Nỗ lực của quân đội Myanmar nhằm chấm dứt sự bất đồng chính kiến đang chuyển sang các nền tảng trực tuyến, khi internet bị chặn và 20 người nổi tiếng đã bị bắt giữ.
Hãng tin Reuters ngày 4-3 đưa tin những nỗ lực của quân đội Myanmar nhằm chấm dứt sự bất đồng chính kiến đang chuyển sang các nền tảng trực tuyến, khi chính quyền quân sự quyết định chặn internet và ra lệnh bắt giữ những người có quan điểm chỉ trích trên mạng.
Các động thái trên của chính quyền quân sự Myanmar diễn ra trong bối cảnh số người biểu tình thiệt mạng tại nước này kể từ khi chính biến nổ ra đã lên đến ít nhất 550 người, trong đó có 46 trẻ em, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP).
Biểu tình phản đối chính biến tại Myanmar. Ảnh: AP
Chính quyền quân sự Myanmar hôm 1-4 đã yêu cầu các nhà cung cấp Internet dừng cung cấp dịch vụ băng thông rộng không dây tại nước này cho tới khi có thông báo mới.
Chỉ thị này đã ảnh hưởng đến phần lớn hộ gia đình và doanh nghiệp do họ chủ yếu sử dụng kết nối Internet không dây và ít khi dùng mạng có dây.
Theo kênh truyền hình quân đội Myanmar, chính quyền quân sự Myanmar hôm 2-4 đã ban hành lệnh bắt giữ đối với 20 người nổi tiếng, bao gồm ca sĩ, diễn viên, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội và các nhà hoạt động, tờ Asia Nikkei ngày 3-4 đưa tin.
Những người nổi tiếng này bị cáo buộc kích động công chức tham gia vào phong trào bất tuân dân sự và ủng hộ Ủy ban đại diện Pyidaungsu Hluttaw, một nhóm do các nghị sĩ dân cử đã thắng cuộc bầu cử cuối năm 2020 thành lập. Nhóm này đã bị chính quyền quân sự Myanmar coi là “tổ chức bất hợp pháp”.
Theo Reuters, tất cả các nhân vật trên đã thể hiện quan điểm phản đối chính quyền quân sự, trong đó nữ diễn viên Paing Phyoe Thu đã tuyên bố rằng cô sẽ “không thu mình lại”.
“Cho dù lệnh đã được ban hành hay chưa, miễn là tôi còn sống, tôi sẽ phản đối chính quyền quân sự đang bắt nạt và giết hại người dân” – cô Phyoe Thu viết trên trang Facebook.
Cô Phyoe Thu thường xuyên tham gia các cuộc tuần hành ở TP. Yangon sau khi cuộc chính biến diễn ra. Chồng của cô, đạo diễn phim Na Gyi, đã bị chính quyền truy nã từ hồi tháng 2.
Theo Reuters, các nhân vật bị cáo buộc trên có thể phải chịu mức án tù ba năm.
Đài phát thanh và truyền hình quốc gia Myanmar (MRTV) hôm 2-4 đã công bố lệnh này kèm theo ảnh chụp màn hình và liên kết đến từng trang Facebook của các nhân vật.
Cổng thông tin Myanmar Now hôm 2-4 cũng đưa tin năm người phụ nữ từng nói chuyện với một nhóm phóng viên đài CNN trên đường phố Yangon trong tuần này đã bị các nhân viên an ninh bắt đi.
Tuy cấm các nền tảng mạng xã hội như Facebook, song chính quyền quân sự Myanmar vẫn tiếp tục sử dụng mạng xã hội để theo dõi các nhà phê bình, đồng thời phát đi các thông điệp của mình.
Bất chấp việc lực lượng an ninh Myanmar gia tăng các biện pháp đối phó, tình hình biểu tình phản đối chính biến tại Myanmar vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.
Những ngày qua, các cuộc tuần hành vẫn diễn ra hàng ngày ở các thành phố khắp Myanmar dưới hình thức “mít tinh du kích”, với các hoạt động thách thức nhỏ lẻ, diễn ra nhanh chóng trước khi lực lượng an ninh kịp phản ứng. Người biểu tình cũng tụ tập vào ban đêm để thắp nến cầu nguyện.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình với quy mô lớn thu hút hàng chục nghìn người tham gia phần lớn đã dừng lại ở các thành phố lớn.
Chính quyền Mỹ đã lên án động thái đóng cửa” internet của chính quyền quân sự Myanmar.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter cho biết: “Chúng tôi hy vọng điều này sẽ không làm tiếng nói của người dân trở nên im lặng”.
Theo Pháp Luật