Nhiều diễn viên từ vai chính diện đến phản diện trong các phim truyền hình phát sóng gần đây thường xuyên bị khán giả ‘ném đá’ một cách vô tội vạ khiến tôi cảm thấy khá bức xúc.
Những bộ phim như Trạm cứu hộ trái tim, Mình yêu nhau, bình yên thôi, Người một nhà… phát sóng gần đây đều có những diễn viên bị “ném đá” vì diễn xuất quá đạt. Những diễn viên như Vân Dung, Lương Thu Trang, Quang Sự đã nhận về nhiều lời chỉ trích vì hóa thân xuất sắc vào các nhân vật có tính cách phức tạp.
Đặc biệt, các diễn viên đóng chính như Hồng Diễm và Việt Hoa, chỉ vì vai diễn của họ không làm “vừa lòng” khán giả, đã phải đối mặt với làn sóng tấn công dữ dội trên trang cá nhân hoặc trên các diễn đàn phim. Chưa hết, nhiều người còn “soi” vào sắc vóc của nghệ sĩ để “dìm hàng” họ chỉ vì ghét nhân vật.
Lương Thu Trang và Quang Sự bị “ném đá” chỉ vì ghét nhân vật. Chụp màn hình
Tôi còn nhớ trước đó có phim Chúng ta của 8 năm sau, có trường hợp của Cù Thị Trà và B Trần là một minh chứng rõ ràng cho hiện tượng này. Cù Thị Trà với vai tiểu tam Anh Thu và B Trần, với vai “bad boy” Tùng đã nhận những lời dọa đ.ánh và ném đá không thương tiếc ngoài đời. Điều này cho thấy một số khán giả không thể phân biệt giữa diễn viên và nhân vật họ thể hiện.
Diễn viên là những người nghệ sĩ, họ có nhiệm vụ hóa thân vào các nhân vật và thể hiện cảm xúc, tính cách của nhân vật đó theo kịch bản và sự chỉ đạo của đạo diễn. Vai diễn không phản ánh con người thật của diễn viên, mà chỉ là một phần công việc của họ. Sự thù ghét và tấn công diễn viên vì vai diễn của họ là một hành động không công bằng và vô lý.
Hồng Diễm cũng bị “soi” nhan sắc và chỉ trích cách chọn vai diễn chỉ vì vai chính trong Trạm cứu hộ trái tim. Chụp màn hình
Biên kịch và đạo diễn là những người xây dựng nên câu chuyện, phát triển tính cách và đường dây tâm lý của nhân vật. Diễn viên chỉ là người truyền tải những gì được “vẽ” ra, họ không có quyền thay đổi kịch bản hay tính cách nhân vật. Việc của họ là làm tốt vai trò của mình, khiến khán giả cảm thấy nhân vật đó sống động và thực tế, là một điều đáng được ghi nhận và tôn vinh, chứ không phải bị lên án.
Một trong những yếu tố quan trọng của nghệ thuật diễn xuất là khả năng làm cho khán giả cảm nhận được cảm xúc và tính cách của nhân vật. Khi một diễn viên thành công trong việc này, dù có bị “ghét cay ghét đắng” thì điều đó có nghĩa là họ đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là sự xuất sắc này đôi khi lại bị hiểu nhầm và dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ phía khán giả.
Nhiều khán giả còn “đánh hội đồng” cả diễn viên trên trang cá nhân như Quang Sự chỉ vì anh diễn đạt vai phản diện. Chụp màn hình
Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của các diễn viên, mà còn tạo ra một môi trường làm việc không lành mạnh trong ngành công nghiệp giải trí. Sự tấn công và chỉ trích vô lý có thể khiến diễn viên mất đi động lực và niềm đam mê với nghề. Hơn nữa, nó còn gây ra áp lực và căng thẳng không cần thiết, ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự thay đổi từ cả hai phía: khán giả và ngành công nghiệp giải trí. Khán giả cần phải hiểu rõ và phân biệt giữa nhân vật và diễn viên, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với công việc của diễn viên. Ngành công nghiệp giải trí cần tạo ra những chiến dịch nâng cao nhận thức, giúp khán giả hiểu rõ hơn về quá trình làm phim và vai trò của diễn viên.
Tóm lại, việc diễn viên bị “ném đá” vô tội vạ chỉ vì làm tốt vai diễn của mình là một hiện tượng đáng buồn và cần phải được chấm dứt. Diễn viên không phải là nhân vật họ đóng, họ chỉ là những người nghệ sĩ mang lại cuộc sống cho những câu chuyện trên màn ảnh. Chúng ta nên tôn trọng và ghi nhận công sức của họ.
Theo Thanh Niên