Mỗi bình luận, chia sẻ thông tin hay hình ảnh trên mạng xã hội có thể vô hại; nhưng nếu thiếu tỉnh táo và trách nhiệm, hậu quả có thể khó lường.
1. Hai chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai đang thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Quy tụ dàn thí sinh nam đình đám, mỗi tập phát sóng đều bùng nổ tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều.
Đặc biệt, việc 2 chương trình phát sóng cùng khung giờ trên 2 kênh khác nhau càng khiến cuộc đua trở nên gay cấn. Người hâm mộ của từng thí sinh và chương trình đều có lý lẽ riêng để bảo vệ “idol” của mình. Tuy nhiên, đáng lo ngại trong một số trường hợp, sự cuồng nhiệt này dẫn đến những hành vi tiêu cực như nói xấu, hạ bệ, bóc phốt, tẩy chay đối thủ trên nhiều diễn đàn mạng xã hội (MXH).
Mỗi chương trình đều sở hữu những điểm mạnh riêng, thể hiện qua lượng người xem trên các nền tảng, lượt tương tác và thảo luận sôi nổi của khán giả. Tuy nhiên, việc đánh giá chương trình nào chất lượng hay ăn khách hơn còn phụ thuộc hoàn toàn vào thị hiếu thẩm mỹ và gu thưởng thức của mỗi người. Thực tế, không ít trường hợp người hâm mộ ủng hộ thần tượng một cách mù quáng, bất chấp lý trí.
“Cuộc chiến” nảy lửa giữa người hâm mộ 2 chương trình âm nhạc đang hot
Thay vì dành thời gian “ném đá” thí sinh, chương trình đối thủ, hãy trân trọng những giá trị tích cực mỗi chương trình mang lại. Bởi cuối cùng, khán giả chính là người được hưởng lợi nhiều nhất khi có các chương trình chất lượng lên sóng. Đây là cơ hội để giải trí, thư giãn thay vì tạo nên những cuộc tranh cãi không hồi kết. Bản thân các nghệ sĩ cũng luôn mong muốn người hâm mộ ứng xử văn minh, tôn trọng mọi người trong mọi trường hợp.
2. Tuy nhiên, trên thực tế, khi tham gia MXH không phải ai cũng đủ tỉnh táo và kiên định để đứng ngoài những trào lưu “anti” hay có đủ thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bình luận, chia sẻ bất cứ thông tin nào. Trong nhiều trường hợp, vì vội vàng, việc xác minh thông tin đúng – sai bị bỏ qua bởi tâm lý “sợ bị bỏ lỡ” (FOMO) – nỗi ám ảnh phổ biến trên MXH hiện nay.
Do đó, họ sẵn sàng tham gia vào mọi cuộc thảo luận, bất kể bản thân có thực sự quan tâm hay không, chỉ để tránh bị coi là kẻ ngoài cuộc. Điều này dẫn đến việc nhiều người chia sẻ, bình luận một cách thiếu suy nghĩ, thiếu trách nhiệm, thậm chí không biết mình đang tiếp tay vi phạm. Những hành vi này không chỉ gây tổn thương cho người khác mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường MXH, biến nó trở thành nơi lan truyền sự tiêu cực.
Điều đáng lo ngại hơn nhiều fanpage, hội nhóm dù có những quy định tưởng chừng văn minh nhưng lại trở thành “chợ trời” với bầu không khí “toxic” (độc hại) bao trùm. Ví dụ, điển hình là một nhóm chuyên bàn tán về hoa hậu với hàng trăm ngàn thành viên. Tại đây, sự phân chia bè phái diễn ra rõ rệt. Nếu thần tượng được yêu thích, họ sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, thậm chí là tâng bốc qua những bài viết hoa mỹ.
Ngược lại, với những người không cùng “phe”, bất kỳ hình ảnh, hành động hay phát ngôn nào cũng có thể bị chế nhạo và công kích. Lĩnh vực thể thao cũng không ngoại lệ. Việc tranh cãi ai là “GOAT” (Greatest Of All Time – Vĩ đại nhất mọi thời đại) giữa Lionel Messi và Cristiano Ronaldo (bóng đá), Djokovic với Nadal hay Federer (quần vợt) vẫn luôn sôi nổi và chưa có hồi kết. Trong không ít trường hợp, vì quá thần tượng, mọi giá trị khác đều bị phủi sạch, chỉ có thần tượng của họ mới được xem “là một, là riêng, là thứ nhất”.
3. Liệu những bình luận độc hại hay ăn theo trên MXH chỉ đơn thuần là hành động vô thưởng vô phạt và không để lại hậu quả?
Có thể tạm xem đây là điều bình thường khi người hâm mộ thể hiện sự bảo vệ cho thần tượng của mình. Tuy nhiên, ranh giới giữa bình thường và bất thường trong nhiều trường hợp rất mong manh. Những bình luận thiếu kiểm chứng, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề nhạy cảm, có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Với tốc độ lan truyền chóng mặt của MXH, thông tin sai lệch dễ dàng được phổ biến, gây hoang mang dư luận.
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển internet và lượng người dùng cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, việc ứng xử văn minh trên MXH vẫn còn nhiều hạn chế. Dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã có những quy định cụ thể, chi tiết và được cập nhật thường xuyên nhưng nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dùng MXH vẫn là điều tiên quyết.
Chúng ta không thể biết trước mình có thể trở thành nạn nhân bất kỳ lúc nào. Vì vậy, văn minh trong trường hợp này còn là đặt mình vào vị trí của người khác trước khi đưa ra bất kỳ bình luận, chia sẻ nào. Phán xét luôn dễ dàng, nhưng thấu hiểu, nhận lỗi và sửa sai khó khăn hơn rất nhiều.
Theo SGGP