Sau lời chia tay cay đắng của ban nhạc ‘Ngọt’ hồi tháng 3/2024, hàng loạt nhóm nhạc Việt tấn công thị trường âm nhạc. Đây sẽ là tín hiệu tích cực, mở ra chương mới cho mảnh ghép bị thất thế trong gần 2 thập kỷ qua hay chỉ là trào lưu ‘ăn xổi’ – sớm nở tối tàn?
Nhóm nhạc liên tục tấn công thị trường Vpop
VibeQueens với sự kết hợp của hai ca sĩ đã nổi danh là Phương Vy và Lưu Hương Giang là nhóm nhạc mới nhất vừa ra mắt hôm 1/6. Thay vì chỉ tập trung vào duy nhất một dòng nhạc hoặc một thể loại, VibeQueens cho biết muốn thử nghiệm tất cả và đem đến cho người nghe những sự bất ngờ trong âm nhạc. Nhóm chào sân với ca khúc “Chị em mình trên ti vi” trên một sân khấu ở TP Hồ Chí Minh. MV ca khúc được tung lên YouTube hôm 7/6, hiện có hơn 167.000 lượt xem.
Lưu Hương Giang – Phương Vy gây bất ngờ khi cùng tạo nên nhóm nhạc VibeQueens.
Cách đó không lâu, Lunas – nhóm nhạc được thành lập sau chương trình “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” gồm các thành viên Diệp Lâm Anh, Huyền Baby, Lan Ngọc, Trang Pháp, Khổng Tú Quỳnh cũng ra mắt với MV “Moonlight”. Sản phẩm được trình làng hôm 20/5 và lập nhiều thành tích ấn tượng như: đạt gần 400.000 lượt xem, trở thành nhóm nhạc đầu tiên ở Việt Nam có sản phẩm đạt top 1 trending âm nhạc trên YouTube chỉ sau 7 tiếng phát hành. Thừa thắng xông lên, nhóm còn tổ chức sự kiện ra mắt kéo dài trong 3 tiếng, kết hợp giữa fanmeeting và sân khấu biểu diễn, thu hút hơn 1.500 khán giả.
Trong khi đó, công ty S.V cũng rục rịch ra mắt nhóm nhạc nữ với tên gọi Slaydies, gồm 4 thành viên là các hoa hậu, á hậu nổi tiếng. Thành viên đầu tiên vừa được công bố là Á hậu 2 Hoa hậu Liên lục địa 2023 (cũng là Á hậu 2 của Hoa hậu Việt Nam 2022) Lê Nguyễn Ngọc Hằng – nghệ danh Hera Ngọc Hằng.
Sắp đến, gameshow “Anh trai Say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” cũng là những dự án để tạo ra các nhóm nghệ sĩ “cũ mà mới” tương tự như show “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”. Trong một diễn biến khác, giới indie cũng liên tục phát triển những nhóm nhạc mới như Meow Lạc, Catchellers hay Themèo.
Việc các nhóm nhạc rầm rộ ra mắt, bước đầu có sản phẩm ấn tượng mang đến một bức tranh đa sắc, sôi động cho thị trường âm nhạc Việt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng loạt nhóm nhạc đình đám “ngã ngựa” trong thời gian qua, người ta lại hoài nghi về tương lai của các gương mặt mới.
Ban nhạc “Ngọt” chụp ảnh cùng hàng nghìn khán giả tại Monsoon 2023.
Chỉ trong chưa đầy 3 tháng, ba nhóm nhạc đình đám một thời là Bức Tường, Ngọt, Ngũ Cung liên tục gặp biến động. Theo đó, ngày 19/3, Ngọt đột ngột thông báo dừng hoạt động bằng một chia sẻ ngắn gọn: “Ngọt chính thức dừng biểu diễn từ hôm nay. Xin cảm ơn rất nhiều! Một chặng đường rất ý nghĩa. Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất album cuối của Ngọt”. Cuối tháng 5, thành viên Hoàng Hiệp – vocal chính của ban nhạc Ngũ Cung được thông báo đã rời nhóm. Hồng Phi – giọng ca từng góp mặt tại cuộc thi The Voice sẽ thay thế vị trí này. Còn ban nhạc Bức Tường cũng lặng lẽ chia tay nghệ sĩ Nguyễn Minh Đức, thay bằng tay bassit Kiên Cun.
Giữa năm 2023, Cá Hồi Hoang cũng gây sốc khi tuyên bố chia tay khán giả sau 10 năm gắn bó. Thành viên Thanh Minh và Khắc Đạt khi bước xuống sân khấu sẽ tiếp tục công việc của mình là một bác sĩ da liễu và một nhà thiết kế. Kém may mắn hơn, nhóm Lộn Xộn – quán quân chương trình Sing my song 2018 cũng chỉ đi cùng nhau trong hành trình 4 năm ngắn ngủi.
