Sử dụng nhầm thuốc chữa bệnh giả, kém chất lượng không những không chữa được bệnh mà còn làm ‘cái sảy nảy cái ung’, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc,
Liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả quy mô lớn mà Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá, rất nhiều người dân chia sẻ cảm giác lo lắng khi không biết phải làm sao giữa “ma trận” hàng giả liên quan trực tiếp đến sức khỏe này.
Nghe tin thuốc giả lạnh cả sống lưng
“Tôi bị cao huyết áp hơn 5 năm nay, ngày nào cũng uống thuốc. Nghe tin về đường dây sản xuất, kinh doanh thuốc giả hôm bữa mà lạnh cả sống lưng. Giờ lỡ mình đang uống nhầm thuốc chữa bệnh giả mà không biết thì sao nhỉ?”, ông Nguyễn Văn Thạnh, (65 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) lo lắng.

Một số loại thuốc giả vừa được Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện khi triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc.
Trên các mạng xã hội, nhiều người cũng bày tỏ sự hoang mang, nhiều người đăng hình ảnh thuốc đang sử dụng, hỏi nhau cách phân biệt thật – giả. Có người nghi hoặc “hộp thuốc mới mua nhưng màu sắc hơi nhạt”, “viên thuốc có mùi lạ”… Không ít bình luận bất an vì “không còn biết tin vào đâu khi thuốc thật, thuốc giả lẫn lộn ”.
Không chỉ người bệnh, người nhà bệnh nhân cũng tỏ ra bối rối. “Ngày nào cũng đọc tin, nhưng chỉ thấy nói thuốc giả bị thu giữ chứ không biết đó là loại gì trong khi nhà tôi đang có ba người phải uống thuốc mỗi ngày. Thật giả lẫn lộn, biết tin vào đâu?”, chị Hồ Ngọc Ánh (ngụ quận 8, TP.HCM) lo lắng.
Nhiều hệ lụy từ thuốc giả
Theo Dược sĩ chuyên khoa I Võ Hiền Vinh – Giảng viên Khoa học sức khỏe, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông, việc sử dụng thuốc chữa bệnh giả không chỉ gây thất bại trong điều trị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng, đặc biệt với những người mắc bệnh mạn tính hoặc cần điều trị lâu dài.
Thuốc chữa bệnh giả thường không chứa hoạt chất hoặc chứa không đủ hàm lượng cần thiết, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả. Điều này khiến bệnh không được kiểm soát, tiến triển nặng hơn và có thể dẫn đến tử vong.
Một số thuốc giả chứa các chất độc hại như kim loại nặng hoặc tạp chất không rõ nguồn gốc, có thể gây ngộ độc cấp tính, dị ứng nặng, thậm chí sốc phản vệ. Đặc biệt, thuốc giả có thể chứa các chất như propylene glycol, đã từng gây tử vong cho trẻ em ở một số quốc gia.
Theo dược sĩ Vinh, việc sử dụng thuốc kháng sinh giả hoặc kém chất lượng không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, dẫn đến sự phát triển của các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Từ đó làm giảm hiệu quả của các kháng sinh hiện có, gây khó khăn trong điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Không chỉ dừng lại ở đó, thuốc giả có thể chứa các chất độc hại ảnh hưởng đến chức năng gan, thận và các cơ quan khác, dẫn đến suy giảm chức năng hoặc tổn thương nghiêm trọng. Một số trường hợp đã ghi nhận bệnh nhân bị ngộ độc toàn thân do sử dụng thuốc giả chứa các chất không tan, gây ứ đọng trong dạ dày.
“Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, việc sử dụng thuốc chữa bệnh giả không những làm bệnh không được kiểm soát mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong”, dược sĩ Vinh thông tin thêm.
Cẩn thận với thuốc giả “lọt lưới” ra thị trường
Theo Dược sĩ Nguyễn Minh Hoàng, ngụ TP Thủ Đức, thị trường hiện nay vẫn tồn tại một số loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhưng lại được dán nhãn và làm bao bì gần giống với thuốc được bác sĩ kê toa khiến người nhầm lẫn.
Khi sử dụng các loại thuốc này, đa phần bệnh nhân không đạt được hiệu quả điều trị như mong đợi. Trên lâm sàng, bác sĩ thường ghi nhận các trường hợp bệnh không cải thiện, thậm chí có xu hướng xấu đi, kèm theo các chỉ số xét nghiệm bất thường…
Trước thực trạng đó, dược sĩ Hoàng khuyến cáo người dân cần chủ động trang bị kiến thức và xây dựng thói quen mua thuốc đúng cách. Theo ông, tốt nhất nên mua thuốc tại các nhà thuốc, cơ sở y tế uy tín đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.
“Người dân tuyệt đối không nên mua thuốc qua mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử, bởi đây là những kênh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi mua thuốc, cần kiểm tra kỹ các thông tin như số lô, hạn dùng, số đăng ký lưu hành, tem phụ tiếng Việt… Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc nghi ngờ về chất lượng thuốc, nên mang sản phẩm đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và xử lý kịp thời”, dược sĩ Hoàng nói.
Như PLO đã đưa tin, chiều 16-4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh…
Qua khám xét, công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả lên đến hàng chục ngàn hộp thuốc.
Ngoài ra, công an còn thu giữ nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả, gồm hơn 18.000 vỏ hộp các loại, 142 kg các loại viên hoàn, viên nén, bột và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất.
Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả là gần 10 tấn.
Theo Pháp Luật