“Bài hát đầu tiên” (phát sóng trên VTV3 vào 20h30, thứ hai hàng tuần từ 7/9/2020) là một trong những gameshow nhận được sự quan tâm lớn của khán giả truyền hình thời gian gần đây. Qua chương trình, khán giả có dịp hội ngộ với thần tượng, những ca khúc đình đám, gắn liền với một thời thanh xuân của họ.
Những gameshow ca nhạc tìm về ký ức, hoài niệm, “đi vào chiều sâu” đang dần trở thành trào lưu trong các chương trình giải trí hiện nay.
Lắng đọng những cung bậc cảm xúc
Đan Trường là ca sĩ mở màn cho series “Bài hát đầu tiên”. Có lẽ, với những khán giả thuộc thế hệ 7X, 8X thì anh Bo Đan Trường với những ca khúc hit như “Kiếp ve sầu”, “Đi về nơi xa”, “Kiếp rong buồn”, “Mưa trên cuộc tình”, “Phong ba tình đời”… đã trở thành một phần ký ức thanh xuân tươi đẹp.
Thời gian trôi đi, bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật cuốn chúng ta vào mối quan tâm khác và nhiều thần tượng một thời cũng đã dần thay thế bởi những gương mặt trẻ. Tuy nhiên, trong sâu thẳm tiềm thức, mỗi người đều lắng đọng những hoài niệm, ký ức về thời trẻ. Điều này lý giải tại sao “Bài hát đầu tiên” lại nhận được nhiều sự quan tâm đến thế.
Ca sĩ Đan Trường và Hari Won trình bày ca khúc “Ảo mộng tình yêu” trên sân khấu “Bài hát đầu tiên” lên sóng hôm 7-9-2020 vừa qua. |
Sau Đan Trường, ca sĩ Phương Thanh, Khắc Việt, Bảo Thy, Jimi Nguyễn, Lam Trường, Lý Hải, Ngọc Sơn… sẽ lần lượt xuất hiện trên sân khấu “Bài hát đầu tiên”. Trong chương trình, các ca sĩ trải lòng về những câu chuyện thú vị trong sự nghiệp ca hát cũng như cuộc sống đời thường, đồng thời, biểu diễn lại những ca khúc hit đã làm nên tên tuổi, thương hiệu của mình.
Nghệ sĩ, khán giả thực sự xúc động khi được đắm chìm vào giai điệu của những ca khúc thân thương một thời. Có khán giả chia sẻ rằng, họ như “hồi sinh” khi nghe lại ca khúc hit do chính ca sĩ thần tượng biểu diễn trên bản phối khí mới. Khi xem chương trình, bao ký ức ùa về. Họ đã từng thần tượng, hát hàng ngàn lần ca khúc của thần tượng khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, mà giờ tuổi đã tứ tuần.
Cũng lên sóng VTV3 thời điểm này là chương trình “Ca sĩ ẩn danh” với mục đích giúp các ca sĩ vang bóng một thời được tái ngộ khán giả. Format chương trình khá độc đáo: các ca sĩ ẩn danh được giữ bí mật danh tính khi đứng sau tấm màn nhung, người xuất hiện trên sân khấu để chia sẻ câu chuyện của họ là một nghệ sĩ “thế thân” khác.
Ban bình luận gồm năm nghệ sĩ nổi danh của showbiz Việt sẽ đặt câu hỏi để đoán ra thân phận thực sự của nghệ sĩ đang đứng phía trong sân khấu. Sau đó, nghệ sĩ sẽ biểu diễn tiết mục được dàn dựng công phu trên sân khấu để ban bình luận và khán giả bình chọn. Nghệ sĩ nào được bình chọn ít hơn sẽ phải lộ diện trước.
Hình thức “giấu mặt” để gợi sự tò mò của khán giả không còn xa lạ trong các gameshow thời gian qua. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của “Ca sĩ ẩn danh” ở chỗ, đó không phải là cuộc thi thố tài năng, không có màn “tranh giành” thí sinh của các huấn luyện viên mà mục đích là làm cầu nối đưa những ca sĩ “nổi đình nổi đám” một thời trở lại với khán giả. Trên sân khấu, có tiếng cười, sự hài hước nhưng đọng lại nhiều hơn cả là những giọt nước mắt của hạnh phúc và sự tiếc nuối.
Khán giả hiểu, cảm thông hơn với nỗi lòng nghệ sĩ khi biết được lý do vì sao những người từng được đánh giá là “ngôi sao”, “thần đồng” một thuở lại “biến mất” trong showbiz một cách lặng lẽ như vậy. Đồng thời, cũng thấu hiểu hơn một số nghệ sĩ trẻ, dù có tài năng nhưng lại kém may mắn, loay hoay mãi với niềm đam mê nghệ thuật mà chưa thể tỏa sáng để khẳng định bản thân.
Chương trình “Nghệ sĩ đương thời” phát sóng tối thứ ba hàng tuần trên truyền hình Vĩnh Long 1 cũng mang đến cho khán giả nhiều câu chuyện thú vị về chuyện đời, chuyện nghề của các nghệ sĩ. Theo Ban Tổ chức, đây là một chương trình thuần Việt với mục đích tôn vinh cống hiến của những nghệ sĩ đương thời bằng nỗ lực và tài năng của mình đã ghi được nhiều dấu ấn trong lòng khán giả.