Mọi so sánh đều khập khiễng?
Không phải bây giờ, nhóm nhạc Việt hợp sớm rồi tan trong sự ngỡ ngàng, tiếc nuối và hoài nghi cho một mảnh ghép trong bức tranh âm nhạc. Thời đỉnh cao của nhóm nhạc phải kể đến gần 20 năm trở về trước với những cái tên đã trở thành huyền thoại như: 5 Dòng Kẻ, Tam ca Ba con mèo, Tam ca Áo trắng, Mắt ngọc, Mây trắng, MTV, Bức Tường…
So với thời đó, các nhóm nhạc bây giờ có lợi thế về mặt ngoại hình, tài chính, công nghệ… nhưng vẫn không thể vượt qua thế hệ đàn anh, đàn chị. Kể cả “ông bầu”, “bà bầu” như Đông Nhi, Ông Cao Thắng, Tăng Nhật Tuệ… đều xuất thân từ giới nghệ sĩ, từng lăn xả nhiều năm trong nghề, đồng thời cũng là những người tiên phong trong công cuộc thử nghiệm cho ra những nhóm nhạc với công chúng cũng phải loay hoay trong hướng đi và dẫn dắt “gà nhà”.
Tạo hình của nhóm nhạc Lunas bị đánh giá mang màu sắc Kpop.
Trở lại trường hợp của Lunas. Thời điểm ra mắt, nhóm được giới thiệu là nhóm nhạc nữ thế hệ mới – được lấy cảm hứng từ những mặt trăng tỏa sáng, đại diện cho vẻ đẹp quyến rũ và thu hút của những người phụ nữ trưởng thành. “Lunas là sự kết hợp đặc biệt của những người nghệ sĩ giàu kinh nghiệm. Sự khác biệt của Lunas là tất cả các thành viên đều là những nghệ sĩ độc lập với những lịch trình riêng, không phải là thực tập sinh dành trọn toàn phần thời gian cho nhóm nhạc, nhưng những gì nhóm mang tới đã cho thấy họ và êkip đã thật sự vượt qua nhiều rào cản về thời gian, lịch trình kín đặc của các thành viên để đem đến một sản phẩm chỉn chu nhất”, nhóm mạnh dạn tuyên bố trong ngày ra mắt.
Thực tế, dù mang lại hiệu ứng tốt, nhưng MV “Moonlight” không có gì ngoài các “chị đẹp”. Nhóm chỉ được khen ngợi nhiều ở phần hình ảnh, phần quan trọng nhất là âm nhạc lại gây tranh luận. Các thành viên đều bị nhận xét hát khó nghe. Phần nhạc hay nhưng lời ca khúc do Trang Pháp sáng tác chưa hấp dẫn. Khi kết hợp màu sắc của cả 5 nghệ sĩ, ca khúc trở nên lộn xộn, chắp vá. Nhà sản xuất âm nhạc ViruSs thậm chí còn đưa ra lời khuyên 5 “chị đẹp” Lunas nên “đi học thanh nhạc tử tế vì thiếu kỹ năng chuyên môn”. “Ninh Dương Lan Ngọc, Diệp Lâm Anh hay Huyền Baby không phải ca sĩ chuyên nghiệp, không có nhiều kỹ thuật thanh nhạc nên hát, rap không ổn; còn Khổng Tú Quỳnh có lối hát kiểu ballad, không phù hợp với tempo của Moonlight”, ViruSs nói.
Soi chiếu từ trường hợp của Lunas và những nhóm nhạc từng xuất hiện tại Việt Nam, dễ dàng nhận thấy nhiều trăn trở khiến mô hình âm nhạc này chưa thể trở lại thời hoàng kim. Theo đó, Lunas và nhiều nhóm nhạc khác, nhất là giới indie vẫn hình thành theo hình thức tự phát.
Theo chia sẻ của nhóm, việc được tỏa sáng, được trình diễn theo nhóm ở sân khấu show “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” đã đánh thức lại những ước muốn, hoài bão và cả tham vọng với âm nhạc của cả 5 thành viên. Các cô gái đã quyết định “thành đoàn” sau khi chương trình kết thúc. Kể cả khi có sản phẩm âm nhạc, 5 cô gái vẫn khiến người ta mơ hồ khi sau đó mỗi người vẫn lặng lẽ phát triển sự nghiệp riêng, mỗi người vẫn hoạt động độc lập hoặc trực thuộc một công ty giải trí riêng. Kể cả khi nhóm được “sao chép” từ phần hình ảnh, đến công thức quảng bá của nhóm nhạc Hàn Quốc, Lunas vẫn là “bản sao bị lỗi” với một tương lai khó đoán.
