Đặc sản Bạc Liêu như lẩu mắm, ba khía, bún bò cay, bánh củ cải là những món ăn du khách nên thưởng thức khi tới địa phương này.
Lẩu mắm
Lẩu mắm là một đặc sản Bạc Liêu mà du khách không thể bỏ qua. Lẩu mắm được nấu bằng nước cốt mắm sặt hoặc mắm cá rô, cá linh. Mắm được cho vào nước dừa tươi, có thêm sả và tỏi phi để dậy mùi thơm và nấu đến khi thịt rã, sau đó rây lọc bỏ xương. Thịt để nấu lẩu mắm là thịt ba chỉ, thái lát vừa ăn rồi ướp gia vị và xào sơ với hành tím, sả băm, sau đó mang thịt để vào nước dùng đã nấu từ xương ống trước đó. Nước dùng từ thịt và nước dùng từ mắm đổ chung, hòa quyện với nhau mới tạo nên nước lèo của lẩu mắm.
Người dân thường ăn lẩu mắm với cá basa, cá bông lau, tôm, mực,… và không thể thiếu các loại rau đồng dân dã như rau muống, bông súng, bông điên điển, rau dừa, rau đắng hay cà phổi, đậu rồng, khổ qua.
Món ăn nhìn thì đơn giản, nhưng nói lên được sự sáng tạo và khiếu ẩm thực của người dân miền Tây.
(Ảnh: Linh Trang)
Ba khía Bạc Liêu
Ba khía sống ở môi trường nước lợ, nơi các cửa sông, cửa rạch đổ ra biển, có nhiều nhất ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu… Ba khía thuộc loài giáp xác, hình dáng và kích cỡ giống như con cua đồng, sống ở vùng nước mặn, lợ, ven sông rạch, nhất là dưới chân rừng ngập mặn.
Ba Khía thuộc họ cua nhưng trên lưng có 3 vạch giống như dao khía nên người dân quen gọi là ba khía. Thịt ba khía rất chắc và ngọt, do đó được rất nhiều người yêu thích.
Ba khía có thể nấu thành rất nhiều món ăn. Người miền Tây nói chung và người dân Bạc Liêu khéo léo chọn những con có cặp càng to đem rang, rim mặn hoặc chiên bột ăn với cơm. Cầu kỳ hơn, người ta còn biến ba khía thành món nhậu hấp dẫn như rang me, hấp bia, trộn gỏi…
Đặc biệt, Ba khía Bạc Liêu nổi tiếng nhất với cách chế biến là làm mắm. Cái vị mặn mòi đặc trưng, khác biệt của mắm ba khía khiến cho nhiều người phải ấn tượng.
(Ảnh: Linh Trang)
Bánh củ cải Bạc Liêu
Bánh củ cải được bán rong khá phổ biến ở Bạc Liêu. Nhìn thoáng qua, nhiều người có thể nhận lầm đây là há cảo, hay bánh xếp bởi vẻ ngoài tương đồng. Tuy nhiên, ngoài việc kích thước lớn hơn thì hương vị lẫn nguyên liệu của bánh củ cải cũng hoàn toàn khác biệt.
Nguyên liệu chính để làm bánh củ cải, từ phần vỏ đến nhân đều từ củ cải trắng. Lớp vỏ bánh được làm từ hỗn hợp bột mì trộn chung với bột củ cải xay nhuyễn. Sau một quá trình ngâm, trộn bột công phu là công đoạn cán bột thành từng miếng mỏng. Phần nhân bên trong kết hợp giữa tôm, thịt, củ cải, cà rốt.
Ảnh: Bùi Tuyên
Sợi củ cải, cà rốt được thái nhỏ và đều tăm tắp trộn cùng thịt, tôm băm nhuyễn, nêm nếm gia vị vừa ăn và xào chín tới trên bếp. Đầu bếp khéo léo bao bọc nhân lại bởi lớp vỏ bánh trắng tinh.
Sau một thời gian hấp trên nồi, những chiếc bánh chín đều hiện lên với lớp vỏ trong suốt nhìn thấu sắc hồng hồng của phần nhân bên trong. Bánh củ cải khi dùng được rắc thêm mỡ hành, hành phi và nước mắm chua ngọt.
Bún bò cay
Dù mang vị đặc trưng của miền Trung, bún bò cay lại là món ăn dân dã với người dân Bạc Liêu. Bún bò cay Bạc Liêu có vị cay nồng của ớt, sa tế, mùi thơm của các loại gia vị như sả, hồi, quế… hòa quyện với nước lèo đậm đà, sóng sánh ánh đỏ và ngọt lịm.
Để nấu được tô bún bò cay thơm ngon, nước nấu được hầm từ xương heo hoặc xương bò. Thịt bò cần phải có cả nạc, nạm, gầu, gân… và được cắt thành miếng dày khoảng 1.5 – 2cm.
Tô bún có những cục thịt bò vuông vức chừng ba ngón tay. Gắp một cục thịt chấm muối ớt cho vào miệng, hoặc nạc hoặc nạm hoặc gầu, gân, thứ nào cũng để lại hương vị đặc trưng ngon. Ăn xong, thực khách có thể cay đến chảy nước mắt, nhưng lại ưng ý bởi cái giòn, dai, bùi béo của thịt bò và vị chua kích thích dịch vị của chanh.
(Ảnh: Địa điểm ăn uống Biên Hòa)
Tổng hợp
Theo Vietnamnet