Phụ nữ từng bị coi là người đàn ông không trọn vẹn. Vượt nhiều định kiến, nữ giới đang khẳng định vị thế của mình trong văn chương, nghệ thuật.
Ngày nay, theo TS Nguyễn Thị Minh (Trường đại học Sư phạm TP.HCM), ngày càng nhiều phụ nữ nhận thức được giá trị của bản thân. Từ đó, họ cùng nhau bắt đầu hành trình giành quyền bình đẳng giới và thu về những “quyền lực” nhất định trong khoa học, nghệ thuật…
Trong buổi trò chuyện với chủ đề “Phụ nữ viết: Ngôn ngữ, cơ thể và sản xuất văn hóa”, TS Nguyễn Thị Minh, TS Đào Lê Na (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) và TS Alisa Freedman (Đại học Oregon) đã cùng thảo luận về hành trình giành quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội đương đại và những thành tựu mà họ đã đạt được.
Phụ nữ từng bị coi là người đàn ông không trọn vẹn
Theo thuyết “ganh tị dương vật” của Freud, người phụ nữ có thể phát triển mong muốn sở hữu dương vật, hoặc muốn có con trai để “bù đắp” cho sự thiếu thốn của mình. Ảnh: Brewminate.
Theo TS Nguyễn Thị Minh, Nho giáo phương Đông quan niệm rằng “Ngốc phụ tài tố hiền” (phụ nữ không có tài, chính là đức). Do đó, phụ nữ bị gạt ra khỏi quá trình sản xuất văn hóa. Thậm chí, họ phải tuân theo những chuẩn mực mà những người đàn ông có tri thức đặt ra. Từ đây mà một xã hội “nam trị” đã hình thành.
Ở phương Tây trước đây, phụ nữ cũng không được xem trọng. Sigmund Freud, một nhà tâm lý học người Áo, còn cho rằng phụ nữ giống như một người đàn ông không có dương vật, không trọn vẹn. Do đó, họ luôn ghen tị và thấp kém hơn đàn ông.
“Chính vì quan niệm phụ nữ như người đàn ông không trọn vẹn, khi người ta muốn hạ nhục một người đàn ông, họ thường mắng anh ta là ‘đồ đàn bà’”, TS Minh phân tích.
Henrik Ibsen được xem là nhà văn vĩ đại nhất của Na Uy. Ảnh: Norske forfatterportretter.
“Để hòa nhập vào xã hội, phụ nữ bắt buộc phải cưới một người đàn ông và sinh ra một đứa con trai. Nếu không, họ sẽ bị xem là những ‘kẻ đánh cắp ngôn ngữ’ khi bước chân vào thế giới của văn hóa”, cô nói thêm.
Đến thời hiện đại, TS Minh nhận xét, đã có nhiều phụ nữ ý thức được khả năng của bản thân không thua kém nam giới.
Cô lấy tác phẩm Nhà Búp Bê của đại văn hào Henrik Ibsen làm ví dụ: “Trong tác phẩm, Torvald, chồng của nhân vật chính, đã nói: ‘Trên hết, thì em phải là người vợ, người mẹ’. Thế rồi, Nora đáp: ‘Không, giờ em không tin vào điều đó nữa. Trên hết, em là một con người giống như anh vậy’. Đây chính là một trong những bước đi đầu tiên trên hành trình tranh đấu giành quyền bình đẳng trong văn hóa của phụ nữ”.
Quyền lực của sự im lặng
Một sản phẩm văn hóa khác đại diện cho hành trình giành quyền bình đẳng của nữ giới, với TS Đào Lê Na, là bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu. Phim là “đứa con tinh thần” của hai chị em đạo diễn Đoàn Minh Phượng – Đoàn Thành Nghĩa và giành được giải thưởng cho Phim ASEAN hay nhất vào năm 2006.
Nội dung phim kể về cuộc đời của một cô gái trẻ tên là Lý An, sống cách đây hai trăm năm trước. Lý An là một cô gái không chấp nhận sự áp đặt, định kiến của xã hội. Cô từng trốn khỏi làng để rồi trở về với một đứa bé đang được hoài thai. Khi trở về, cô bị các già làng đày đọa, cạo đầu, thả trôi sông cả hai mẹ con.
Phim Hạt mưa rơi bao lâu đã giành được giải thưởng cho Phim ASEAN hay nhất vào năm 2006. Ảnh: iMDb.
