Lực lượng chuyên môn cho rằng giới trẻ làm nghệ thuật hôm nay dường như đã “ngộ” ra mình thiếu gì và phải làm gì để chứng tỏ dấu ấn cho tuổi trẻ của mình, cho thời đại mình
“Hoa nở không màu” và “Buồn làm chi em ơi” cùng của nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường trở thành ca khúc phổ biến ở thời điểm này thổi lên niềm tin nhạc Việt được sáng tác bởi thế hệ mới đang thực sự được bổ khuyết những gì còn thiếu sót, mà giới chuyên môn thời trước ít nhiều phàn nàn về họ.
Dấu ấn “những nhạc sĩ @”
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cho biết “Hoa nở không màu” là ca khúc nằm trong dự án “Music Diary” mùa thứ hai của anh. Nguyễn Minh Cường hy vọng dự án này có thể đưa âm nhạc về đúng với giá trị cảm xúc, tức là khán giả có thể nhắm mắt và thưởng thức chứ không bị chi phối bởi những nội dung xoay quanh MV (video ca nhạc) như chúng ta đang thấy. Sự kết hợp của Hoài Lâm – Nguyễn Minh Cường gặt hái thành công ngoài mong đợi. Hai ca khúc của Nguyễn Minh Cường đã thực hiện được “sứ mệnh” đưa Hoài Lâm trở lại một cách ấn tượng với công chúng. Cả hai ca khúc “Hoa nở không màu” và “Buồn làm chi em ơi” được giới chuyên môn đánh giá vừa vặn với giọng hát của Hoài Lâm, hạn chế được nhược điểm và phát huy được chất giọng luyến láy của nam ca sĩ này.
Thật ra, Nguyễn Minh Cường đã quá quen với khán giả nhạc Việt qua nhiều bản hit (ăn khách) như “Cả một trời thương nhớ” (giọng ca Hồ Ngọc Hà), “Có điều gì sao không nói cùng anh” (Trung Quân), “Cảm ơn vì đã nói câu từ chối” (Ái Phương ft. Hakoota Dũng Hà), “Theo anh” (Ali Hoàng Dương). Đặc biệt trong năm 2019, Nguyễn Minh Cường ra mắt album “Nhật ký cảm xúc”, thuần pop ballad, do nhiều ca sĩ thể hiện như: Thanh Hà, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên, Ái Phương, Hòa Minzy, Trung Quân và Hoài Lâm. Trước khi được biết đến với vai trò là nhạc sĩ, Nguyễn Minh Cường từng là thành viên của nhóm bè Cadillac.
Quãng thời gian hoạt động trong nhóm, anh đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm về âm nhạc nên bước sang lĩnh vực sáng tác, Cường không gặp quá nhiều khó khăn. Thời gian hoạt động song song với nhóm nhạc, Cường còn hát nhạc phim “Cầu vồng không sắc” năm 2015, đồng thời ra mắt dự án âm nhạc theo phong cách acapella hiện đại, tạo được điểm nhấn trong sự nghiệp.
Thành công của Nguyễn Minh Cường nhắc khán giả nhớ đến một lớp nhạc sĩ đầy ấn tượng: Phạm Toàn Thắng, Thanh Tâm, Mạnh Quân, Nguyễn Xinh Xô, Văn Phong, Dương Cầm, Lưu Hà An, Nguyễn Đức Cường, Lê Cát Trọng Lý, Bùi Công Nam, Khắc Hưng… Họ là những nhạc sĩ rất chăm chút cho sáng tác của mình, theo cách truyền cảm xúc của người hát và người sáng tác cho người nghe. Nhiều người trong số họ tự làm tất cả các công đoạn, từ sáng tác ca khúc đến phối khí, làm nhạc công… Đó là một lớp nhạc sĩ khá toàn diện. Nhạc sĩ Nguyễn Cường gọi thế hệ những người trẻ tài năng này là “những nhạc sĩ @”.
