Trong gần 5 năm qua, điện ảnh Việt Nam trình làng nhiều bộ phim làm lại từ nguyên tác nước ngoài. Một số gặt hái doanh thu khổng lồ, nhưng không ít tác phẩm sớm chìm vào quên lãng.
Yêu (2015): Yêu được remake từ tác phẩm đồng tính tuổi teen nổi tiếng The Love of Siam (2007) của Thái Lan. Đạo diễn Việt Max đưa ra một số thay đổi về mặt nội dung để bộ phim gần gũi hơn, đồng thời hoán đổi giới tính của đôi nhân vật chính từ nam sang nữ. Tuy không quá xuất sắc, Yêu vẫn được xem là một bản Việt hóa chỉn chu và gây chú ý nhờ sự góp mặt của Chi Pu – Gil Lê trong hai vai chính.
Em là bà nội của anh (2015): Ra mắt sau Yêu, nhưng thành công vang dội của Em là bà nội của anh mới là nguyên nhân khiến dòng phim remake bùng nổ tại Việt Nam. Tác phẩm được làm lại từ Miss Granny (2014) của điện ảnh Hàn Quốc. Phim giữ gần như nguyên vẹn tinh thần và cảm xúc của nguyên tác. Song, ê-kíp Em là bà nội của anh đồng thời có nhiều chỉnh sửa về bối cảnh, âm nhạc để phim gần gũi hơn với khán giả. Tác phẩm là một trong những thành viên đầu tiên gia nhập câu lạc bộ doanh thu 100 tỷ đồng của điện ảnh Việt sau khi ra rạp.
Bạn gái tôi là sếp (2017): Sau Em là bà nội của anh, Miu Lê tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” đóng chính trong Bạn gái tôi là sếp – bộ phim làm lại từ ATM: Er Rak Error (2012) của Thái Lan. Đạo diễn Hàm Trần giữ nguyên câu chuyện gốc, nhưng đem đến nhiều sự thay đổi về tạo hình, tính cách nhân vật để phim thêm thú vị. Đồng thời, những tình tiết dài dòng ở nguyên tác cũng được cắt gọt và chỉnh sửa để bản Việt hóa hấp dẫn hơn.
Sắc đẹp ngàn cân (2017): Sở hữu kịch bản gốc 200 Pounds Beauty (2006) đình đám của người Hàn Quốc, nhưng Sắc đẹp ngàn cân rốt cuộc trở thành “quả bom xịt” của điện ảnh Việt. Phim sao y nguyên tác một cách hời hợt và thiếu sáng tạo. Câu chuyện phẫu thuật thẩm mỹ làm dậy sóng Hàn Quốc không mấy quen thuộc với khán giả Việt, còn yếu tố hài hước từ trước đó 10 năm tỏ ra lỗi thời. Diễn xuất yếu kém của Rocker Nguyễn hay Minh Hằng càng góp phần khiến khán giả quay lưng với bộ phim.
Yêu đi, đừng sợ! (2017): Việt hóa từ kịch bản Spellbound (2011) của Hàn Quốc, Yêu đi, đừng sợ! gây bất ngờ với nhiều sáng tạo về mặt nội dung và tiết tấu. Tác phẩm của cố đạo diễn Stephane Gauger tập trung vào yếu tố hài hước, lãng mạn hơn là kinh dị. Nhiều tình tiết trong bản gốc bị lược bỏ để dành thời lượng cho câu chuyện quá khứ của các nhân vật. Ngoài ra, tác phẩm còn hoán đổi vị trí các sự kiện để dẫn đến cái kết hoàn toàn khác.
Tháng năm rực rỡ (2018): Tháng năm rực rỡ là một trong những tác phẩm remake thành công nhất của điện ảnh Việt với nhiều thay đổi phù hợp với bối cảnh nước nhà. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã chuyển thể mượt mà câu chuyện gốc Sunny (2011) vào các sự kiện lịch sử năm 1975. Phim loại bỏ bớt nhân vật mờ nhạt Seo Geum Ok (Nam Bo Ra) để tập trung xây dựng số còn lại. Đồng thời, các ca khúc trong phim cũng được khéo léo lựa chọn để gần gũi hơn với khán giả Việt.
Yêu em bất chấp (2018): So với nguyên tác My Sassy Girl (2001), Em yêu bất chấp tập trung mạnh hơn vào yếu tố hài hước. Phim ghi điểm về mặt hình ảnh, cũng như bối cảnh nên thơ của Đà Nẵng. Song, diễn xuất non nớt, có phần lệch pha giữa Hoài Lâm và Ngọc Thanh Tâm khiến tác phẩm không tạo được điểm nhấn cảm xúc. Không những thế, phim cũng mắc sai lầm giống như Sắc đẹp ngàn cân là bám quá sát phần kịch bản cũ kỹ từ nhiều năm trước.
