Sau ngày 15/8, ngoài việc tiếp tục duy trì các chuỗi cung ứng thực phẩm như “siêu thị mini di động” Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ phát động chương trình “Đưa thực phẩm, nông sản trực tiếp từ nhà máy, nông trại đến người tiêu dùng” thông qua tổ chức kết nối các đơn vị cung ứng, các tỉnh thành.
Thông tin tại lễ xuất phát “siêu thị mini di động” sáng 14/8, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, mô hình “siêu thị mini di động” là một phần trong chương trình doanh nghiệp đồng hành cùng người dân Thành phố, tham gia “Kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực thực phẩm cho Thành phố”.
Xe bus bán thực phẩm lưu động tại TP Hồ Chí Minh |
Theo thống kê của Sở Công Thương, sau 1 tháng triển khai chương trình “Kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh” đã đạt được những kết quả khích lệ. Cụ thể, với chương trình “Thực phẩm Bình ổn lưu động”. Thành phố đã thực hiện những chuyến xe đưa hàng hóa thực phẩm với chất lượng đảm bảo, giá cả bình ổn đến người dân tại từng địa bàn dân cư được khởi động ngay từ những ngày đầu Thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Đến nay, chương trình đã tổ chức được 1.635 điểm bán với 2.108 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận – huyện, TP Thủ Đức.
Người dân tiếp cận thực phẩm qua các chuyến xe lưu động |
Đặc biệt, nếu như ban đầu chỉ là những chiếc xe tải thông thường được cải tạo để mang hàng hóa đến phục vụ người dân thì tới nay, chương trình đã được triển khai nhân rộng với nhiều mô hình đổi mới, sáng tạo, linh hoạt. Từ những chiếc xe tải bán hàng thông thường đến các xe bus bán thực phẩm lưu động và nay là những xe bus được cải tạo, lắp đặt quầy kệ thành các “Siêu thị mini di động” với đầy đủ hàng hóa mang thực phẩm và hàng thiết yếu, giá cả bình ổn phục vụ người dân.
Đáng chú ý, chương trình “Kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh” đã huy động các nguồn lực xã hội, kết nối các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics có đủ năng lực và điều kiện cùng tham gia vào chuỗi cung ứng “linh hoạt”. Theo đó thông qua việc trưng dụng các hệ thống bưu cục, phương tiện vận chuyển, nhân lực của các công ty bưu chính; chuyển đổi công năng tạm thời của chuỗi các cửa hàng bán lẻ thành các điểm bán lương thực thực phẩm… Theo ghi nhận của Sở Công Thương, vào một số thời gian cao điểm, chương trình đã tổ chức hơn 1.000 điểm bán/ngày; đến nay chương trình được tổ chức với quy mô phù hợp do tình hình cung ứng hàng hóa cho người dân đã được ổn định từ số lượng đến chất lượng, giá cả hàng hóa cung ứng.
Sau ngày 15/8 Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả các kênh phân phối thực phẩm bổ trợ |
Ngoài sự tham gia của các doanh nghiệp kể trên, chương trình cũng huy động các doanh nghiệp thương mại điện tử cùng tham gia tổ chức bán rau củ quả, thực phẩm cho người dân thông qua các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Sendo, Lazada…với sản lượng hơn 100 tấn/ngày. Sự tham gia của các kênh phân phối này đã giúp người dân được tiếp cận thêm các kênh mua sắm trực tuyến vừa đảm bảo an toàn vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa.
Từ kết quả trên, sau ngày 15/8, Sở Công Thương cho biết, ngoài việc tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của chuỗi các “Kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh”, Thành phố tiếp tục triển khai chương trình “Đưa thực phẩm, nông sản trực tiếp từ nhà máy, nông trại đến người tiêu dùng” nhằm phân phối trực tiếp đến người dân tại từng địa bàn dân cư và phân phối trực tiếp cho người dân tại các khu phong tỏa theo chương trình “bán hàng đồng giá”. Qua đó giúp người dân TP Hồ Chí Minh được tiếp cận nguồn thực phẩm tươi, chất lượng, giá cả phù hợp.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh kỳ vọng, với sự gia tăng ngày càng nhiều các điểm cung ứng hàng hóa sẽ góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa của Thành phố được liên tục, ổn định, người dân được cung ứng đầy đủ, kịp thời thực phẩm, nhu yếu phẩm và an tâm cùng cộng đồng thực hiện giãn cách xã hội.
Theo Công Thương