Bộ đôi Hoài Lâm – Nguyễn Minh Cường trình diễn ca khúc “Hoa nở không màu”. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Nỗ lực làm nên giá trị của thế hệ mình
Thực tế, giới chuyên môn kỳ cựu đã có những cái nhìn rất thiện cảm về giới sáng tác nhạc thế hệ mới. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận: “Giới trẻ hiện nay có thể miêu tả những vấn đề nhỏ, ngóc ngách trong đời sống một cách thú vị bằng âm nhạc. Giới trẻ làm nghệ thuật hôm nay dường như đã “ngộ” ra mình thiếu gì và phải làm gì để chứng tỏ dấu ấn cho tuổi trẻ của mình, cho thời đại mình. Nhìn vào các sáng tác của họ, tôi thấy họ đang viết một câu chuyện riêng cho thời đại mà họ làm chủ, điều này rất đáng quý, rất đáng trân trọng”.
Người trong giới khẳng định ngay cả không có sự dẫn dắt của thế hệ trước đi nữa thì giới trẻ vẫn trưởng thành, vẫn tự viết nên những giá trị của thế hệ mình, đó là quy luật. Đặt niềm tin vào lớp trẻ tức là đặt niềm tin vào tương lai. Đó cũng chính là trách nhiệm của thế hệ đi trước. “Có thể có một số người nhìn những hiện tượng bề ngoài đã đánh giá rằng giới trẻ hôm nay sống hời hợt, bỏ quên truyền thống, không chịu học hỏi, tiếp nối những bài học từ thế hệ cha anh đi trước. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Chỉ là lớp trẻ hôm nay đang quan tâm nhiều hơn đến những câu chuyện thế hệ mình, thời đại mình, điều này không có gì sai cả, nếu không muốn nói là vô cùng cần thiết” – nhạc sĩ Quốc An khẳng định.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Đỗ Bảo đánh giá: “Sự thừa nhận đó chưa đủ để tạo nên một vệt đầy đặn. Nếu phủ nhận hoàn toàn thì hóa ra mình là người cực đoan nhưng nếu thừa nhận thì chưa đủ thuyết phục. Giờ đây, hiếm ca khúc làm người nghe rung động”.
Nhiều nhạc sĩ thừa nhận nhạc Việt vẫn còn những sự khoe khoang với MV tiền tỉ hoặc mời được sao ngoại có mặt trong sản phẩm của mình cho hợp mốt, thành tích sản phẩm tốp thịnh hành… Vậy nên, nhiều sản phẩm trong số được tung hê nhiều người xem nhất không phải là âm nhạc. Đa số người sáng tác âm nhạc cũng bị cuốn theo dòng xoáy này.
Tất nhiên, vẫn có không ít nhạc sĩ sáng tác trẻ tâm huyết với sáng tạo âm nhạc nhưng tuổi trẻ cần thời gian trải nghiệm, chọn lọc và vứt bỏ dần… rồi mới nhận ra những gì thuộc về tâm hồn mình.
Lao động cho âm nhạc đang ít đi
Theo nhạc sĩ Đỗ Bảo, những người trẻ hôm nay đang gặp phải nhiều khủng hoảng. Họ lớn lên và làm nghề trong một thế giới mà ảnh hưởng của phương Tây không còn tốt đẹp nữa. Nếu ngày trước, những huyền thoại âm nhạc thành công bằng chính âm nhạc của họ mà không cần phải dùng những phương thức khác ngoài âm nhạc thì nay, mọi thứ đang phát triển theo chiều đi xuống bởi sự can thiệp của công nghệ. Thế hệ trẻ bây giờ (không riêng Việt Nam) lớn lên trong giai đoạn các đỉnh giá trị bị thấp đi; ràng buộc với những thứ khác ngoài âm nhạc lại tăng lên.
Ðịnh nghĩa về thành công cũng thay đổi. Lao động cho âm nhạc ít đi, mà lao động cho những điều chung quanh âm nhạc nhiều hơn. Ðương nhiên, họ làm sao có thể vắt óc cho những gì gọi là nghiêm túc? Những điều đó làm mất đi chức năng nhân bản của âm nhạc, hướng tâm hồn con người đến những điều tốt đẹp.
Theo NLĐ