Hai trong bốn phim Việt mùa Tết Nguyên đán năm nay đã thông báo rời rạp. Tình cảnh này chưa từng diễn ra tại phòng vé nội địa trong một thập kỷ qua.
Ngày 11/2, ê-kíp Sáng đèn thông báo rút tác phẩm khỏi đường đua phim Tết.
Hai ngày sau, Trà của Lê Hoàng cũng đột ngột rời khỏi hệ thống rạp.
Sự việc gây sốc cho giới chuyên môn lẫn khán giả. Bởi lẽ, suốt một thập kỷ qua, tình cảnh phim Việt đã chiếu hai ngày trong dịp Tết Nguyên đán, bất ngờ rút khỏi rạp, chưa từng xảy ra.
Phim Việt tháo chạy
Điện ảnh Việt mùa Tết Giáp Thìn chứng kiến cuộc tháo chạy của phim nội địa. Hai trong bốn tác phẩm phát hành chính thức vào ngày 10/2 (tức Mùng 1 Tết) đã thông báo rút khỏi hệ thống rạp chiếu.
Trong đó, Sáng đèn của Hoàng Tuấn Cường “rút pháo” đầu tiên vào tối 11/2. Trong thông báo gửi khán giả, đại diện nhà sản xuất cho biết dự án được thực hiện tâm huyết và chỉn chu. Vì thế, ê-kíp mong muốn Sáng đèn đến được với đông đảo khán giả vào một thời điểm phát hành thích hợp hơn.
Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường sau đó cũng giải thích trên Tri thức – Znews rằng quyết định nói trên được cân nhắc kỹ lưỡng của đơn vị sản xuất, nhà phát hành và gợi ý của nhà rạp.
Trà của Lê Hoàng và Sáng đèn của Hoàng Tuấn Cường lần lượt rút khỏi rạp chiếu. Ảnh: ĐPCC.
Anh và ê-kíp chấp nhận thiệt hại về mặt tài chính để thay đổi thời gian công chiếu sang 22/3 với hy vọng mở rộng đối tượng khán giả, nhất là người xem trẻ tuổi.
Nếu Sáng đèn đã công bố thời điểm đưa phim trở lại rạp, Trà của Lê Hoàng lại chưa có ngày cụ thể để tái công chiếu. Theo nhà sản xuất của Trà, phim sẽ dừng công chiếu từ ngày 14/2 tại một số cụm rạp. Đến ngày 15/2, tác phẩm sẽ chính thức ngừng phát hành tại tất cả cụm rạp trên toàn quốc. Nguyên nhân phim rút rạp không được nhà sản xuất thông báo rõ ràng.
Dễ thấy, điểm chung của hai phim Việt rút rạp trong mùa Tết năm nay đều có doanh thu thấp và suất chiếu ít ỏi. Sáng đèn chỉ thu 664 triệu đồng, sau hai ngày chiếu chính thức và Trà mang về 1,3 tỷ đồng (theo thống kê của Box Office Vietnam).
Tuy nhiên, việc hai phim Việt cùng lúc rút khỏi rạp tiếp tục khiến nghi vấn nhà rạp chèn ép suất chiếu, đối xử thiếu công bằng bùng nổ trên mạng xã hội. Song trên thực tế, nhà rạp luôn dựa vào số lượng đặt vé, lựa chọn của khán giả, tỷ lệ lấp đầy để sắp xếp suất chiếu cho từng phim.
Theo ông Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập đơn vị thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam, với áp lực tài chính, áp lực của đối tác bán phim cũng như quãng thời gian ngắn ngủi trong mùa nghỉ lễ lớn nhất năm, sẽ rất khó cho nhà rạp để có thể làm hài lòng hết các đơn vị sản xuất phim. Nếu thực sự muốn có “công bằng” cho phim chiếu rạp, cần sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, theo đánh giá của ông Dương.
“Tôi nghĩ, phim Mai hoàn toàn có thể nhường khoảng 20-25% số suất chiếu hiện tại trong ngày cho các phim khác, mà vẫn sẽ đạt được kết quả doanh thu tốt. Mai là một tác phẩm điện ảnh tốt của điện ảnh Việt. Thực tế đã chứng minh, khán giả Việt luôn yêu thương các tác phẩm chất lượng. Do vậy, nếu bộ phim được sắp xếp suất chiếu ít hơn hiện tại, tôi nghĩ khán giả vẫn sẽ ra rạp để xem tác phẩm này. Và có khi nhờ vậy, vòng đời của phim lại có thể kéo dài hơn nữa”, ông Dương chia sẻ với Tri thức – Znews.
