Nhiều người thân xúi giục trẻ em trộm cắp tài sản nhằm né tránh pháp luật . Những đối tượng này lợi dụng quy định pháp luật không xử lý hình sự đối với trẻ dưới 14 tuổi.
Khó xử kẻ xúi trẻ em trộm cắp
Ngày 15/4, gần một trăm khách mời là đại diện các cơ quan ban ngành, trường học và sinh viên đã đến tham dự và bàn luận về nguyên nhân dẫn đến người trẻ phạm tội tại buổi tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội ” do báo Thanh niên tổ chức tại TPHCM .
Gần một trăm khách mời là đại diện các cơ quan ban ngành, trường học và sinh viên đã đến tham dự và bàn luận về nguyên nhân dẫn đến người trẻ phạm tội .
Phát biểu tại buổi tọa đàm , Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an TPHCM ), cho biết: “Từ năm 2018 đến hết quý 1/2021, toàn TPHCM ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện, truy bắt 884 đối tượng. Trong đó, đã khám phá 474/516 vụ, xử lý 775 đối tượng; đang tiếp tục điều tra 42 vụ/109 đối tượng”.
Điều đáng nói là độ tuổi tội phạm dưới 14 tuổi chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là 27,26%, dưới 18 tuổi là 69,12%. Hầu hết trẻ phạm tội là nam, nhưng vẫn có hơn 4% là nữ.
Theo Thiếu tá Hùng, đối tượng trẻ em phạm tội chủ yếu thuộc về 2 nhóm chính khá đối lập nhau nhưng cùng có điểm chung là thiếu sự quan tâm của gia đình. Nhóm thứ nhất là gia đình có điều kiện kinh tế tốt thì cha mẹ lại bận rộn làm ăn, giao tiếp mà không có thời gian gần gũi con cái. Nhóm thứ 2 là gia đình khó khăn, cha mẹ bận kiếm tiền mưu sinh nên cũng không có thời gian chăm sóc con.
Nhóm tội phạm trẻ khác ít hơn nhưng Thiếu tá Hùng cực kỳ lo ngại là nhóm trẻ bị người lớn xúi giục phạm tội vì lợi ích cá nhân, xúi giục trẻ trộm cắp tài sản… Vì những đối tượng này lợi dụng quy định pháp luật không xử lý hình sự đối với trẻ dưới 14 tuổi.
Một vụ người lớn xúi giục bé trai 8 tuổi trộm cắp tài sản xảy ra tại TPHCM cuối năm 2020.
Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng cho biết: “Người xúi giục thường là người thân, người có ảnh hưởng đối với trẻ. Do đó, nếu trẻ không biết hành vi đó là xấu thì trẻ dần nhận thức những việc đó là bình thường, là tốt. Còn nếu trẻ nhận thức được đó là hành vi xấu mà vẫn phải làm, vẫn bị người thân bắt làm thì xảy ra sự xung đột, bức bối trong suy nghĩ. Điều này sẽ hình thành một đứa trẻ bướng bỉnh, nguy cơ phạm tội trong tương lai”.
Biện pháp ứng phó với loại tội phạm này là phải xử lý hình sự đối tượng xúi giục trẻ phạm tội. Tuy nhiên, Thiếu tá Hùng thừa nhận là rất khó: “Muốn xử lý hình sự đối tượng xúi giục thì mình phải có chứng cứ chứng minh hành vi xúi giục, chủ mưu. Nhưng điều này là rất khó khăn”.
Xử nghiêm những kẻ lan truyền hành vi bạo lực
Tham dự tọa đàm , các diễn giả đều đồng tình là các vụ phạm pháp của người trẻ, hành vi bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm nhận định: “Tình trạng tội phạm trẻ hóa ngày càng phổ biến. Trước đây, tội cố ý gây thương tích… chiếm đa số. Nhưng bây giờ, tội phạm công nghệ cao, xâm phạm an ninh quốc gia cũng có nhiều người dưới 18 tuổi”.
Ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập báo Thanh niên lo lắng: “Điều đáng lo ngại là trong các vụ việc này có dáng dấp băng nhóm, gây hậu quả đau lòng và dài lâu. Đặc biệt, trong thời buổi công nghệ, mạng xã hội phát triển là nét mới so với trước đây. Hành vi của người trẻ do tác động của mạng xã hội lan truyền nhanh dẫn đến những mâu thuẫn, xúc phạm lẫn nhau. Từ đó, dẫn tới những người trẻ cư xử bạo lực, vi phạm pháp luật ”.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cũng kể về 1 ca mà ông từng nghiên cứu là 1 nam sinh ăn hiếp, tát liên tục vào mặt 1 bạn khác trong trường. Lúc này có 20 bạn học khác đứng vây quanh để quay phim , livestream … bằng điện thoại nhưng tuyệt nhiên không ai bênh vực bạn mình.
Nhiều vụ bạo hành diễn ra, bạn bè đứng xung quanh không can ngăn mà còn cổ vũ, quay clip , livestream …
Theo ông, hành vi vô cảm, khích bác, cổ vũ hành động bạo hành học đường của 20 bạn trẻ vây quanh kia mới đáng lên án, nó góp phần tạo nên tâm lý quá khích, dễ phạm tội của giới trẻ ngày nay.
Nhà báo Nguyễn Quang Thông nhận định những hành vi livestream câu live, câu view trên của các bạn trẻ không chỉ là hành vi xốc nổi mà còn nhiều đối tượng có mục tiêu lợi ích, muốn nổi tiếng và muốn kiếm tiền từ những tài khoản mạng xã hội này.
Do đó, ông đề nghị Công an TPHCM nên nghiên cứu xử lý hình sự vài trường hợp có hành vi lan truyền hình ảnh bạo lực để kiếm lợi như trên nhằm hạn chế, định hướng lại cái nhìn đúng đắn cho giới trẻ và còn cả răn đe những đối tượng có mục đích tương tự.
Theo Dân Trí