Khán giả có nhiều tranh cãi về tạo hình bác Ba Phi của Trấn Thành trong phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” chuẩn bị ra mắt.
Bác Ba Phi… không giống với tưởng tượng
Phim điện ảnh Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Trong đó, vai Ba Phi (Trấn Thành đóng) đặc biệt gây chú ý.
Bác Ba Phi là một trong những người che chở An (Hạo Khang) trên hành trình tìm cha giữa thời loạn lạc. Nhân vật thường kể những câu chuyện phóng đại, tạo tiếng cười cho mọi người.
Vai diễn này từng in đậm dấu ấn nghệ sĩ Mạc Can ở bản truyền hình năm 1997. Khi tạo hình bác Ba Phi của Trấn Thành trong phim điện ảnh được công bố, nhiều tranh cãi đã nổ ra.
Vai bác Ba Phi phiên bản Trấn Thành và Mạc Can (Ảnh: Chụp màn hình).
Hôm 2/10, loạt ảnh Ba Phi tiếp tục được đoàn phim công bố. Trong ảnh, nhân vật tay cầm chén rượu, diễn tả biểu cảm hóm hỉnh khi nói chuyện phiếm cùng người dân khu chợ nổi. Đảm nhận nhân vật, Trấn Thành mặc áo bà ba, quấn khăn rằn, để tóc búi, râu dài qua cằm.
Tuy nhiên, tạo hình bác Ba Phi của nam diễn viên bị nhiều người chê vì phần hóa trang, tạo hình được cho “thiếu chân thật”. Một số ý kiến: “Từ bộ râu đến mái tóc đều… giả trân”, “Chiếc khăn rằn có chất vải mới tinh tươm, không phù hợp với hình ảnh người nông dân lam lũ”…
Nhiều khán giả còn nhận xét diễn viên Bố già không hợp vai vì t.uổi còn quá trẻ so với nhân vật. Ở tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, Ba Phi được mô tả là “nông dân t.uổi trung niên, dáng tầm thước không mập, không ốm”.
Song, tạo hình Ba Phi do Trấn Thành đảm nhận lại có làn da căng bóng, đôi mắt lanh lợi. Ngoài đời thực, nam diễn viên đang ở t.uổi 36. Việc đóng vai một ông già Nam bộ cùng việc hóa trang kém chân thật khiến anh nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Trấn Thành bị chê không hợp vai (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Mặc dù phim chưa công chiếu nhưng qua hình ảnh và trailer, vai bác Ba Phi trong tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được dự đoán khó thành công như bản truyền hình vốn đã ghi sâu vào lòng khán giả.
Một ý kiến bình luận: “Ở bản cũ, diễn viên toát ra cái mộc mạc, chân chất của nhân vật mà họ đóng. Lớp người đi trước sống trong cái khổ nên khắc họa rất rõ ràng. Diễn viên thời nay dùng kỹ thuật nhiều hơn, mà đã là kỹ thuật thì cũng chỉ là một loại hình biểu diễn”.
Do… công nghệ hóa trang?
Vào vai bác Ba Phi trong Đất rừng phương Nam, Trấn Thành thừa nhận đây là nhân vật kinh điển và anh khá áp lực khi thể hiện vai diễn này. Tuy nhiên, nam nghệ sĩ hy vọng qua diễn xuất của anh, khán giả sẽ thấy một Ba Phi khác biệt so với các diễn viên từng đóng trước đây.
“Tôi không cố ý bắt chước chú Mạc Can. Hình ảnh chú quá đẹp trong lòng khán giả rồi. Tôi xây dựng một hình tượng bác Ba Phi khác theo cảm nhận của tôi”, diễn viên nói trong video hậu trường phim phát tối 2/10.
Một đoạn hội thoại của bác Ba Phi được hé lộ trong trailer (Ảnh: Chụp màn hình).
Trong livestream hôm 29/9, khi nhận những câu hỏi về tạo hình “giả trân”, nghệ thuật hóa trang “dìm hình tượng” của bác Ba Phi, Trấn Thành cũng thẳng thắn phản hồi dân mạng.
Anh nói: “Mọi người nói bộ râu của tôi trông giả. Giả hay không giả thì khoan nói, tôi chỉ muốn nhấn mạnh là công nghệ hóa trang của Việt Nam chỉ đến vậy thôi. Chúng tôi đã mời những chuyên gia trang điểm hàng đầu tới để thực hiện rồi.
Mặt tôi 36 t.uổi, nếu để hóa trang, dán râu giả làm hài lòng mọi người 100% thì có khi phải mời chuyên gia từ Hollywood về mới làm nổi. Còn chúng tôi đã làm những gì trong khả năng rồi”.
Trấn Thành cũng thừa nhận tạo hình bác Ba Phi có thể khi lên phim sẽ không hoàn hảo và khán giả có quyền đưa ra những nhận định khác nhau.