Tìm vợ cho bà (2018): Đưa ra một số thay đổi so với bản gốc Bride for Rent (2014) của Philippines, nhưng Tìm vợ cho bà rốt cuộc là bản “cải lùi” đáng quên. Phim thẳng tay cắt bỏ những tình tiết đáng giá của nguyên tác khiến câu chuyện tình giữa hai nhân vật chính trở nên rời rạc và phi lý. Màn kết hợp giữa Jang Mi và S.T Sơn Thạch cũng tỏ ra nhạt nhòa trong con mắt số đông khán giả.
Ông ngoại tuổi 30 (2018): Ông ngoại tuổi 30 được làm lại từ Scandal Makers – tác phẩm có doanh thu cao nhất thị trường Hàn Quốc năm 2008. Song, câu chuyện chàng phát thanh viên có con rơi ở tuổi vị thành viên không được khán giả Việt Nam yêu thích. Đồng thời, phim tập trung quá nhiều vào yếu tố hài hước mà quên mất phần cảm xúc cần có. Diễn xuất của Trịnh Thăng Bình hay Kiều Trinh chưa thể vượt qua bộ đôi Cha Tae Hyun và Park Bo Young ở bản gốc.
Kế hoạch đổi chồng (2018): Bản gốc của Kế hoạch đổi chồng là bộ phim Argentina A Boyfriend for My Wife (2008). Trước đó, Hàn Quốc từng làm lại nguyên tác với tựa đề All About My Wife (2012). Tuy giữ được tinh thần của bản gốc, nhưng phiên bản Việt lại tỏ ra nhạt nhòa và đáng quên. Những thay đổi của biên kịch khiến phim trở nên gượng gạo với hàng loạt tình tiết gấp gáp, vội vàng. Diễn xuất của Quang Đăng, Hoàng Yến Chibi hay Trương Thanh Long là chưa đủ để thuyết phục người xem.
Vô gian đạo (2019): Trước ngày ra rạp, Vô gian đạo gây lùm xùm vì mang tựa đề giống hệt bom tấn trinh thám Hong Kong ra mắt năm 2002. Trên thực tế, phim được remake từ Thánh bịp vô danh (2000) của Vương Tinh. Vốn nguyên tác đã là một phim thương mại, tác phẩm của Trần Việt Anh còn sao chép một cách máy móc, thiếu sáng tạo nguyên tác. Tình tiết phim phi lý, tính cách nhân vật mâu thuẫn, tất cả khiến Vô gian đạo của Việt Nam sớm rơi vào quên lãng.
Anh trai yêu quái (2019): So với bản gốc My Annoying Brother (2016), đạo diễn Vũ Ngọc Phượng đã đưa ra các thay đổi về bối cảnh, nhân vật để Anh trai yêu quái gần gũi hơn với khán giả nước nhà. Phim được đánh giá là một trong những bản Việt hóa thành công và chỉn chu khi mang đến nhiều cung bậc cảm xúc. Dẫu vậy, tác phẩm vẫn còn một vài điểm yếu như lạm dụng tiếng cười và yếu tố câu nước mắt quá đà ở nhiều phân đoạn.
Bằng chứng vô hình (2020): Nhằm làm mới kịch bản nổi tiếng Blind (2011) của người Hàn Quốc, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã có một số cải biên cho Bằng chứng vô hình. Chúng mang lại một số hiệu ứng tích cực, nhưng đồng thời gây hại không ít. Hậu quả là chất giật gân, kịch tính trong phim gần như không còn. Nhiều tình tiết trong phim trở nên thiếu thuyết phục khi chỉ được giải quyết một cách vội vã.
Tiệc trăng máu (2020): Ra mắt năm 2016, Perfect Strangers của Italy nhanh chóng lập kỷ lục là bộ phim được remake nhiều nhất thế giới khi có đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ mua bản quyền. Trong đó, Tiệc trăng máu mang nhiều nét tương đồng với phiên bản Intimate Strangers (2018) của Hàn Quốc. Cả hai đều có cách xây dựng tình huống, chuyển biến tâm lý nhân vật, tiết tấu giống nhau. Song, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng đưa ra một vài thay đổi nhỏ để phim phù hợp với bối cảnh Việt. Đồng thời, dàn diễn viên tên tuổi như Thu Trang, Thái Hòa, Đức Thịnh hay Hồng Ánh đã giúp Tiệc trăng máu ghi điểm trong mắt người xem.
Theo Zing