Với chủ đề Đào tạo nghệ thuật trong cải lương, nghệ sĩ Thanh Hằng cho rằng ngoài việc giảng dạy kiến thức cơ bản trên trường lớp cần có cảm xúc sân khấu, sự mài giũa trong quá trình làm nghề.
Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng là một trong những cây đa cây đề của sân khấu Việt Nam. Nữ nghệ sĩ sinh ra trong gia đình có truyền thống cải lương. Ông cố của nghệ sĩ Thanh Hằng là nghệ sĩ Hai Núi – Tư Hélène, cha là nghệ sĩ Hương Huyền, mẹ là nghệ sĩ Kim Hoa, em gái là các nghệ sĩ Ngân Quỳnh, Thanh Ngọc, Thanh Ngân.
Chia sẻ trong chương trình Kính Đa Chiều, nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng cho biết từ bé cô đã tiếp xúc với nghệ thuật này từ khi còn trong bụng mẹ. “Vì gia đình tôi 4 đời nghệ sĩ, tới đời mẹ tôi cũng là nghệ sĩ. Mẹ tôi là nghệ sĩ đào mùi, đào độc, đào lẳng. Ngay cả ba tôi cũng là nghệ sĩ. Ba tôi là kép mùi, kép độc hay kép lẳng đều được nên tôi thừa hưởng những tố chất của ba mẹ”, nghệ sĩ Thanh Hằng tâm sự.
Diễn viên Người đẹp Bạch Hoa Thôn tiết lộ, chị vào nghề lúc 14 tuổi và biểu diễn ở đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga. Khi đó, nghệ sĩ Thanh Hằng được người cô dìu dắt, dắt vào gặp nghệ sĩ cải lương Thanh Nga để ứng tuyển làm nghệ sĩ múa cho vở Bên cầu dệt lụa.
Nghệ sĩ Thanh Hằng cho biết thêm, lúc ấy tên của chị là Mỹ Hằng, ba mẹ của chị cũng là nghệ sĩ của đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga nên nghệ sĩ Thanh Nga đã đồng ý nhận chị vào đoàn vì nữ nghệ sĩ là con nhà nòi. Trước khi trở thành ngôi sao cải lương, nghệ sĩ Thanh Hằng được bà ngoại dẫn sang thầy Út Trâm học hát từ năm 11 tuổi. Trùng hợp thay, đây cũng chính là người thầy từng chỉ dạy nghệ sĩ cải lương Thanh Nga.
Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng nhiều nghệ sĩ cải lương ngày xưa trưởng thành bằng cách truyền nghề từ gia đình và được những người thầy trong đoàn hát chỉ dạy. Tuy nhiên để nghệ thuật cải lương tồn tại và phát triển cần được đào tạo qua trường lớp. Vì nếu chỉ truyền nghề thì không đầy đủ và đa dạng.
Nghệ sĩ Thanh Hằng bày tỏ, sự nghiệp mỗi người có nhiều giai đoạn, những nghệ sĩ trẻ ngày nay được đào tạo qua trường lớp sân khấu là nền tảng cơ bản để hiểu về nguồn gốc cải lương, những kỹ năng bài bản, còn trường đời thì để những trải nghiệm thấm sâu vào trái tim. Theo nghệ sĩ Thanh Hằng, hiện nay các thế hệ trẻ đang thiếu điều này.
“Thế hệ của tôi dù là truyền nghề nhưng tôi vẫn học căn bản của trường lớp. Mỗi thế hệ dạy một cách khác nhau. Thế hệ của tôi đến thế hệ Kim Tử Long cũng học trong trường nghệ thuật sân khấu của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Dù học trong trường nhưng mỗi kỹ năng, khả năng của mỗi người sẽ được tô đậm thêm nhiều hơn khi ra hành nghề. Nghệ sĩ Quế Trân cũng học trong trường lớp ra thì cũng có kỹ thuật căn bản để biểu diễn”, nữ khách mời Kính Đa Chiều chia sẻ.
Để đào tạo diễn viên cải lương khác với ngày xưa, nghệ sĩ Thanh Hằng cho rằng cần phải đi vào thực tế, không nên trừu tượng để các thế hệ trẻ xem mới có thể chấp nhận được. Đề cập đến việc giảng dạy bộ môn nghệ thuật này đến đàn em, nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng tự nhận không dám làm thầy. “Đối với tôi, các em nếu cần thiết thì tôi chia sẻ được những gì thì tôi sẵn sàng chia sẻ, giải thích cho các em nghe”, nữ nghệ sĩ cho biết.
Clip Nghệ sĩ Thanh Hằng tự nhận không dám làm thầy:
Đạo diễn Lê Hoàng bày tỏ sự tiếc nuối trước thổ lộ “không dám làm thầy” của nghệ sĩ Thanh Hằng. “Nghệ sĩ Thanh Hằng nên có trách nhiệm đến chia sẻ với các diễn viên nghệ thuật, vì chỉ có những người trực tiếp ở trên sân khấu mới làm được. Những người thầy dạy ở trường đọc rất nhiều sách, họ hiểu và phân tích các trường phái, dạy rất hay nhưng cảm xúc trực tiếp trên sân khấu lại là cảm xúc khác. Mong chị đừng suy nghĩ vậy vì như thế rất uổng”, host chương trình Kính Đa Chiều chia sẻ.
Sau đề nghị của đạo diễn Lê Hoàng, nghệ sĩ Thanh Hằng thay đổi và hy vọng sẽ được đến chia sẻ cho các thế hệ trẻ ngày nay. “Sự thật thế hệ bây giờ, các em nghĩ rằng chỉ cần học thuộc bài rồi ca thôi”, nữ khách mời thổ lộ.
Đạo diễn Lê Hoàng nhận định, cùng một bài hát, có người cất tiếng hát khiến khán giả bật khóc nhưng cũng có người cất tiếng hát thì khán giả lạnh như băng vì không cảm nhận được điều gì. “Chúng ta nói quá nhiều về vấn đề tại sao cải lương không được ưu đãi? Tại sao cải lương dần mất chỗ đứng trong xã hội? Thật ra muốn được điều đó thì đầu tiên cần phải đào tạo, thay vì cứ thay đổi sân khấu, xây rạp mới, mua đèn mới hay thay đổi loa, âm thanh. Quyết định nhất vẫn là con người trên sân khấu, mà người biểu diễn trên sân khấu phải được giáo dục. Giáo dục thì phải hai mặt gồm kiến thức cơ bản và cảm xúc trong nghề”, host chương trình Kính Đa Chiều trình bày.
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Nỗi lòng vai phụ với sự tham gia của host Lê Hoàng và diễn viên Mai Phượng sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 25/4 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
Nguyễn Đình Cường