Các đơn vị phát hành trong nước cùng kêu gọi nhà sản xuất Việt đưa tác phẩm ra rạp để thu hút khán giả.
“Hâm nóng” rạp phim là chủ đề được quan tâm trong tọa đàm Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19, chiều 21/9. Sau hai lần bùng phát dịch, các đơn vị phát hành phim bị ảnh hưởng nặng. Theo thống kê do CGV thực hiện vào tháng 5 – khi mở cửa sau gần hai tháng gián đoạn, doanh thu các rạp chỉ đạt 25% cùng kỳ năm 2019.
Từ phải qua: vợ chồng đạo diễn Lý Hải, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, đạo diễn Charlie Nguyễn dự tọa đàm “Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19″, chiều 21/9, tại TP HCM. Ảnh: Long Bình.
Khi đợt dịch thứ hai bùng phát vào tháng 7, nhiều phim phải hoãn lịch chiếu như Ròm, Tiệc trăng máu, Chồng người ta… Nhà sản xuất – diễn viên Trương Ngọc Ánh cho biết sau thời gian giãn cách xã hội, thói quen đến rạp của khán giả chưa trở lại hoàn toàn. Không ít người đã quen với việc xem phim qua các ứng dụng. Số lượng phim Việt ra rạp cũng giảm dần. Nếu ba tháng đầu năm, chín tác phẩm điện ảnh được công chiếu thì ba tháng gần đây chỉ có năm phim ra rạp.
Bà Ngô Bích Hiền – giám đốc BHD TP HCM – cho rằng để thuyết phục các nhà làm phim, các đơn vị rạp cần cam kết hình thức ủng hộ. Chẳng hạn, với các tác phẩm chất lượng tốt, nhà phát hành phải cam đoan sẽ chiếu trong ít nhất một tháng, số suất mỗi ngày ra sao, bố trí các khung giờ vàng như thế nào. Các cụm rạp cũng có thể hỗ trợ về tỉ lệ ăn chia với đơn vị sản xuất để họ có thêm doanh thu, thay vì mức 45/55 thường thấy (rạp hưởng 55%, còn lại thuộc về nhà làm phim).
Tuy vậy, đại diện các đơn vị rạp cho rằng dịch bệnh chỉ là một trong những nguyên nhân khiến doanh thu ngành phim đi xuống. Lý do chính khiến khán giả ít đến rạp là chưa có tác phẩm nổi trội về chất lượng. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – giám đốc khối vận hành cụm rạp Galaxy – dẫn chứng về hiện tượng Peninsula – phim bom tấn Hàn Quốc đề tài xác sống. Dù công chiếu vào giữa tháng 7, thời điểm dịch còn diễn biến phức tạp, Peninsula trở thành phim Hàn có doanh thu cao nhất lịch sử tại Việt Nam với 83 tỷ đồng, vượt kỷ lục của Parasite năm 2019. Ông Nguyễn Hoàng Hải – đại diện CJ & CGV – cũng đưa ra thống kê ở thị trường phim Trung Quốc. Dù đóng cửa rạp suốt sáu tháng, khi mở lại, doanh thu ngành phim của Trung Quốc tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. The eight hundred – bom tấn về đề tài chiến tranh – thu về hơn 400 triệu USD dù kinh phí đầu tư chỉ hơn 80 triệu USD.
Nhà sản xuất Việt được người trong nghề nhận định đang đứng trước cơ hội vàng ở mùa phim cuối năm, vì không nhiều bom tấn nước ngoài góp mặt trong cuộc đua này. Nếu dồn sang năm sau, hiện tượng “phim chồng phim” sẽ khiến khán giả ngán ngẩm, hiệu suất doanh thu không cao vì mỗi tác phẩm chỉ trụ rạp được một, hai tuần. Tuy vậy, ngoài Ròm – tác phẩm Việt đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) năm 2019 – sắp ra rạp, ít phim nào khiến khán giả hứng khởi, trông chờ. Một số phim sắp chiếu không phải là tác phẩm gây chú ý, như Sài Gòn trong cơn mưa, Người cần quên phải nhớ… “Phim cần chiếu trong thời gian này là những tác phẩm có nội dung vượt trội để tạo cú hích cho khán giả lấy lại thói quen đến rạp”, bà Ngô Thị Bích Hiền, giám đốc BHD TP HCM nói.
“Ròm” – phim được kỳ vọng tạo cú hích phòng vé Việt khi công chiếu ngày 25/9. Video: CGV.
Trailer Ròm
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết anh vẫn giữ niềm tin về thói quen đến rạp của khán giả Việt. Theo anh, trải nghiệm xem phim rạp mang lại giá trị riêng so với xem phim online, tại nhà. Anh nói: “Được khóc, cười, hoảng hốt, hạnh phúc khi ngồi trong rạp là những cảm xúc đặc thù. Điều các nhà làm phim lẫn đơn vị phát hành cần quan tâm là chất lượng phim. Nếu hay, khán giả sẽ tự tìm đến”, anh nói.
Phòng vé Mỹ có thể ế ẩm nhất 22 năm quaHollywood chiếu phim trực tuyến ‘cứu’ doanh thu
Theo VnExpress