Sau khi AstraZeneca thông tin vaccine COVID-19 có thể gây đông máu, nhiều người đổ xô đi xét nghiệm D-Dimer. Chuyên gia cho rằng có khả năng một số đơn vị dịch vụ đẩy thông tin một cách quá mức để trục lợi.
Vaccine Astra được tiêm đầu tiên cho lực lượng y tế ở Việt Nam
Việc AstraZeneca thông tin vaccine COVID-19 có thể gây cục máu đông kèm hội chứng giảm tiểu cầu khiến nhiều người hoang mang. Đặc biệt, trong một số hội nhóm, nhiều người còn khuyên nhau đi xét nghiệm D-Dimer để phát hiện cục máu đông.
Trước làn sóng đòi “xét lại” vaccine AstraZeneca mấy ngày qua, TS. Vũ Quốc Đạt – giảng viên bộ môn Truyền nhiễm Trường Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thành viên Nhóm Cố vấn chiến lược và kỹ thuật cho các bệnh truyền nhiễm bị lãng quên của WHO, cũng là thành viên của nhóm xây dựng hướng dẫn điều trị COVID-19 của WHO – đã đưa ra nhận định.
Theo ông, các biến cố bất lợi liên quan đến sử dụng vaccine COVID-19 của tất cả các nhà sản xuất đều đã được thông tin trước đây trong giới khoa học cũng như các cơ quan y tế quốc tế. Tuy nhiên không thể quy kết được vaccine là yếu tố cơ bản trực tiếp dẫn đến biến cố này một cách phổ biến.
Thông tin về khả năng vaccine COVID-19 của Astrazeneca gây hình thành cục máu đông nên được nhìn nhận cả ở khía cạnh trung thực và minh bạch trong khoa học. Các báo cáo về biến cố bất lợi này đã được nhà sản xuất thông tin từ trước.
Tuy nhiên, thông tin đó không đồng nghĩa với việc vaccine của họ có hại, hay nguy hiểm, mà chúng ta nên thận trọng khi phiên giải kết quả khoa học. Thông tin AstraZeneca đưa ra cho thấy họ làm việc rất nghiêm túc về khoa học để xác định những biến cố bất lợi ngoài ý muốn khi tiêm vaccine, thậm chí là sau khi sản phẩm đã được lưu hành trên thị trường, theo TS. Vũ Quốc Đạt.
Trên thực tế, tất cả các loại thuốc, kể cả các loại thuốc không kê đơn phổ biến như Paracetamol, vẫn luôn có những phản ứng bất lợi ở tỷ lệ rất thấp. Nhưng điều đó không khiến thuốc không được lưu hành, mà các thông tin cảnh báo đi kèm sẽ giúp theo dõi những đối tượng có nguy cơ cao cũng như đánh giá tính an toàn về mặt lâu dài.
Ngoài ra, những người đã tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca không nên lo lắng, vì đây là vaccine COVID-19 đầu tiên được đưa về Việt Nam và những người tiêm vaccine này đầu tiên chính là lực lượng y tế. Điều này đã củng cố thêm tính an toàn và niềm tin không hoảng sợ trước thông tin gần đây.
Đến nay, các chuyên gia cũng như các nhân viên y tế đã tiêm loại vaccine này đều không ghi nhận biến cố nào lớn. Do đó, người dân hoàn toàn yên tâm vì nhân viên y tế còn không hoảng sợ vì họ ý thức được điều đó.
TS. Đạt khẳng định: “Cho đến nay, giới chuyên môn không có bất kỳ khuyến cáo nào với những người đã tiêm vaccine AstraZeneca. Họ không cần sàng lọc các xét nghiệm liên quan đến huyết khối, thậm chí cả các xét nghiệm khác, nếu không có các bệnh lý khác. Cũng không cần xử trí gì vì không có tác dụng phụ nào liên quan đến huyết khối được thông báo về trung hạn”.
TS. Vũ Quốc Đạt kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
TS. Đạt nhấn mạnh rằng, việc xét nghiệm D-Dimer không phải là xét nghiệm quyết định trong việc đánh giá nguy cơ đông máu của người bệnh, mà việc đông máu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố mà D-Dimer chỉ là một trong nhiều chỉ số. Do đó, xét nghiệm riêng D-Dimer không có ý nghĩa về mặt lâm sàng đối với những người không có triệu chứng và từng tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca trước đó.
TS. Đạt cũng lưu ý rằng những bên đăng tải thông tin trên cần xem lại, vì bản chất việc AstraZeneca thông tin vaccine COVID-19 có khả năng gây đông máu, tuy rất hiếm gặp, được một số trang tin ở nước ngoài đăng tải nhưng không hề truyền thông “mạnh mẽ” như ở Việt Nam.
Trả lời của hỏi của VietTimes về việc WHO có cảnh báo gì về vaccine AstraZeneca không, TS. Đạt cho hay WHO đã có những ghi nhận về các biến cố bất lợi không mong muốn của các vaccine COVID-19 được WHO khuyến cáo sử dụng. Tuy nhiên, những khuyến cáo hay cảnh báo đều không liên quan đến việc cần phải thực hiện bất kỳ xét nghiệm gì để theo dõi những biến cố này ở những người đã từng tiêm.
Các ghi nhận về biến cố bất lợi không mong muốn được thông báo nhằm thể hiện tính minh bạch thông tin để cộng đồng khoa học cùng theo dõi và nghiên cứu và nên hiểu theo hướng tích cực là các loại thuốc, sinh phẩm y tế khi sử dụng đều được các bên liên quan, gồm nhà sản xuất, nhà quản lý và cộng đồng giám sát chặt chẽ tính an toàn sau khi ra thị trường.
Vì thế, người dân nên đặt niềm tin vào các cơ sở sản xuất lớn và các chính sách mang tính minh bạch của họ, thay vì tiếp nhận thông tin một cách thụ động và thiếu sáng suốt và dễ dàng tin theo những người phản đối vaccine.
Đặc biệt, liên quan tới thông tin cho rằng thông tin về vaccine của AstraZeneca bị thổi phồng để người dân đi xét nghiệm D-Dimer để phát hiện cục máu đông, TS. Đạt cho rằng cũng không nên loại trừ vì trước đây, mạng xã hội từng đưa ra nhiều thông tin không chính thống, phản khoa học để trục lợi.
Do đó, cũng có khả năng một số đơn vị dịch vụ đẩy thông tin một cách quá mức để trục lợi, khi làm người dân hoang mang và phải tìm kiếm các dịch vụ xét nghiệm không cần thiết.
TS Nguyễn Thu Anh
Chuyên gia cứu dịch tễ học Nguyễn Thu Anh – Giám đốc Viện Đại học Sydney Việt Nam – cũng cho rằng, việc vaccine AstraZeneca có khả năng gây đông máu là có và điều này đã được thông tin ngay từ đầu. Thêm nữa, nhiều người tiêm vaccine AstraZeneca đã được nhiều năm nên khả năng gây cục máu đông đã không còn.
“Tuy nhiên, cách truyền thông về việc AstraZeneca thông tin vaccine có khả năng đông máu đang gây nên sự sợ hãi vaccine trong cộng đồng và điều này rất nguy hiểm. Cần chú ý khi đây là lần thứ 2 có tin kiểu này trong 2 tháng qua, lần trước là Pfizer có khả năng gây tác dụng phụ này kia, nhưng không ồn ào dữ dội như lần này”, Giám đốc Viện Đại học Sydney Việt Nam lưu ý.
Theo Viettimes