Ngược với cảnh nườm nượp mọi năm, chợ hoa tại Hàng Mã, Hàng Lược… trước thềm Tết Tân Sửu bao trùm bằng vẻ đìu hiu, ít người qua lại.
Sau 4 ngày công bố ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, lượng khách tới tham quan chợ hoa tại khu phố Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Rươi khá vắng vẻ. Năm nay từ đầu chợ chỉ có 5-6 hàng đào, quất cảnh loại nhỏ. Đây là phiên chợ hoa được tổ chức tại khu phố cổ mỗi năm trước Tết Nguyên Đán 2-3 tuần, thu hút người dân tới mua sắm.
Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Rươi… vốn là nơi bán đồ trang trí phục vụ các dịp lễ Tết. Để tổ chức chợ hoa Tết Tân Sửu, khu vực được mới rào chắn chưa đầy một tuần. Mọi năm, khách đến đây phải gửi xe và đi bộ vào. Năm nay nhiều người vượt xe máy, dừng đỗ tự do, chọn mua tại cửa hiệu với tâm lý “mua nhanh, bán đứt”.
Một sạp hàng bán phụ kiện trang trí, dây ruy băng… Anh Huy Thành (phải), chủ tiệm, đã xếp gọn những bọc ruy băng chồng lên nhau trước cửa để chuẩn bị dọn hàng. Chủ tiệm cho biết, sáng 31/1 anh còn hăng hái đứng mời khách với hy vọng cuối tuần đông người hỏi mua. Càng về tối, thỉnh thoảng mới có khách đi qua, anh cũng không ngẩng đầu lên, mà cắm cúi nhìn điện thoại, cập nhật tình hình Covid-19.
Năm nay là thời điểm khó khăn với nhiều người buôn bán đồ trang trí vì Covid-19 bùng phát đúng đợt cận Tết Nguyên Đán. Anh Trần Kiệt, một người buôn bán lâu năm trên phố Hàng Mã cho biết: “Mọi năm chợ bắt đầu đông từ ngày 20 Âm lịch, nhưng giờ có khi ngồi cả ngày cũng không thấy khách”.
Ngoài chi phí vận chuyển, anh Kiệt cắt giảm cả chi phí thuê người trông đêm. Dựng chiếc ghế gập, anh nằm bên cạnh sạp hàng đồ trưng bày giả cổ, khoác 3 chiếc áo nằm qua đêm với hy vọng năm nay lỗ không quá 70%.
Một chủ buôn phong bao lì xì ngủ gục trước cửa hàng vì không có khách mua.
Đối với cửa hàng đồ trang trí Tết của cô An (Hàng Mã), năm nay cô chỉ duy trì một lượng hàng hóa nhất định, không nhập nhiều để tránh tồn kho. Gia đình tự sản xuất, bày bán các mặt hàng thủ công thay vì nhập cả hàng Trung Quốc như mọi năm.
Chủ tiệm bọc hoa giấy, hoa vải vào bao ni-lông, nếu khách tới hỏi mới tháo hoa tư vấn, cho khách xem và chọn.
Vào khung giờ 17h – 18h ngày 31/1, chợ đón được lượng khách nhất định, lác đác người tới mua hàng và chụp ảnh theo nhóm. Chị Thu Hằng (áo đỏ) cùng con gái đi bộ từ nhà ở Hàng Buồm đến chợ mua cây cảnh và đồ trang trí Tết. Hai mẹ con quyết định sắm sửa sớm cho có không khí Tết cổ truyền, vì lo sợ năm mới không được ra khỏi nhà.
Chị cho rằng giá cả năm nay không có thay đổi lớn. “Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng của dịch bệnh có thể khiến hàng hóa rẻ hơn, nhưng thực tế vẫn tăng dù không nhiều”, chị nói.
Càng về tối, số lượng người dân qua mua trực tiếp không đáng kể, thay vào đó, dịch vụ mua hàng hộ “nở rộ”. Anh Đinh Quốc Đạt (phải), một lái xe công nghệ, cho biết từ khi Covid-19 bùng trở lại, lượng đơn hàng nhờ mua giao hộ tăng đột biến. Mỗi ngày anh nhận gần chục đơn hàng, bao gồm dịch vụ thay người đặt đến cửa hàng, gửi mẫu hình cho khách chọn và giao hàng.
Chi phí cho dịch vụ mua hộ hơn cuốc xe thông thường từ 30.000 đến 50.000 đồng, nhưng theo anh tiền công như vậy chưa cao. “Nhiều rủi ro hơn, không phải ai cũng dám làm, nhưng mình cứ nhận để có tiền tiêu Tết”, anh nói.
Nhiều cửa hàng trong khu chợ hoa Tết Tân Sửu quyết định đóng cửa từ 19h vì không có khách. Dưới thời tiết mưa phùn lất phất, không khí ảm đạm bao trùm những con phố chăng đèn sáng trưng.
Theo VnExpress