Bài học cho phim Việt
Cũng theo ông Nguyễn Khánh Dương, Sáng đèn hay Trà ra rạp vào dịp Tết, đều xuất phát từ toan tính của nhà sản xuất. Họ kỳ vọng có doanh thu khả quan vào mùa Tết Nguyên đán. Đặc biệt là năm ngoái, Nhà bà Nữ và Chị chị em em 2 đều thắng trên 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ ngay ngày mùng 1 Tết, khi nhìn thấy số lượng suất chiếu ít ỏi, các nhà sản xuất của hai tác phẩm kể trên đã biết trước số phận phim của mình. Họ bị bỏ xa trong cuộc đấu phim Tết. Vì thế, lựa chọn rút phim khỏi rạp của Sáng đèn, Trà để chọn một thời điểm khác công chiếu tiếp tục là một tính toán khác.
Việc một bộ phim Việt rút khỏi rạp và công chiếu trở lại vào thời điểm khác, rất khó để đảm bảo thành công về doanh thu. Trước đây, Võ sinh đại chiến tuyên bố rút phim sau 6 ngày công chiếu và khi trở lại không được đón nhận.
Hay trường hợp của Trạng Tí, Thiên thần hộ mệnh phải ngừng chiếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chịu ảnh hưởng lớn về doanh thu sau khi chiếu trở lại. Trạng Tí của Ngô Thanh Vân thậm chí bị thua lỗ nặng nề.
Hai phim Việt chiếu Tết còn lại gồm Mai (Trấn Thành) và Gặp lại chị bầu (Nhất Trung). Ảnh: ĐPCC.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Phong Việt, người có nhiều năm quan sát thị trường điện ảnh Việt nhận định: “Một tác phẩm như Sáng đèn có thể lựa chọn công chiếu vào thời điểm khác, thay vì phát hành vào dịp Tết Nguyên đán. Còn Trà với chất lượng bị chê thảm họa như vậy, dù có trở lại vào dịp tới đây, cũng sẽ không được đón nhận. Suy cho cùng, yếu tố quyết định thành bại của một tác phẩm ngoài rạp là chất lượng tác phẩm”.
Từ sự việc của Sáng đèn, Trà, ông Việt cho rằng các phim Việt nên cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm quyết định đưa phim phát hành vào mùa Tết, đặc biệt là khi có sự xuất hiện dự án của Trấn Thành.
“Tôi nghĩ phương án tốt nhất là các phim Việt nên né phim Trấn Thành vào mùa Tết. Ở Việt Nam, nếu có đạo diễn có thể tự tin đấu với Trấn Thành về mặt doanh thu, không ai khác là Lý Hải. Song Lý Hải đã tính toán, khôn ngoan khi lựa chọn dịp 30/4 hàng năm để trình làng dự án Lật mặt. Còn Trấn Thành là người trấn giữ mùa phim Tết. Cả hai đều đủ thông minh để không cạnh tranh nhau”, ông Việt nhận định.
Theo ông Nguyễn Khánh Dương, Trấn Thành là một nhà làm phim giỏi. Nhưng rồi bản thân đạo diễn cũng sẽ đạt tới giới hạn của mình.
“Tôi tin rằng, trong vài năm tới, sẽ xuất hiện những nhà làm phim giỏi xuất hiện, với sự chống lưng của các nhà đầu tư tiềm lực tài chính mạnh, muốn tấn công vào thị trường phim Việt đang rất màu mỡ. Có cạnh tranh là có phát triển. Các đạo diễn, nhà sản xuất nội địa sẽ áp lực ‘phải làm phim tốt hơn Trấn Thành, tốt hơn những phim Việt chiếu Tết những năm trước’. Sự cạnh tranh và áp lực lành mạnh này sẽ thôi thúc điện ảnh Việt phát triển mạnh mẽ”, ông Dương chia sẻ.
Theo ZNews