Trong chương trình, lần đầu tiên, các nghệ sĩ sẽ kể những câu chuyện chưa từng hé lộ với công chúng, những cuộc hội ngộ bất ngờ đầy cảm xúc và những giọt nước mắt cho những tháng ngày hồi ức. Điểm khác biệt đáng chú ý trong Format chương trình “Nghệ sĩ đương thời” và “Bài hát đầu tiên” là ở chỗ, “Nghệ sĩ đương thời” tôn vinh nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ có riêng ca sĩ như “Bài hát đầu tiên”.
Cảm xúc lắng đọng từ ký ức và hoài niệm là điều mà chương trình như “Bài hát đầu tiên”, “Ca sĩ ẩn danh”, “Nghệ sĩ đương thời” đã mang đến cho khán giả. Có lẽ, trong cuộc sống bộn bề và đầy lo toan này, tìm lại được những cảm xúc chân thực dù được khơi gợi từ bất cứ một tác phẩm nghệ thuật, một chương trình giải trí nào cũng là điều rất đáng trân quý.
Những chương trình hay, mang tính nhân văn sâu sắc sẽ có chỗ đứng trong lòng khán giả
Có thể khẳng định rằng, một trong những yếu tố tạo nên sức sống của gameshow chính là nhân vật tham gia chương trình. Sức hút của nghệ sĩ góp phần rất lớn tạo nên thành công của các gameshow. Điều này lý giải vì sao gameshow nào cũng phải mời nghệ sĩ nổi tiếng.
Một số nghệ sĩ tên tuổi, hoạt ngôn, hài hước như Trấn Thành, Việt Hương, Trường Giang, Đại Nghĩa, Thu Trang, Tiến Luật, Lâm Vĩ Dạ… xuất hiện dày đặc trong các chương trình. Bên cạnh việc đi diễn, quay quảng cáo, gameshow đã trở thành một “kênh” mang lại nguồn thu nhập lớn cho các nghệ sĩ hiện nay.
Với khán giả, đời tư của các nghệ sĩ luôn là chủ đề hấp dẫn, khơi gợi sự tò mò của họ. Khán giả luôn muốn biết cuộc sống thực của người nghệ sĩ phía sau ánh hào quang, sự lộng lẫy trên sân khấu. “Chất liệu quý” từ đời tư nghệ sĩ thì ai cũng biết nhưng khai thác vốn quý đó như thế nào lại là câu chuyện không dễ dàng. Chất liệu đó phải được khai thác dưới những góc nhìn chân thực, nhân văn chứ không phải nhằm mục đích gây “sốc”, đánh bóng tên tuổi cho nghệ sĩ hay gây sự chú ý cho chương trình.
Theo dõi các gameshow thời gian qua, có thể thấy rằng, đã qua thời kỳ phát triển ồ ạt, gameshow trên truyền hình Việt dần có sự chọn lọc, đi vào chiều sâu hơn. Trong đó, các chương trình giải trí khai thác mảng đề tài âm nhạc vẫn chiếm số lượng áp đảo. Đây là xu thế tất yếu, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Những chương trình hay, mang tính nhân văn sâu sắc sẽ có chỗ đứng lâu bền trong lòng khán giả và ngược lại, những chương trình nhạt nhẽo, thậm chí là nhí nhố chắc chắn sẽ bị thay thế.
Nếu như trước đây, trong một thời kỳ, truyền hình Việt nở rộ những cuộc thi ca hát, tìm kiếm tài năng trên các lĩnh vực từ ca sĩ, ban nhạc, sáng tác ca khúc, múa, khiêu vũ, hài kịch, người mẫu, thiết kế thời trang, người dẫn chương trình, gương mặt quảng cáo, thậm chí là người yêu… thì giờ đây, các cuộc thi thưa vắng dần. Sự phát triển của xã hội, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả ngày càng nâng cao đòi hỏi các chương trình giải trí cũng phải đi vào chiều sâu mới đủ sức lôi kéo khán giả đến trước màn hình.
Một số chuyên gia nhận định rằng, gameshow truyền hình vẫn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong xã hội hiện đại và tiếp tục chiếm lĩnh các chương trình giải trí trong thời gian tới. Việc mua bản quyền các chương trình nước ngoài để “Việt hóa” vẫn sẽ là dòng chảy chủ đạo. Điều này đồng nghĩa rằng, khát vọng có những chương trình giải trí “made in Việt Nam” tạo được tiếng vang, có sức hấp dẫn vẫn là ước mơ ngoài tầm với.
Bên cạnh đó, sự phát triển của gameshow Việt vẫn chủ yếu mang tính trào lưu. Nhiều người cho rằng, các chương trình khai thác đời tư nghệ sĩ lừng danh một thời đang bắt đầu nở rộ và chỉ trong thời gian ngắn sẽ lại rơi vào tình trạng thoái trào khi các chương trình “na ná” nhau xuất hiện và nghệ sĩ lại nói những “câu chuyện đầu tiên” từ chương trình này sang chương trình khác”…
Theo CAND