Những phân cảnh ngoại tình, nữ chính uống rượu như nước lã với suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống ở ‘Chúng ta của 8 năm sau’ khiến tôi không muốn cho con mình xem phim.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Gần đây tôi theo dõi sát Chúng ta của 8 năm sau vì thấy phim hấp dẫn, thoại hay, diễn viên đẹp. Tôi và các chị em ở cơ quan cũng hay bàn tán về các tình huống trong phim và thu hút bởi những thông tin hậu trường liên quan đến những diễn viên Chúng ta của 8 năm sau.
Nhưng tôi thường chỉ xem lại trên mạng vào thời điểm phù hợp bởi khi phim phát sóng là lúc cả gia đình quây quần mà tôi lại không muốn các con tiếp cận vì chúng còn quá nhỏ. Chúng ta của 8 năm sau nói về hôn nhân, gia đình, chuyện tình bạn của những người lớn tôi thấy chưa phù hợp với bọn nhỏ.
Cảnh nóng trong phim ‘Chúng ta của 8 năm sau’.
Nếu như trong phần 1 là câu chuyện tình yêu trong sáng, ngọt ngào của 2 cặp nhân vật chính khi họ còn trẻ thì ở phần 2 xoay quanh cuộc sống của họ khi trưởng thành. Mấy tập gần đây, chuyện gia đình Nguyệt – Tùng được khai thác mạnh với cao trào là Tùng ngoại tình trong chính nhà mình, dẫn đến bị mẹ đẻ và vợ bắt quả tang kéo theo gia đình tan vỡ.
Những cảnh ôm ấp hôn hít của hai diễn viên trong Chúng ta của 8 năm sau dù không hở hang lắm nhưng tôi là người lớn xem cũng thấy nóng mắt. Phim lại không hề có cảnh báo là có hình ảnh nhạy cảm hay giới hạn độ tuổi người xem, cảnh nóng lại đến bất ngờ.
Tôi không muốn các con xem cảnh người lớn trên phim. Gần đây tôi luôn phải sát sao với các bộ phim phát sóng bởi nhiều phim lạm dụng cảnh hôn, cảnh nóng, ngoại tình quá. Đành rằng đó là gia vị cho phim hấp dẫn nhưng khiến các phụ huynh như tôi phải đau đầu vì phải tự lọc nội dung nào phù hợp để các con xem.
Một điều nữa khiến tôi băn khoăn khi xem Chúng ta của 8 năm sau chính là cách xây dựng nhân vật nữ chính. Dương hồi trẻ đáng yêu, ngọt ngào và tràn đầy năng lượng tích cực bao nhiêu thì ở phần 2 này u uất, bất cần bấy nhiêu. Những biến cố lớn đã đẩy Dương tới tận cùng thất vọng nhưng cách xây dựng nhân vật có phần tiêu cực với phản ứng cực đoan thường xuyên tìm đến rượu mang đến một hình mẫu người trẻ không tốt.
Đó là chưa kể, Dương dù biết người cha ruột đã bao năm nay làm điều tốt cho con gái, hết lòng chăm sóc cô nhưng vẫn mãi không chịu gọi ông là bố. Cho dù người bố đó có tệ hại đến mức nào, có từng làm điều không hay với mình trong quá khứ thì ông Quảng vẫn là bố của Dương cơ mà. Trước tình cảm và sự quan tâm của người sinh ra mình, việc gọi một tiếng “bố” khó với Dương thế sao?
Tôi cũng thấy cách xây dựng tình bạn của Nguyệt – Dương hơi vô lý. Đành rằng họ thân thiết với nhau bao năm, luôn hiện diện trong đời nhau những khi khó khăn nhất nhưng khi Nguyệt đã có gia đình, có con thì chắc chắn cô phải ưu tiên gia đình hơn bạn. Việc mải mê đến thăm bạn mà Nguyệt nhờ người khác trông hộ bé Cam, dẫn tới con mình bị lạc thật vô lý.
Chưa kể, việc Nguyệt dù mới quan biết Anh Thu nhưng nhiệt tình thái quá khi “điều” chồng mình lên nhà hàng xóm sửa giúp ống nước, dẫn đến “vẽ đường cho hươu chạy”, vô tình đẩy Tùng về phía tiểu tam.
Tuy vậy, về cơ bản tôi thấy Chúng ta của 8 năm sau là bộ phim xem được. Ngoài những chi tiết hơi lấn cấn ở trên thì tôi đánh giá đây vẫn là bộ phim mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Tình bạn thân thiết bất chấp mọi hoàn cảnh của Nguyệt – Dương cùng tình yêu chân thành Lâm dành cho Dương sau bao năm chính là điểm níu tôi theo dõi tiếp diễn biến sau này của phim.
Theo Vietnamnet