BlackPink mang tour diễn vòng quanh thế giới Born Pink World Tour đến sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội vào tháng 7/2023.
Trong quá khứ, những nhóm nhạc “lai căng” có mô hình học hỏi theo Kpop như Lip B, Monstar, Zero9, Lime… cũng “sớm nở tối tàn” cũng vì trào lưu bắt chước, ăn xổi. Họ thiếu màu sắc riêng biệt, ảnh hưởng quá nhiều từ Kpop khiến khán giả không mấy hứng thú, bởi Kpop không thiếu và thậm chí đang làm quá tốt mảng này.
Ở chiều ngược lại, những nhóm nhạc indie như Chillies, Cá Hồi Hoang, Ngọt, Da Lab, The Cassette… có màu sắc riêng, tồn tại lâu hơn nhưng cũng chật vật, không hứa trước được tương lai vì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Họ đều hoạt động độc lập, không được sự hậu thuẫn của một công ty đủ tiềm lực cả về chuyên môn (sản xuất, quản lý, truyền thông) và kinh tế.
Nhìn sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, không phải ngẫu nhiên các thế hệ nhóm nhạc của họ vẫn có thể nối tiếp, duy trì kéo dài hàng nhiều thập kỷ, đến tận ngày nay. Nhạc sĩ Giáng Son cũng phải thừa nhận: “Để được như Kpop, cần đến cả một cơ chế vận hành từ khán giả, công ty quản lý, thị trường biểu diễn, các chính sách ủng hộ đến khả năng đào tạo, biểu diễn nhóm”.
Thực tế, ở Hàn Quốc có những công ty giải trí được mệnh danh là các lò sản xuất đào tạo các nhóm nhạc. Tất cả đều được đồng bộ hóa từ khâu đào tạo ca sĩ thần tượng, thành lập nhóm nhạc, quản lý nhóm nhạc và đưa nhóm nhạc lên sân khấu trình diễn. Lee Soo Man (SM), Yang Hyun Suk (YG) hay Park Jinyoung (JYP) đều là những bậc thầy lão làng trong việc tuyển chọn và đào tạo thần tượng. Họ có kinh nghiệm và bắt tay huấn luyện thực tập sinh khi họ còn là những đứa trẻ.
Quá trình đào tạo có thể kéo dài hàng thập kỷ. Đơn cử, trước khi trở thành thần tượng Kpop đầu tiên lấn sân sang thị trường phương Tây với tư cách là nhà sản xuất và ca sĩ, G-Dragon là đã trải qua 11 năm đào tạo (5 năm với SM và 6 năm với YG). Bốn cô gái của nhóm nhạc BlackPink trước khi trở thành ca sĩ toàn cầu cũng phải mất 4-5 năm miệt mài với danh nghĩa thực tập sinh.
Nhạc sĩ Huy Cường thừa nhận, so với thị trường các nước châu Á, nhóm nhạc ở Việt Nam khó sống hơn so với ca sĩ solo (đơn lẻ). Chi phí đào tạo và duy trì nhóm cao nhưng cát-xê lại không cao hơn ca sĩ solo. “Thị trường âm nhạc Việt Nam từng xuất hiện nhiều ban nhạc được xây dựng theo các nhóm nhạc của Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng họ lại không trụ được lâu. Thị trường âm nhạc rất khắc nghiệt, việc tốn kém từ quản lý nhóm nhạc, tổ chức ăn uống, tập luyện, đi lại, mua sắm phục trang… có thể nói là gấp 3-4 lần việc đào tạo một ca sĩ solo nên các nhóm đã tan rã vì… thu không bù nổi chi”, nhạc sĩ thừa nhận.
Tất nhiên, sẽ là khập khiễng nếu đặt nhóm nhạc Việt lên bàn cân so sánh với các nhóm nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Nhưng cũng đã 2 thập kỷ trôi qua, nhóm nhạc Việt vẫn đang loay hoay, bỏ ngỏ một khoảng trống trong bức tranh âm nhạc là một điều đáng tiếc. Phải chăng, đã đến lúc những nhân tố tạo nên ngành công nghiệp văn hóa bao gồm nghệ sĩ, doanh nghiệp, chính phủ… cùng nhau tìm lối đi để phát triển ngành công nghiệp văn hóa đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc.
Theo An Ninh Thế Giới