“Có những người khắt khe, nhưng tôi thấy không sao, vì đó là quan điểm mỗi người. Tôi tiếp nhận và hy vọng thời gian tới công nghệ hóa trang Việt Nam “xịn” hơn, học hỏi được nước ngoài nhiều hơn”, nghệ sĩ nói.
Tuy nhiên, diễn viên 8X khẳng định điều quan trọng nhất vẫn là diễn xuất. “Diễn xuất sẽ làm cho quý vị tin. Tôi cũng là nhà đầu tư của phim này. Khi tôi đã tham gia vào dự án nào thì tôi luôn cố gắng tốt nhất có thể. Tôi muốn mọi thứ chỉn chu nhất để khán giả ra rạp xem thấy mãn nhãn, hài lòng. Quý vị hãy yên tâm”, Trấn Thành chia sẻ.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, diễn viên Trấn Thành trong sự kiện giới thiệu phim hôm 20/9 (Ảnh: Ban Tổ chức).
Về phía đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, trước những tranh cãi, anh cho biết nhân vật bác Ba Phi có tinh thần, tính cách hoạt ngôn nên “không tìm được lựa chọn nào phù hợp hơn Trấn Thành”. Biên kịch, sản xuất, cố vấn cũng đều nghĩ đến Trấn Thành khi xem kịch bản phim.
Tại sự kiện công bố phim hôm 20/9, cố vấn Vinh Sơn – đạo diễn của phim truyền hình Đất phương Nam – đưa ra ý kiến rằng khán giả không nên so sánh bác Ba Phi phiên bản năm 2023 với bác Ba Phi của năm xưa.
“Tôi nghĩ khoảng cách 25 năm là cái mà chúng ta phải mở tấm lòng ra để đón nhận những điều mới, cho dù cái cũ có dấu ấn thế hệ quá lớn”, ông nói.
Hợp vai quan trọng, hay diễn xuất quan trọng?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia Nguyễn Phong Việt nhận định khán giả đang có những suy nghĩ tương đối “áp đặt” về tạo hình nhân vật bác Ba Phi. Nguyên nhân vì trước nay, nhân vật này vốn quen thuộc với khán giả qua tiểu thuyết của Đoàn Giỏi và bản truyền hình của đạo diễn Vinh Sơn.
“Với tôi, câu chuyện tạo hình chỉ là một phần rất nhỏ của nhân vật bác Ba Phi. Quan trọng khi lên phim, vai diễn của Trấn Thành có khiến người xem đồng cảm cùng nhân vật hay không.
Về mặt tạo hình nhân vật, góc nhìn của đạo diễn là quan trọng nhất vì đây là câu chuyện mà đạo diễn muốn kể. Nếu đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thích tạo hình đó của bác Ba Phi thì hẳn có lý do rõ ràng chứ không phải ngẫu nhiên.
Tôi cũng tin là việc tạo hình hóa trang nhân vật ở Việt Nam lúc này không khó, nên không cho rằng ê-kíp hời hợt hoặc làm “giả trân” trong việc tạo hình bác Ba Phi”, chuyên gia nói.
Ông Nguyễn Phong Việt nhận định sự hợp vai và khả năng diễn xuất có vai trò quan trọng tương đương: “Nó như 2 mặt của một đồng xu, không nên nói cái nào tốt hơn cái nào. Với tôi, một nhân vật thành công là nhân vật mà ở đó khán giả quên mất diễn viên là ai, họ có thể khóc cười cùng nhân vật, thì đó là thành công”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc liệu những tranh cãi nói trên có ảnh hưởng đến thiện cảm của khán giả khi xem phim Đất rừng phương Nam hay không, ông Nguyễn Phong Việt cho rằng nó có thể tạo nên lợi ích, là chiêu thức quảng bá của phim.
“Khán giả muốn đ.ánh giá toàn diện nhân vật và câu chuyện thì phải đi xem, để thấy Trấn Thành có hợp vai, có diễn hay hay không. Trấn Thành và ê-kíp dường như cũng đang muốn khán giả ra rạp để đưa ra nhận xét”, chuyên gia cho hay.
Đất rừng phương Nam là phiên bản điện ảnh được kế thừa và phát triển từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Phim kể về hành trình phiêu lưu của An – một cậu bé chẳng may mất mẹ trên đường đi tìm cha.
Theo bước chân An, khán giả trải nghiệm sự trù phú của thiên nhiên, nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Nam bộ, sự hào hiệp của những người nông dân bám đất, bám rừng và tinh thần yêu nước đầu thế kỷ 20.
Ba nhân vật An, Cò, Xinh lần lượt do các diễn viên nhí Huỳnh Hạo Khang, Kỳ Phong, Bùi Lý Bảo Ngọc đảm nhận. Trấn Thành vào vai bác Ba Phi, Mai Tài Phến đóng Võ Tòng.
Các diễn viên còn lại tham gia phim như Tiến Luật, Tuyền Mập, Tuấn Trần…
Theo Dân Trí