Ở phần sau của phim, hai mẹ con Lý An được ba người thợ mộc cứu sống. Sau đó, cô chấp nhận cuộc sống “quần hôn”, mỗi đêm ngủ với một người đàn ông. Cuộc sống của họ cứ diễn ra cho đến khi một trong ba người đàn ông muốn chiếm hữu Lý An làm của riêng. Họ tranh giành cô đến khi một người thốt lên: “Tại sao chúng ta lại tranh giành một cô gái chửa hoang?”.
Nghe được câu nói xúc phạm, Lý An lẳng lặng lấy thuyền, ôm con bơi đến một hòn đảo khác. Sau đó, cô qua đời trong khi nằm ngắm sao trên trời – một chi tiết thể hiện khát vọng tự do của người phụ nữ. “Đây là một bộ phim thách thức những quan điểm truyền thống về người phụ nữ”, TS Đào Lê Na phân tích.
Theo TS Lê Na, bộ phim còn thể hiện quyền lực của nữ giới trong xã hội thông qua “sự im lặng” của nhân vật chính. “Có hai sự im lặng mà tôi cho là đắt giá trong phim. Một là Lý An im lặng khi được hỏi cha đứa bé là ai vì cô biết dù có khai ra thì cả hai cũng phải chết. Lý An giữ im lặng để bảo vệ quyền được yêu, quyền được sinh con.
Lần thứ hai, Lý An im lặng và rời đi khi bị ba người thợ mộc xúc phạm, cô im lặng để giữ quyền có một cuộc sống riêng. Thế mới nói, Hạt mưa rơi bao lâu là một bộ phim có dấu ấn nữ quyền mạnh mẽ”, cô phân tích.
Mất việc vì… sinh con
Trao đổi trong buổi trò chuyện, TS Alisa Freedman cũng chia sẻ quá trình bản thân trò chuyện và viết về những nữ học giả đã đấu tranh vì một nền học thuật bình đẳng giới.
Năm 2023, bà đã xuất bản sách Women in Japanese Studies (Tạm dịch: Phụ nữ trong ngành Nhật Bản học – PV). Trong tác phẩm, bà viết lại hành trình học thuật của 32 nhà nghiên cứu nữ của ngành Nhật Bản học với thể loại tự truyện.
TS Alisa hiện là Giáo sư Văn học Nhật Bản, Nghiên cứu Văn hóa và Giới tính. Bà còn là Tổng biên tập Tạp chí Phụ nữ Mỹ – Nhật. Ảnh: Rebecca Sauders.
“Tôi đã trò chuyện với nhiều nữ trí thức ở Nhật Bản lẫn Việt Nam. Điểm chung lớn nhất của họ là tất cả đều bị đối xử bất công bởi những tập quán xã hội, kinh doanh. Dù làm việc trong lĩnh vực sản xuất tri thức, phụ nữ thường xuyên gặp khó khăn trong việc được nhận vào làm và thăng tiến trong giới học thuật”, TS Alisa kể.
Women in Japanese Studies kể về hành trình học thuật của 32 nhà nghiên cứu nữ của ngành Nhật Bản học. Ảnh: Association for Asian Studies.
Với bà, một trong những nữ trí thức để lại ấn tượng mạnh nhất là TS Barbara Ruch (Đại học Colombia). “TS Barbara là một trong số ít phụ nữ từng dạy ở Harvard. Tuy nhiên, vì Havard không nhận phụ nữ, bà nhanh chóng mất việc. Có một nữ học giả tôi từng phỏng vấn còn bị mất việc vì nghỉ một thời gian để sinh con”, TS Alisa chia sẻ.
Hiện nay, theo TS của Đại học Oregon, sau nhiều phong trào nữ quyền, xã hội đã có cái nhìn tích cực hơn đối với những người phụ nữ làm việc trong lĩnh vực sản xuất tri thức, văn hóa. “Chúng tôi đã và đang đấu tranh mỗi ngày để đòi quyền bình đẳng trong công việc, cơ hội thăng tiến và lương thưởng”, bà nói.
Theo bà, hành trình sống của những người phụ nữ vốn là những cuộc phiêu lưu. Đặc biệt là khi định kiến phụ nữ gắn với nhà bếp, gia đình vẫn còn phổ biến. Điều này đòi hỏi họ phải dấn thân vào hành trình chứng minh giá trị của chính mình. Tuy nhiên, khi đã dám bắt đầu hành trình này, họ cũng bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và thoát khỏi định kiến “phụ nữ là kẻ đánh cắp ngôn ngữ”.
Theo ZNews