Có khoảng chục phim điện ảnh Việt ra rạp từ đầu năm 2024 đến nay nhưng số lượng phim thắng doanh thu chỉ dừng lại ở 3 tác phẩm
Phim “Móng vuốt” của đạo diễn Lê Thanh Sơn là tác phẩm mới nhất đang trong cảnh ế ẩm phòng vé, doanh thu kém so với phim Thái Lan “Gia tài của ngoại” chiếu cùng thời điểm. Với đà hiện tại, phim này nhiều khả năng nối dài danh sách phim Việt thua lỗ.
Phân thành hai cực rõ nét
Phim “Móng vuốt” khai thác đề tài sinh tồn, mạo hiểm, chính thức khởi chiếu tại rạp từ ngày 7-6, quy tụ dàn diễn viên gồm: Tuấn Trần, Thảo Tâm, Quốc Khánh, Gi A Nguyễn, Naomi, Ceri Thu Hà… Nội dung phim xoay quanh nhóm bạn trẻ đi dã ngoại, cắm trại trong rừng. Chuyến đi tưởng chừng như yên bình của họ lại trở thành cơn ác mộng khi đối mặt với sự tấn công hung hãn của một con gấu khổng lồ tên Mật. Gấu Mật làm thành viên của nhóm bị thương, dồn mọi người vào trong xe, khiến họ đối diện bờ vực sinh tử, nỗ lực đấu tranh để sinh tồn.
Theo thống kê từ Box Office Vietnam, tính đến trưa 13-6, phim “Móng vuốt” thu được hơn 3,3 tỉ đồng, con số quá thấp so với kỳ vọng. Trong khi đó, phim Thái Lan “Gia tài của ngoại”, do Pat Boonnitipat đạo diễn, khai thác câu chuyện tình cảm bà cháu, gia đình, chân thật, quen thuộc, mang đến cảm xúc sâu lắng cho khán giả. Phim cũng ra rạp từ ngày 7-6 và đến nay thu hơn 34,8 tỉ đồng, đang dẫn đầu danh sách phim doanh thu cao nhất thị trường Việt tính theo ngày.
Theo nhà phê bình phim Tuấn Nguyễn, phim “Móng vuốt” thất bại phòng vé vì câu chuyện kể không gần gũi. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Trước phim “Móng vuốt”, phim “Án mạng lầu 4” của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng rời rạp từ ngày 6-6, với doanh thu chỉ gần 2 tỉ đồng. Phim “Cái giá của hạnh phúc” của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm thu được hơn 26 tỉ đồng nhưng lỗ nhiều so với kinh phí đầu tư. Phim “B4S – Trước giờ yêu” – của các đạo diễn: Tùng Leo, Michael Thái, Huỳnh Anh Duy, Phan Gia Nhật Linh – thu được hơn 3,8 tỉ đồng. Phim “Quý cô thừa kế 2” của đạo diễn Hoàng Duy, rời rạp với hơn 6,4 tỉ đồng. Phim “Sáng đèn” của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường cũng chỉ thu về 3,4 tỉ đồng. Phim “Trà” của đạo diễn Lê Hoàng thu được chỉ 1,6 tỉ đồng trước khi thông báo rời rạp, chờ trở lại dịp khác.
Trong 3 phim Việt thắng đậm thời gian qua thì mức doanh thu từ ổn đến vô cùng cao. Phim “Mai” của Trấn Thành hiện đang dẫn đầu danh sách phim điện ảnh Việt doanh thu cao nhất lịch sử: 551 tỉ đồng, phim “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải tạm đứng thứ hai với 473 tỉ đồng và hiện vẫn trụ rạp, phim “Gặp lại chị bầu” của đạo diễn Nhất Trung với hơn 92 tỉ đồng. Điều này khiến thị trường phim Việt 6 tháng đầu năm 2024 phân thành hai cực rõ nét – phim thắng đậm và thua lỗ nặng nề.
Trong khi đó, có khá nhiều phim nước ngoài chinh phục được khán giả Việt, đạt doanh thu từ 100 đến 200 tỉ đồng như phim “Exhuma: Quật mộ trùng ma” của Hàn Quốc thu hơn 212 tỉ đồng, phim “Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu” của Nhật Bản thu hơn 129 tỉ đồng…
“Thị trường phim Việt hiện nay có lẽ chỉ có Trấn Thành, Lý Hải vừa là diễn viên kiêm đạo diễn có thương hiệu lớn, lượng người hâm mộ đông đảo là bảo đảm được khả năng thắng của phim. Còn lại thường rất khó đoán trước” – đạo diễn Võ Thanh Hòa nhận định.
Đam mê thì rất khó từ bỏ
Nhà phê bình phim Tuấn Nguyễn cho rằng phim “Móng vuốt” ế ẩm phòng vé là do câu chuyện kể không gần gũi với khán giả, nên họ đã chọn phim “Gia tài của ngoại”. Dù là phim Thái Lan nhưng “Gia tài của ngoại” khai thác tình cảm bà cháu, câu chuyện gia đình phù hợp với số đông khán giả Việt Nam. Một số phim như: “Án mạng lầu 4”, “Cái giá của hạnh phúc”, “Quý cô thừa kế 2”, “Trà”… cũng gặp phải tình huống tương tự, kịch bản còn nhiều hạn chế, không gần gũi, thiếu hơi thở cuộc sống, khó tạo cảm xúc hoặc sự đồng cảm nơi khán giả.
Chuyên viên truyền thông mảng phim Châu Quang Phước nói: Tình hình hiện tại đang gây khó cho điện ảnh Việt. Song khó khăn này sẽ kích hoạt về sự sinh tồn với giới làm nghề, phải thật sự “mạnh” mới có cơ hội sống sót. Với lĩnh vực điện ảnh, gọi là “mạnh” là phải biết sáng tạo và ứng biến linh hoạt với từng giai đoạn biến đổi của thị trường, cũng như khả năng song hành cùng thời đại.
Nghĩa là phải biết cách nắm bắt thị hiếu nhiều đối tượng người xem mục tiêu, bằng tư duy mới chứ không phải cứ mãi khư khư bám giữ những kinh nghiệm lỗi thời hoặc những mặc định không sát thực tế đời sống đang thay đổi rất nhanh như hiện nay.
“Dĩ nhiên, để có thể cho ra những tác phẩm điện ảnh thắng doanh thu phòng vé thì rất cần bản lĩnh thực sự của người làm phim. Khán giả sẽ được hưởng lợi với những sản phẩm phim Việt có chất lượng cao “làm mưa, làm gió” khi ra rạp. Nếu nhà làm phim có tâm huyết, có thực tài thì hoàn toàn có thể làm được điều này” – ông Châu Quang Phước nhìn nhận.
Theo đạo diễn Mai Thế Hiệp, tuy thị trường trong thời gian qua và hiện nay có nhiều phim thua hơn thắng nhưng với những nhà làm phim tâm huyết, đam mê nghề thì họ vẫn sẽ tiếp tục hành trình của mình. “Họ rút bài học kinh nghiệm sau mỗi tác phẩm dù thắng hay thua và vẫn sẽ tiếp tục làm phim, bởi đã đam mê thì rất khó từ bỏ” – đạo diễn Mai Thế Hiệp nói.
Theo các nhà chuyên môn, điện ảnh Việt Nam hiện tại cần những kịch bản chất lượng, gần gũi, đủ sức thuyết phục khán giả. Nếu không chạm đến được cảm xúc của khán giả, không tạo được hiệu ứng truyền miệng thì tác phẩm rất khó để hòa vốn.
Theo Người Lao Động