Không dám chia sẻ, thậm chí cố gắng che giấu việc đầu tư tiền ảo đang là giải pháp của nhiều người khi đối mặt với dư luận về loại tiền này.
Tiền ảo đang được không ít người chọn lựa đầu tư
Cẩn thận kẻo bị… ghét
“Nói thật, mình có chơi tiền ảo, nhưng cũng chỉ dám chia sẻ với một nhóm nhỏ là những người bạn thân hoặc người cùng đầu tư, chứ đa phần bạn bè xung quanh không nhiều người biết”, anh Tuấn, một người chơi tiền ảo tâm sự với người viết.
Anh kể, không ít lần, trong những cuộc chuyện phiếm, vô tình có người đề cập đến tiền ảo, anh có cảm giác bị kỳ thị, dù không ai biết anh đầu tư, bởi phần lớn các phản hồi về tiền ảo đều mang tính “tấn công” người chơi.
“Tôi có cảm giác, những người xung quanh đều ghét người chơi tiền ảo. Trong mắt họ, đó như là thứ gì xấu xa, kiểu lô đề, cờ bạc. Họ nói về người chơi tiền ảo với rất ít thiện cảm. Những lần như thế, tôi thấy may mắn là mình chưa bị lộ và càng cẩn trọng hơn khi nói về điều này”, anh Tuấn nói.
Ghi nhận từ nhiều người chơi tiền ảo khác mà người viết quen biết hoặc có “duyên” gặp gỡ, một cảm nhận chung đó là sự phòng thủ khi chia sẻ về việc đầu tư, bởi trong mắt “đám đông”, đầu tư vào tiền ảo là viển vông, rủi ro…
Chị Thủy, một nhà đầu tư tiền ảo cho biết: “Bạn bè mình nhiều người nói thẳng, chơi tiền ảo trong mắt họ là game dành cho những người lười lao động, muốn làm giàu nhanh chóng. Trong mắt họ, người chơi là kẻ tham lam”.
“Rồi người ta nói nhiều về các vụ tán gia bại sản và những hệ lụy khác vì chơi tiền ảo. Những điều này càng làm hằn sâu tâm lý ghét tiền ảo và người chơi tiền ảo trong lòng nhiều người”, chị Thủy nói thêm.
Cần sớm có khung pháp lý
Trong mắt nhiều người, đầu tư tiền ảo không khác gì cờ bạc, dành cho người lười làm mà muốn giàu nhanh.
Kênh đầu tư tiền ảo chưa được công nhận ở Việt Nam, nhưng ngày càng có nhiều người tham gia. Do đó, cơ quan chức năng đang chủ động tiếp cận câu chuyện thực tế này để tìm giải pháp quản lý hiệu quả.
Theo đại diện Bộ Tài chính, thời gian qua, nhiều trường hợp tham gia đầu tư tiền ảo dẫn đến rủi ro. Các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã liên tục cảnh báo về vấn đề này.
Trước đó, Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước đăng bài viết “Tiền ảo trong thời đại công nghệ 4.0 và những vấn đề pháp lý đặt ra”, nhấn mạnh rằng, Việt Nam chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh và đầy đủ về tiền ảo. Điều này không chỉ gây khó khăn trong cách hiểu, cách tiếp cận về tiền ảo, mà còn đặt ra những thách thức trong công tác quản lý, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm. Đặc biệt, sự tồn tại khoảng trống pháp luật về tiền ảo đã tạo cơ hội cho các chủ thể lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi.
Chính vì vậy, đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam là việc quan trọng và cấp thiết trước yêu cầu thực tiễn hiện nay. Điều này phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia và là giải pháp mà Việt Nam chủ động hội nhập cũng như ứng phó với tác động của cuộc cách mạng 4.0. Hơn nữa, khi khung pháp lý liên quan đến tiền ảo được hoàn thiện sẽ giúp hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan và phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực này.
Tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo, thời hạn là tháng 5/2025.
Theo Tin Nhanh Chứng Khoán