Tiếp đà sau Tết Nguyên đán khi nhiều bộ phim sản xuất trong nước có doanh thu cao, hi vọng mùa hè này phim Việt sẽ tiếp tục bùng nổ.
Phim “Quý cô thừa kế 2” rút khỏi rạp sau 20 ngày chiếu. Ảnh: T.P.
Nhưng mọi sự đã không như ý, nhiều rạp vắng vẻ khi trình chiếu phim Việt cho dù trước đó đã được quảng cáo khá rầm rộ. Bảng xếp hạng tuần qua của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập) cho thấy: Top 10 có sự xuất hiện của phim Hollywood, Hàn, Nhật, Thái… Trong khi đó, phim Việt lại rơi vào cảnh ế ẩm. Trong top 10 chỉ có duy nhất 1 phim Việt là “Lật mặt 7: Một điều ước”. Sau gần 2 tháng trụ rạp, dự án vẫn hốt hơn 1,7 tỷ đồng vào cuối tuần, đứng vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng.
Vì sao mùa hè phim Việt ra rạp lại rơi vào tình cảnh đó? Và liệu ngày 28/6 tới khi phim “Mùa hè đẹp nhất” của đạo diễn Vũ Khắc Tuận, người từng có kinh nghiệm dựng phim cho Tháng năm rực rỡ (2018), Bố già (2021), Nhà bà Nữ (2023), Mai (2024)… có thoát khỏi cảnh ế ẩm?
Trong khi phim Việt ế ẩm thì phim nước ngoài vẫn thống trị hệ thống rạp trong nước. Nhiều người trong giới điện ảnh cho rằng sở dĩ như vậy là do tình trạng chất lượng “trồi sụt” của phim sản xuất trong nước. Đề tài phim loanh quanh với những câu chuyện nhằm lấy nước mắt người xem, hoặc là pha lẫn những tình huống hài không phải lúc nào cũng có duyên. Ngay cả dòng phim từng hi vọng trở thành bom tấn của phim Việt là phim kinh dị thì cũng nhanh chóng hụt hơi.
Khi mà cán cân phòng vé nghiêng hẳn về các phim ngoại thì việc phim Việt giành được thị phần ngay tại sân nhà là việc không dễ dàng. Thông thường, mùa phim hè có doanh thu cao nhất các mùa trong năm. Đặc biệt, đó cũng là thời điểm sôi động của điện ảnh thế giới khi các phim bom tấn đổ xô ra mắt.
Thế nhưng, tại thị trường Việt Nam, tình thế ngược lại khi mà mùa phim hè mới chỉ có lèo tèo vài bộ phim ra rạp. Điều đó cũng có thể hiểu là phim Việt đang “nhường sân nhà” cho phim ngoại, lui về mùa phim Tết mà thôi.
Mùa hè năm trước, điện ảnh Việt có 2 phim ra mắt. Trong đó “Án mạng lầu 4” của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chỉ trụ rạp được 3 tuần với doanh thu gần 2 tỷ đồng, nối gót những bộ phim thất bại về doanh thu phòng vé như “Đóa hoa mong manh” (430 triệu đồng), “Quý cô thừa kế 2” (6,4 tỷ đồng), “B4S: Trước giờ yêu” (3,8 tỷ đồng), “Sáng đèn” (3,4 tỷ đồng)… Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, với doanh thu khoảng 2 tỷ đồng thì việc hòa vốn cũng chưa xong. Trước đó, doanh thu được dự đoán tầm 50 – 70 tỷ đồng.
Từ trước đến nay, các nhà sản xuất phim Việt luôn băn khoăn về việc chọn thời điểm ra mắt và thường lễ, tết mới tập trung đưa nhiều phim ra chiếu rạp. Nhưng rõ ràng dịp hè cũng là một kỳ nghỉ dài thuận lợi cho việc thư giãn, giải trí để trở thành “mùa vàng” của phim. Điều đó phim ngoại xác định rất rõ ràng, nhưng phim nội thì chưa.
Như vậy, ngoài việc chưa xác định rõ lợi thế của mùa phim hè, thì quan trọng hơn, quan trọng nhất vẫn phải là chất lượng của phim. Không thể chỉ trông chờ vào những mô-tip kịch bản từng ăn khách mà không chịu tìm tòi, sáng tạo, mở ra những con đường mới. Không thể chỉ vì thiếu kịch bản mà đi vay mượn, chắp vá của phim ngoại. Cũng không thể chú ý đến khâu đầu tiên là kịch bản phim, bởi như nhiều người vẫn nói là chưa xem đã biết phim nói gì rồi…
Theo Đại Đoàn Kết