Có nhiều cảnh thể hiện tác nghiệp của phóng viên trên kịch bản rất hấp dẫn, khắc họa rõ nét hơn về nghề nhưng lại rất khó thể hiện trên hình ảnh” – đạo diễn Mai Hồng Phong chia sẻ. Chính vì thế, đa phần các bộ phim mới chỉ khai thác, phản ánh được bề mặt của công việc, cũng là những điều mọi người đều có thể hình dung về nghề này. Đồng nghĩa làm nổi bật lên được những phẩm chất của nhà báo như xông xáo, dũng cảm, dám bày tỏ và có ý thức trong việc đấu tranh với cái xấu, cái ác để bảo vệ lẽ phải.
Thiếu kịch bản hay, chân thực và sâu sắc về nghề báo là điều mà các nhà làm phim đều nhất trí. Nhiều đạo diễn bày tỏ họ rất muốn làm phim về nghề nghiệp đặc biệt này nhưng tìm kịch bản hay khó như “mò kim đáy bể”. Trong số các bộ phim về nghề báo, ngoài số ít bộ phim được viết bởi các nhà báo Chu Thu Hằng, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, còn lại hầu hết vẫn là của những người ngành ngoài. Có lẽ vì thế mà đa số các bộ phim mới chỉ chạm tới bề nổi của công việc làm báo, hoặc mượn câu chuyện nghề báo để dẫn dắt người xem tới những vấn đề khác như tình yêu, hôn nhân hay lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ. Trong khi, sự tác nghiệp của nghề báo là một công việc đặc thù yêu cầu biên kịch phải có sự am hiểu sâu rộng về nghiệp vụ báo chí, vấn đề xã hội.
Nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng, so với các đề tài khác thì nghề báo luôn là một thách thức với những người cầm bút. Nếu không có những trải nghiệm đủ nhiều và sâu sắc về nghề thì khó có thể có được một kịch bản phim thuyết phục được nhà báo ngồi trước màn hình. Có lẽ vì thế mà các tác giả ngại viết những vấn đề không thực sự am hiểu kỹ hay là thế mạnh của mình.
Bên cạnh đó, việc xây dựng nhân vật nhà báo từ ngoại hình đến tính cách vẫn luôn là một thách thức với những người làm phim. Một trong những lý do khiến nhà báo trên phim thường nhận được lời chê hơn là khen chính vì sự lặp lại, quen thuộc. Sẽ rất nhàm chán nếu phim nào cũng xây dựng hình ảnh nhà báo là phải mặc áo gile nhiều túi, cổ đeo máy ảnh, tay lăm lăm máy ghi âm, vẻ mặt hình sự khi phỏng vấn… Thay vì tập trung vào xây dựng ngoại hình của nhà báo vẫn rất ít phim khắc họa được nhân vật mang thần thái “nhà báo” nhất. Để những nhân vật ấy khác một nhân viên văn phòng, một công chức nhà nước hay giám đốc doanh nghiệp.
Nhiều nghệ sĩ cũng cho rằng, đảm nhiệm vai nhà báo vẫn luôn là một thách thức với họ. Không chỉ ở ngoại hình, cử chỉ, đảm bảo những câu thoại đậm chất chuyên môn mà phải cho khán giả cảm nhận trọn vẹn đó là nhà báo với những tâm tư, suy tư, trăn trở của người làm nghề. Trong số các nghệ sĩ đảm nhiệm vai nhà báo ghi dấu ấn trong lòng khán giả có thể kể tới vai Thúy Bình của nghệ sĩ Hồng Ánh (phim “Nghề báo”), vai Hoàng Ngân của Thanh Hương (phim: “Sinh tử”), vai Vinh của NSƯT Phạm Cường (phim “Đèn vàng”)…
Việc thiếu vắng những bộ phim về nghề báo là một sự đáng tiếc để bức tranh phim truyền hình thêm đa dạng, phong phú, còn là sự thiệt thòi cho khán giả, mất đi cơ hội được tìm hiểu, khám phá một ngành nghề thú vị… Hơn bao giờ hết, những người làm báo vẫn mong muốn được xem những bộ phim Việt được làm về công việc của mình. Đó không chỉ là những thước phim phản ánh chân thực sự vất vả, lăn lộn cùng với những hiểm nguy rình rập, khai thác sâu sắc những vấn đề của nghề mà còn khắc họa đội ngũ những người làm báo một cách gần gũi và đa diện hơn.
Theo CAND