Trong sáng nay, nhiều ngân hàng liên tục báo lỗi không thể chuyển khoản dù khách hàng đã hoàn tất việc xác thực sinh trắc học.
Sáng nay, ngày 1-7, thời điểm xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng chính thức có hiệu lực.
Muôn kiểu từ chối nhận dạng sinh trắc học
Chị Thanh, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết: “Theo kế hoạch, sáng nay tôi cần chuyển khoản với số tiền lớn. Do đó, từ vài ngày trước, tôi đã thực hiện xác thực sinh trắc học đối với tất cả các tài khoản ngân hàng mà mình đang sử dụng. Thế nhưng trong sáng nay, cả ba tài khoản ngân hàng của chị đều không thể nào thực hiện chuyển khoản đi.
Phải đến đầu giờ chiều, app Agribank E-mobile Banking mới thông suốt. Để thử nghiệm việc chuyển tiền bằng cách xác thực sinh trắc học như thế nào, tôi thực hiện chuyển 10 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng Agribank sang tài khoản Vietcombank, hệ thống không yêu cầu xác thực sinh trắc học.
“Nhưng khi tôi chuyển từ số tiền 10.000.001 đồng thì app Agribank bật camera và yêu cầu tôi đưa mặt vào đúng khung hình, đồng thời giữ cố định trong khoảng 5 giây. Khi hệ thống quét hình ảnh khuôn mặt thành công, chuyển sang bước nhập mã PIN Soft OTP. Sau đó, tôi chỉ cần xác thực mã này là giao dịch chuyển tiền được hoàn tất”, chị Thanh kể.
Ở chiều ngược lại, chị Thu Trinh (quận 9, TPHCM) chia sẻ: “Tôi đã thao tác vài chục lần trên app Agribank để xác thực sinh trắc học nhưng hệ thống lần nào cũng thông báo khuôn mặt của tôi không trùng khớp với CCCD gắn chip. Trong khi đó tôi không hề phẫu thuật thẩm mỹ, cũng không trang điểm, đeo kính”.
Chị cho hay, điểm khác biệt duy nhất là ảnh trên CCCD gắn chip, chị để tóc mái ngang chân mày, còn giờ đây tóc dài nên chị cột lên cho gọn gàng và mũi “nở” to hơn do đang trong thai kỳ tháng thứ 5.
“Giải pháp duy nhất của tôi là phải chạy ra phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng mở thẻ để cập nhật. Nhưng đáng nói là, cũng với CCCD gắn chip đó, thì các tài khoản thanh toán tại ACB, MB vẫn chấp nhận xác thực sinh trắc học bình thường”, chị Trinh kể.
Khách hàng xác thực sinh trắc học khi chuyển khoản trên 10 triệu đồng. Ảnh: Minh Hoàng
Cùng cảnh ngộ, chị Thu Hà, quận Tân Phú cho hay, cách đây hơn hai năm chị làm CCCD gắn chip, sau đó mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng Quân đội bằng hình thức định danh điện tử (eKYC). Thời điểm đó, chị vừa sinh em bé xong nên khuôn mặt tròn, cắt tóc tém, mái ngang chân mày.
Nhưng giờ đây khi thực hiện xác thực sinh trắc học thì khuôn thon gọn, không để kiểu tóc mái nữa. Do đó, khi xác thực sinh trắc học, app của MB liên tục thông báo không phải là người trong CCCD gắn chip. Vậy là chị phải ra ngân hàng, trình bày lý do và nhờ nhân viên ngân hàng hỗ trợ.
Chị tiếp lời: “Sau khi xác thực xong các thông tin cần thiết, nhân viên ngân hàng hướng dẫn tôi xác thực sinh trắc học ngay trên app mobile banking của MB với các bước như nhìn nghiêng trái, nghiêng phải, nhìn thẳng, đọc dãy 6 ký tự gồm chữ và số để hệ thống ghi nhận các điểm cử động trên khuôn mặt”.
Xuất hiện chiêu lừa đảo mới
Chia sẻ về việc app mobile banking của Agribank trong sáng nay bị lỗi, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Cũng giống như lệnh đặt mua vàng miếng SJC, khi mà cùng thời điểm mà có quá nhiều người thực hiện việc đăng nhập vào tài khoản thanh toán, sẽ dễ xảy ra hiện tượng nghẽn mạng. Thực tế cho thấy, hệ thống không ghi nhận số lượng giao dịch chuyển khoản online có giá trị trên 10 triệu đồng tăng đột biến trong sáng nay.
“Đến nay, chúng tôi chưa có thống kê về số lượng tài khoản thanh toán đã hoàn tất quá trình xác thực sinh trắc học. Nhưng trong tuần vừa qua, các chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank đã làm việc thông suốt cả thứ bảy, chủ nhật để giúp khách hàng có nhu cầu xác thực sinh trắc học”, bà Phượng nói.
Theo đại diện Agribank, ngoài cách hướng dẫn qua đường dây nóng, đã có nhiều chi nhánh của Agribank còn thành lập các tổ lưu động để thực hiện hỗ trợ xác thực sinh trắc học khi nhận được những yêu cầu giúp đỡ của những đơn vị chi trả lương qua tài khoản ngân hàng.
“Hiện tại, việc thành lập các tổ lưu động để hỗ trợ cài đặt xác thực sinh trắc học chỉ tập trung ở những thành phố lớn. Tại những địa bàn thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, ít phát sinh các giao dịch chuyển khoản trực tuyến có giá trị trên 10 triệu đồng, mà thường chỉ là các giao dịch nhỏ lẻ”, bà Phượng nói.
Bên cạnh đó, bà Phượng cũng nhấn mạnh: Hiện nay đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng lừa đảo. Cụ thể như kẻ gian thực hiện các cuộc gọi điện thoại và giả mạo là nhân viên ngân hàng hướng dẫn khách hàng xác thực sinh trắc học thông qua các đường link giả mạo.
Tương tự, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng đưa ra khuyến cáo đối với các khách hàng: Nhằm hạn chế tình trạng kẻ gian giả mạo, lừa đảo, khách hàng chỉ cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng mở tài khoản thanh toán. Không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ website hay ứng dụng nào khác. Đồng thời, các ngân hàng tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ… qua điện thoại hoặc đường link.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết: Theo thống kê của NHNN, số lượng giao dịch chuyển khoản trực tuyến từ 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 11% trong tổng số giao dịch. Còn nếu tính tổng số người có giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 20 triệu đồng/ngày chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng số giao dịch.